Dịch giả gắn tên tuổi với 'Đỗ quyên đỏ' và 'Nữ hoàng phong lan'

Văn học Trung Quốc từ lâu đã chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học dịch Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc đã được chọn dịch ở Việt Nam và gây được sự chú ý của bạn đọc trong thời gian vừa qua như: Đỗ quyên đỏ, Nữ hoàng phong lan của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bản…

Anchee Min sinh ra ở Thượng Hải, vừa là một nhà văn, họa sĩ và là một đạo diễn, chị đã từng vinh dự nhận giải thưởng sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm đầu tay Đỗ quyên đỏ. Đây là một cuốn hồi ký rất ấn tượng và có những cái nhìn riêng của nữ tác giả Trung Quốc và thành danh ở Mỹ bằng những tác phẩm viết về lịch sử Trung Quốc. Anchee Min đã kể lại lịch sử Trung Quốc cho phương Tây nghe và giải thích cho phương Tây hiểu thế nào là lịch sử, là nền văn hóa và con người Trung Quốc sâu xa thần bí. Bên cạnh cuốn tiểu thuyết Đỗ quyên đỏ, nữ nhà văn tiếp tục cho ra mắt độc giả tiểu thuyết Nữ hoàng phong lan kể về cuộc đời và nước mắt của một người đàn bà đã từng làm nên lịch sử của Trung Hoa, Từ Hy Thái Hậu. Và đó cũng là hai tác phẩm thành công nhất của Anchee Min cho đến nay.

Với Nguyễn Bản dù chỉ một trang sách nhưng mang tới ý nghĩa cho độc giả cũng đã là rất giá trị. Ảnh: T.Yên

Với Nguyễn Bản dù chỉ một trang sách nhưng mang tới ý nghĩa cho độc giả cũng đã là rất giá trị. Ảnh: T.Yên

Dù là tác phẩm tự truyện hay là tiểu thuyết lịch sử, cả hai tác phẩm của Anchee Min đã thể hiện những nhân vật phụ nữ với tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, dám bước qua số phận của cuộc đời dành cho mình để cuốn theo một con đường mới đầy phiêu lưu mạo hiểm, đòi hỏi sự đốt cháy mình không chỉ cho khát khao của một cá nhân mà là khát khao của cả thời đại. Tác phẩm của Min là tác phẩm của một phụ nữ trong thế kỷ XXI, cụ thể hơn là tác phẩm của một nhà văn đã tiến hành một cuộc hành trình từ Đông sang Tây. Hiện thực của đất nước Trung Quốc, dù là của thời Từ Hy Thái Hậu hay của thời cách mạng văn hóa, đã được nhìn nhận từ bên ngoài đất Trung Hoa, vì vậy nó mang tính khách quan và có thể với một tầm nhìn rộng hơn.

Năm 1996, dịch giả Nguyễn Bản đã chuyển ngữ rất thành công cuốn tiểu thuyết Đỗ quyên đỏ. Và một thời gian sau, ông tiếp tục cho ra mắt cuốn Nữ hoàng phong lan gây sự chú ý của độc giả. Đây là hai tác phẩm mà ông rất tâm huyết. Nguyễn Bản dành nhiều thời gian và công sức với một tâm trạng thăng hoa, sống cùng tác giả để cho ra đời đứa con tinh thần mà ông cảm thấy ưng ý nhất. Trong lao động dịch thuật quan điểm của ông cũng rất rõ ràng: Tôi là nhà văn, công việc dịch thuật thực chất là sự hợp tác với tác giả chứ không chỉ để chuyển nghĩa đơn thuần mà còn tham gia vào công việc sáng tác cùng tác giả. Và trong tổng số 15 đầu sách đã được dịch cuốn Đỗ quyên đỏ là cuốn tiểu thuyết được ông chuyển nghĩa bằng tất cả niềm đam mê, sự khao khát bằng chính cái tâm của mình để cho ra đời cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng đối với bạn đọc-nhất là bạn đọc nữ. Cho đến nay, cuốn tiểu thuyết Đỗ quyên đỏ đã được tái bản lần thứ 3.

Dịch giả Nguyễn Bản tâm sự: Những người đọc lần đầu tiên tiểu thuyết của Min, tôi không được biết các chi tiết trong tiểu sử của nhà văn, nhưng tôi tin rằng còn những chi tiết khác nữa từ tiểu sử nhà văn đã được đưa vào tác phẩm. Ông lý giải: Văn học dịch thuộc thể loại rất khó, mỗi một tác phẩm dịch đều có đối tượng bạn đọc riêng mang tính đặc thù. Trên thực tế, văn học dịch thường kén người đọc, có những tác phẩm có chất lượng cao chỉ dành cho số ít bạn đọc (mang tính nghiên cứu và học thuật cao) nhưng sức sống của tác phẩm ấy được giới nghiên cứu coi trọng. Và người dịch thông minh thường chọn tác phẩm dịch của mình theo hướng tuân thủ theo quy luật thắt nút-mở ra nhiều lối nhằm mục đích để độc giả đồng hành cùng sáng tác, tham gia vào câu chuyện mới thực sự sinh động.

Tuy nhiên, dịch giả Nguyễn Bản cũng bày tỏ những niềm trăn trở: Trong xu thế thị trường hiện nay, đã có không ít những dịch giả “hăng say” chạy theo cơ chế thị trường, chỉ nghĩ đến việc dịch để kiếm tiền nên đã có không ít những tác phẩm dịch non nớt về kỹ năng chuyên môn, dịch chưa hết và sát nghĩa, dịch ẩu… gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động văn học dịch nước nhà.

Ông cho rằng: Ngày nay, công nghệ thông tin, internet phát triển mạnh mẽ đã tạo cho thế hệ dịch giả trẻ ở Việt Nam rất nhiều cơ hội. Hy vọng đội ngũ dịch giả trẻ nên chọn lựa thật kỹ những tác phẩm có chất lượng, hợp với thuần phong mỹ tục của đất nước để dịch nhằm góp phần làm phong phú thêm các tác phẩm văn học và song hành cùng sự phát triển. Và suy cho cùng, đã dấn thân vào nghiệp dịch trước hết phải có cái tâm, lòng đam mê thì mới thành công và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Do xác định rõ mục đích nên ông đã chọn cho mình một phương châm dịch: Mỗi nhà văn, dịch giả chỉ cần để lại một tập sách, thậm chí một trang sách có giá trị và ý nghĩa với độc giả cũng là quý lắm rồi!

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bản sinh năm 1931 tại Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp khoa văn (ĐH Sư phạm Văn khoa năm 1976). Truyện ngắn đầu tiên được in năm 1960 và được dịch ngay sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Và ông cũng là người thông thạo 2 ngôn ngữ gồm tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1964 ông thôi viết. Đến năm 1989 ông mới cầm bút trở lại, chủ yếu là viết truyện ngắn và dịch văn.

Các tác phẩm đã xuất bản: Truyện ngắn: Bức tranh và vết thạch (1992), Mùi tóc Thảo (1994), Truyện ngắn Nguyễn Bản (1996), Nợ trần gian (2003), Những cánh hoa quỳ dại (2006), Đêm cuối năm kinh hoàng (Rừng đêm cuối năm), Mặt trời đồng xu, Đường phố lòng tôi (năm 2007)… Truyện dịch: gồm 15 tập truyện và tiểu thuyết, trong đó đáng chú ý là: Hoa đỗ quyên đỏ của Anchee Min (Giải thưởng Văn học Carl Sandburg, Mỹ năm 1993), và tác phẩm dịch này mới được tái bản với tên gọi Đỗ quyên đỏ đang thu hút rất đông bạn đọc. Ông còn có 8 giải thưởng truyện ngắn đều từ những cuộc thi lớn, 4 trong số đó là Ánh trăng, Chuyến ly hương cuối đời, Sông Lấp, Cơn lũ.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dich-gia-gan-ten-tuoi-voi-do-quyen-do-va-nu-hoang-phong-lan-172896.html