Dịch lở mồm long móng bùng phát, người dân vứt xác lợn khắp suối Cam Ly

Những con lợn nghi mắc dịch lở mồm long móng (LMLM) tại xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) được người dân đem vứt xuống đầy con suối Cam Ly gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối nồng nặc và đặc biệt là khiến nguy cơ bùng phát dịch lan rộng ra các địa bàn lân cận.

Lợn chết vứt nổi đầy suối Cam Ly (đoạn qua xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà)

Lợn chết vứt nổi đầy suối Cam Ly (đoạn qua xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà)

Đi dọc con suối Cam Ly chảy qua địa phận thôn 2, xã Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Hải bức xúc chỉ tay về phía những xác lơn chết rồi cho biết: “Dịch LMLM tại xã đã diễn ra từ trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tuy nhiên các hộ dân tại đây lại không báo cho chính quyền địa phương mà lại mang những con heo đã chết vứt xuống suối. Những hôm nhiều lợn chết quá, tôi làm ở vườn dâu gần đó mà không thể làm nổi bởi mùi hôi thối nồng nặc”.

Cũng là một hộ nuôi lợn, sau khi thấy xuất hiện lợn chết, ông Hải đã báo cáo địa phương xử lý. Mỗi ngày ông xịt khoảng 7 lần thuốc sát trùng để phòng dịch. Tuy nhiên, cách đây khoảng 1 tuần thì đàn lợn nhỏ 29 con của ông đã bị dịch và chết. Ông Hải đã đem số lợn này bỏ vào hầm Biogas để làm gas đun nấu và làm phân bón cho dâu.

Lợn chết nổi bồng bềnh trên suối

Ghi nhận, tại con suối này có rất nhiều xác lợn chết đã nhiều ngày, đổi màu, nổi trương trên mặt nước. Hay những con lợn được người dân cho vào bao đựng cám rồi thải xuống suối bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, những nơi nước có vùng xoáy, xác heo lại dạt vào bờ và bị mắc kẹt lại không thể trôi đi được.

Là hộ gia đình có nhà ở gần suối, thường xuyên sử dụng nguồn nước tại đây, ông Trần Văn Động thôn 2, xã Gia Lâm) cũng không khỏi bức xúc. Ông Động cho rằng, là một con suối lớn chảy từ Đà Lạt qua các huyện Đức Trọng, Lâm Hà…mà hiện tại lại ô nhiễm rất nặng. Theo ông Động, nguyên nhân nhân là do các hộ dân vứt gà chết, lợn chết hay rác thải sinh hoạt xuống. Khoảng 2 tháng nay, mỗi lần xuống suối nổ máy để tưới dâu hay cà phê thì đều phải dùng gậy để đẩy xác lợn chết trôi đi. Ông Đào Văn Hinh – Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà cho biết: Ngay sau khi biết thông tin, xã đã chỉ đạo Ngành nông nghiệp cho cán bộ thú ý và khuyến nông để phê bình và yêu cầu kiểm tra lại ngay tại địa bàn để có phương án xử lý nhanh nhất.

Lợn trôi mắc vào gốc cây bốc mùi hôi thối

“Địa phương đã phát hiện dịch từ trước tết Nguyên Đán và báo cáo Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà kiểm tra. Tuy nhiên, khi phát hiện dịch người dân lại giấu, không báo với chính quyền địa phương mà tiến hành bán bán chạy đàn. Chính vì vậy, khi kiểm tra trên địa bàn xã thì phát hiện chỉ 13 hộ có heo mắc dịch với số lượng heo nhỏ” - ông Hình cho biết thêm.

Ông Hinh cũng cho rằng, người dân bán chạy đàn mà không thông báo với chính quyền địa phương thì cũng là cái khó khăn cho họ sau này. Nếu công bố dịch bùng phát thì cần thống kê số lượng đàn heo, gửi cấp trên để có hướng hỗ trợ người dân thì họ sẽ không được. Chính vì vậy việc thông báo với địa phương là rất quan trọng.

Cán bộ thú y huyện Đạ Tẻh phun xịt tiêu độc khử trùng

Cùng với Lâm Hà, thì tình trạng heo chết nghi mắc bệnh LMLM cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong huyện Đạ Tẻh có số lượng lợn mắc bệnh tương đối nhiều. Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng NN - PTNT huyện Đạ Tẻh, thông tin: “Qua thống kê đến nay, toàn huyện đã phát hiện và ghi nhận gần 20 hộ chăn nuôi, với khoảng 300 con lợn bị bệnh (nghi LMLM). Trong đó, thị trấn Đạ Tẻh là địa phương có số lượng heo mắc bệnh nhiều nhất, với hơn 250 con. Hiện, hơn 100 con lợn mắc bệnh nặng đã được tiêu hủy. Số heo mắc bệnh còn lại đang được theo dõi điều trị. Dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp khiến người chăn nuôi không khỏi lo lắng, bất an”.

Công tác phòng chống dịch bệnh được huyện Đạ Tẻh triển khai đồng bộ (trong ảnh, cán bộ thú y khử trùng nơi tiêu hủy lợn chết).

Trong khi đó, bà Ngô Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Suốt hơn 10 ngày qua, chung tôi đang tập trung mọi biện pháp để phòng, chóng dịch bệnh trên đàn heo. Trung tâm đã huy động tổng lực cán bộ thú y tiến hành phun xịt tiêu độc khử trùng bao vây các ổ bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng. Hiện, chúng tôi đã tiếp nhận từ Chi cục Thú y Lâm Đồng 300 lý thuốc khử trùng và đang khẩn trương cắt cử người chia ca phun xịt khử trùng; trong đó, đặc biệt chú trọng phun xịt tại các ổ bệnh mới, các khu vực công cộng như chợ, bến xe và các điểm giết mổ gia súc. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình thì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm”.

Công tác phòng chống dịch bệnh được huyện Đạ Tẻh triển khai đồng bộ (trong ảnh, cán bộ thú y khử trùng nơi tiêu hủy lợn chết).

Cũng theo bà Nga, song song với việc thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, Trung tâm cũng đã phát hơn 2.000 tờ rơi, tài liệu và phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể theo huyện liên tục phát các bản tin về tác hại bệnh LMLM và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, cán bộ thú y phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động giết mổ và buôn bán, vận chuyển gia súc gia cầm trên địa bàn.

Cùng với Lâm Hà, Đạ Tẻh thì dịch bệnh còn xuất hiện lác đác tại một số địa phương như Đức Trọng, Đạ Huoai và TP Bảo Lộc… Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra, ông Hoàng Huy Liệu – Phó Chi Cục Chăn nuôi và Thủy Sản Lâm Đồng cho biết: “Thời gian qua tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cơ quan thú y các cấp đã phối hợp xử lý các hộ chăn nuôi có dịch bệnh thì tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế. Đến nay, dịch bệnh trên ba huyện Đức Trọng, Đạ Tẻh và Lâm Hà khiến 828 con lợn mắc bệnh, đã tiêu hủy 337 con mắc bệnh và chết. Riêng tại huyện Lâm Hà, dịch bệnh bùng phát từ 2/2/2019, khiến 192 con lợn tại hai xã Gia Lâm và Đông Thanh mắc bệnh. Tuy nhiên, địa phương đã tiêu hủy 53 con mắc bệnh, số còn lại đã khỏi về triệu chứng”.

Người dân huyện Đạ Tẻh rắc vôi tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Theo ghi nhận, Lâm Đồng đã và đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên diện rộng. Theo đó, phương châm “5 không” (Không giấu dịch; không bán chạy gia súc gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh) đang được triển khai tới từng hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, công khai chính sách hỗ của nhà nước đối với các hộ có gia súc, gia cầm chết theo quy định để người dân nắm bắt, chủ động phòng, chống và không giấu dịch.

Bài & ảnh: Hoài Thanh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/dich-lo-mom-long-mong-bung-phat-nguoi-dan-vut-xac-lon-khap-suoi-cam-ly-1266338.html