Dịch sởi bùng lên khắp thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận năm 2018 có 229.000 bệnh nhân sởi, trong khi năm 2017 ở mức 170.000 ca.

Theo WHO, con số 229.000 ca sởi chưa phải là kết quả cuối cùng của năm 2018. Các chuyên gia dự đoán khi hoàn tất thống kê, số bệnh nhân sởi sẽ cao hơn gấp đôi so năm 2017.

Bàn tay một em bé bị sởi. Ảnh: Koin.

Bàn tay một em bé bị sởi. Ảnh: Koin.

Giáo sư Katherine O’Brien, Giám đốc Tiêm chủng và Vắcxin của WHO nhận định thế giới đang đi ngược lại những nỗ lực phòng tránh sởi. Theo bà, dịch sởi dù xảy ra ở một khu vực nhỏ cũng đem đến nguy cơ lớn cho cả nhân loại, bởi virus cũng như các mầm bệnh khác dễ dàng vượt qua mọi biên giới.

Bên cạnh đó, ước tính chưa đầy 10% ca bệnh sởi được báo cáo nên con số thật có thể lên tới hàng triệu.

Sởi đôi khi bị nhầm lẫn là loại virus nhẹ, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực tế, sởi tiến triển rất nhanh và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, điếc hoặc chết người, đặc biệt khi bệnh nhân bị suy dinh dưỡng hoặc hệ miễn dịch yếu.

Tiến sĩ Katrina Kretsinger đứng đầu chương trình tiêm chủng mở rộng của WHO cho biết Ukraine, Madagascar, Congo, Chad và Sierra Leone là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch sởi. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có như Mỹ, Pháp, Italy cũng chứng kiến sự trở lại của dịch sởi.

Nguyên nhân chính khiến dịch sởi bùng lên là tỷ lệ tiêm vắcxin giảm sút mạnh. Ở những nước phát triển, do thiếu hiểu biết và niềm tin sai lệch vào thông tin thiếu chính xác trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh từ chối cho con em tiêm phòng.

Năm 1998, nghiên cứu đăng trên tờ Lancet của Andrew Wakefield kết luận vắcxin sởi, quai bị và rubella liên quan đến hội chứng tự kỷ. Kết luận này nhanh chóng bị các nhà khoa học chỉ trích, cho là "trò lừa đảo y khoa gây thiệt hại nhất 100 năm qua".

Sau này, tờ Lancet rút lại nghiên cứu trên. Wakefield bị Hội đồng Y khoa Anh kết tội "sai lầm nghề nghiệp nghiêm trọng" đồng thời tước giấy phép hành nghề y.

Đến nay, tiêm vắcxin vẫn là phương pháp phòng tránh sởi hiệu quả nhất. Để phát huy tối đa tác dụng bảo vệ cộng đồng, tỷ lệ tiêm vắcxin sởi cần đạt đến 95% dân số.

Nguồn VnE

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/dich-soi-bung-len-khap-the-gioi_n46337.html