'Đích nhắm' thực sự của Mỹ là Chủ tịch Huawei?

Động thái mở đầu cho căng thẳng giữa Chính phủ Mỹ và tập đoàn Huawei bắt nguồn từ việc Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu hồi tháng 12/2018. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đích nhắm của Mỹ không phải bà Mạnh mà thực ra là cha bà - Chủ tịch Huawei.

Kể từ khi CFO của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada hồi tháng 12/2018, cả tập đoàn viễn thông Huawei và Chính phủ Trung Quốc đều không có nhiều lựa chọn đáp trả hoặc trả đũa.

Phía Mỹ cáo buộc Huawei- nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới làm ăn với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và đánh cắp các bí mật công nghiệp của Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada hồi tháng 12/2018.

Trong khi đó, các cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ ám chỉ những lãnh đạo khác của Huawei, bao gồm người sáng lập Nhậm Chính Phi (cha ruột bà Mạnh), cũng phải dè chừng khi đi tới các quốc gia có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. "Nếu tôi là luật sư của ông Ren, tôi sẽ khuyên ông ấy cẩn thận" – ông Julian Ku, chuyên gia luật của Trường ĐH Hofstra (Mỹ), nhận định.

Điều này sẽ gây thêm khó khăn cho việc kinh doanh của Huawei ở châu Âu trong khi Mỹ từ lâu đã gây sức ép với nhiều đồng minh tại đây để "dứt áo" với tập đoàn Trung Quốc. Mỹ cáo buộc Huawei có liên hệ với chính phủ Trung Quốc trong khi nhiều nước phương Tây lo sợ những thiết bị điện tử của công ty này có thể là "cửa sau" cho tình báo Bắc Kinh.

'Đích nhắm' thực sự của Mỹ là Chủ tịch Huawei- ông Nhậm Chính Phi?

New York Times dẫn cáo trạng cho biết Huawei bắt đầu nói dối Chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức tài chính đa quốc gia về việc làm ăn với Iran từ năm 2007. Điều này được rút ra trong cuộc thẩm vấn của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) với ông Ren vào tháng 7/2007. Khi đó, ông Ren khẳng định công ty ông tuân thủ mọi điều luật của Mỹ và không làm ăn trực tiếp với bất cứ công ty Iran nào.

Ngoài ra, Huawei bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ nhà cung cấp mạng không dây T-Mobile của Mỹ. Cụ thể, Huawei khuyến khích nhân viên của mình tiếp cận robot có biệt danh "Tappy" mà T-Mobile dùng để thử nghiệm điện thoại thông minh.

Đặc biệt, New York Times cho hay các công tố viên còn nêu danh tính của ít nhất một trong số bị cáo và để ngỏ khả năng bắt giữ người này. Theo Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Ken Hu, người này chưa chắc là ông Ren nhưng cũng không có gì đảm bảo người sáng lập Huawei "thoát" khỏi tầm ngắm sau này.

Huawei bị Mỹ xem là "sân sau" của tình báo Trung Quốc.

Theo một nguồn tin của New York Times, bà Mạnh từng bị bắt giữ trong vài giờ khi bà tới sân bay quốc tế Kennedy ở New York vào năm 2014. Các thiết bị điện tử của bà bị tịch thu và trong đó, giới chức Mỹ phát hiện một tập tin chứa các đầu mối về quan hệ giữa Huawei và Skycom – bị cho là công ty con không chính thức mà Huawei dùng để giao dịch với phía Iran.

Vụ bắt bà Mạnh bị xem là cuộc tấn công nhằm vào một trong những doanh nghiệp xuất sắc nhất Trung Quốc. Tập đoàn Huawei được xem là công ty toàn cầu nhất của nước này.

Huawei có tham vọng trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất con chip và công nghệ 5G. Những bước tiến nhanh chóng của Huawei đã khiến Mỹ lo ngại.

Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết, Mỹ đã tiến hành điều tra Huawei kể từ năm 2016 với cáo buộc chuyển giao các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ sang Iran và các quốc gia khác, vi phạm quy định xuất khẩu của Mỹ, cũng như biện pháp trừng phạt của nước này đối với Iran.

Từ những động thái trên, giới chuyên gia cho rằng, 'đích nhắm' thực sự của Mỹ không chỉ là bà Mạnh mà là cha bà- Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi.

Đình Văn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dich-nham-thuc-su-cua-my-la-chu-tich-huawei-a421219.html