Dịch sởi trước nguy cơ bùng phát

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số người mắc sởi đang tăng dần theo từng tuần. Tính đến thời điểm hiện nay đã có gần 300 ca mắc sởi, cao gấp nhiều lần so với tổng số 70 ca mắc trong cả năm 2017.

Đa số bệnh nhi mắc sởi và tay chân miệng do chưa được tiêm vaccine phòng sởi đủ liều.

Trẻ nhập viện vì sởi gia tăng

Đưa con đến thăm khám tại BV Xanh Pôn, con chị Lê Thị Sơn (Ba Đình, Hà Nội) được chỉ định nhập viện điều trị vì bé dương tính với sởi và có dấu hiệu bội nhiễm phổi. Theo chị Sơn, trước đó vài ngày, con chị sốt, dù được hạ sốt nhưng không tiến triển, lại thêm ho và quấy khóc suốt đêm. Lo lắng nên vợ chồng chị đưa con đến viện.

Còn gia đình anh Lê Quang Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang cho con điều trị bệnh sởi tại đây cho biết: “Con trai tôi mới 3 tuổi, 2 ngày trước cháu sốt, gia đình tự xử lý ở nhà nhưng sau đó thấy phát ban nên cho nhập viện. Các bác sĩ xét nghiệm cho biết dương tính với sởi. Cho con vào đây điều trị tôi lo ngại cháu có thể lây nhiễm các bệnh khác”.

BS. Đặng Quang Nhật, BV Xanh Pôn cho biết, số trẻ nhập viện vì bệnh sởi tăng nhiều trong thời gian gần đây. Đây là diễn biến bất thường, vì bệnh sởi thường diễn ra vào mùa đông xuân mà thời tiết hiện nay là vào mùa hè.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số ca mắc rải rác tại 30/30 quận, huyện; tập trung tại các quận nội thành như: Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm... Tuy nhiên chưa ghi nhận các ổ dịch lớn. Ông Cảm nhận định, hiện có khoảng 5% trẻ chưa được tiêm phòng vaccine. Trong khi đó, mỗi năm Hà Nội có khoảng 140.000 - 150.000 trẻ chào đời, với tỉ lệ 5% trẻ chưa được tiêm phòng, tức là có khoảng 7.000 trẻ không được tiêm và con số sẽ tăng dần khi tích lũy theo các năm. Sởi lại là bệnh dễ lây truyền, với người chưa có miễn dịch sởi, chưa được tiêm phòng, khi tiếp xúc với nguồn bệnh tỉ lệ mắc bệnh gần như là 100%. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch là có thể xảy ra. Để phòng bệnh, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, đủ số mũi tiêm.

Lý giải về nhiều trẻ mắc bệnh khi chưa đến tuổi được tiêm phòng, ông Cảm cho biết, thông thường trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ được bảo vệ bởi kháng thể của mẹ truyền sang con. Tuy nhiên, các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người mẹ không có miễn dịch với sởi, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh. Ngoài ra, có thể người mẹ có miễn dịch với sởi nhưng không cho con bú nên trẻ không được nhận đầy đủ miễn dịch từ mẹ.

Bên cạnh bệnh sởi, Hà Nội cũng đang lưu hành một số bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng với số ca tích lũy từ đầu năm đến nay là 1.091 ca; 272 ca sốt xuất huyết, 45 ca ho gà…

Nhiều ca bệnh nặng

Hiện nay, tại khoa Nội nhi tổng hợp (BVĐK Xanh Pôn) đang điều trị cho 8 bệnh nhi mắc sởi trong tổng số 120 ca mắc được ghi nhận tại đây kể từ đầu năm 2018 - cao gấp 4 lần so với năm 2017. Riêng 2 tuần qua, hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhi mắc sởi; cao điểm có tuần khoa điều trị cho 14-15 ca. Điều đáng nói là số ca mắc sởi được ghi nhận trong năm 2018 nặng hơn mức trung bình các năm; nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy CPAP, thậm chí dùng thuốc tăng đề kháng, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng/trường hợp.

Cách đây hơn một tuần, bé Đ.M.P. (9 tháng tuổi, ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) sốt cao, ho nhiều. Khi đến khám tại BVĐK Xanh Pôn, bé P. được chỉ định nhập viện điều trị cách ly vì kết quả chẩn đoán dương tính với sởi và có dấu hiệu bội nhiễm. Do bệnh nặng, sức đề kháng kém, bé P. phải thở máy, được chỉ định dùng thuốc Gama globulin - một loại thuốc tạo miễn dịch chủ động trong cơ thể làm tăng sức đề kháng. Đây là trường hợp nặng nhất từ đầu năm đến nay được các bác sĩ chỉ định sử dụng loại thuốc này. May mắn là sức khỏe của bé tiến triển tốt và khoảng 10 ngày nữa thì P. có thể xuất viện.

Chủ động phòng bệnh

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.100 trường hợp mắc tay chân miệng và hơn 270 trường hợp mắc sởi. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, có những trường hợp bạn bè cùng lớp hay anh em cùng một nhà đều mắc bệnh sởi. Đa số bệnh nhi vào điều trị chưa được tiêm vaccine phòng sởi đủ liều. Có những bé đã 6-8 tuổi nhưng vì chưa được tiêm vaccine nên vẫn mắc bệnh này. Vì vậy, vấn đề phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện cũng như ngoài cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho hay, với người chưa có miễn dịch sởi, chưa được tiêm phòng thì khi tiếp xúc với nguồn bệnh, tỷ lệ mắc bệnh gần như là 100%. Vì vậy, người dân cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi - rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho cả mẹ và con.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa trẻ đến cơ sở y tế. Các gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo. Với bệnh tay chân miệng, triệu chứng bệnh ở trẻ là sốt và mọc mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối... Ngoài ra, có 3 dấu hiệu sớm cảnh báo diễn biến nặng của bệnh: Trẻ quấy khóc nhiều, sốt cao kéo dài hơn 48 giờ nhưng không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol và bị giật mình liên tục.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/dich-soi-truoc-nguy-co-bung-phat-tintuc412107