Dịch sốt xuất huyết đang vào thời kỳ đỉnh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) lan rộng tại nhiều khu vực trên thế giới. SXH luôn là nỗi ám ảnh các quốc gia trên thế giới khi hàng triệu trưởng hợp mắc bệnh và tử vong do căn bệnh này được ghi nhận mỗi năm.

Theo WHO, tỷ lệ mắc bệnh SXH đã tăng lên đáng kể trong những thập niên gần đây. WHO ước tính có đến 390 triệu trường hợp nhiễm virus dengue mỗi năm; trong đó, 96 triệu có biểu hiện lâm sàng với nhiều mức độ nặng khác nhau của bệnh.

Số trường hợp mắc bệnh SXH được báo cáo đã tăng từ 2,2 triệu ca trong năm 2010 lên 3,2 triệu ca trong năm 2015. Cũng theo WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 500.000 người mắc bệnh SXH nặng cần nhập viện điều trị và có khoảng 2,5% trường hợp tử vong. Tuy nhiên, nhờ có sự cải thiện đáng kể năng lực y tế nên số ca SXH nặng tử vong đã giảm 28% từ năm 2010 đến năm 2016.

Năm 2018, dịch SXH đã được báo cáo từ Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Malaysia Pakistan, Philippines, Thái Lan và Yemen. Riêng Việt Nam, cứ đến thời điểm từ tháng 4 đến tháng 11, dịch SXH lại có nguy cơ bùng phát do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi mang virus sinh sản.

Các viện khu vực như Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - côn trùng phải hướng dẫn chuyên môn cho các tỉnh, thành phố trong việc chỉ định phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng.

Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, được thực hiện từ 2 - 3 lần tùy thuộc vào hiệu quả diệt muỗi, chỉ số mật độ muỗi, tình hình dịch SXH Dengue...

Trong năm 2017, số lượng người mắc bệnh SXH tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm tăng cao kỷ lục, bằng tổng số ca nhiễm bệnh trong năm 2016. Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến trung tuần tháng 10, cả nước ghi nhận 77.355 trường hợp mắc SXH.

Theo trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 19.000 ca bệnh SXH nhập viện. Điểm nóng về dịch SXH tại TPHCM tập trung tại quận 7, quận 12, huyện Hóc Môn. Thời điểm giữa tháng 11 là đỉnh dịch SXH trên địa bàn.

Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, từ đầu tháng 8 đến tháng 10-2018, BV tiếp nhận hơn 11.000 ca bệnh SXH đến khám và điều trị. Trong đó có gần 4.000 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Đặc biệt đã có 4 trường hợp mắc SXH quá nặng, gia đình xin về (2 người lớn và 2 trẻ em). Từ đầu tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm D của BV điều trị cho 80 ca bệnh nhập viện do SXH. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, số lượng bệnh nhân bị SXH nhập viện tại đây đang tăng gấp đôi so với năm 2017 và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tương tự, tại Khoa Nhi A của BV này đang điều trị cho 40 trẻ mắc SXH.

Bệnh SXH tăng cao được nhận định là do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân tự do. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu phát sinh dịch bệnh xuất phát từ sự chủ quan hoặc thiếu ý thức phòng bệnh của cộng đồng, vô tình tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh có điều kiện phát triển.

SXH là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn đốt và truyền bệnh, có thể dẫn đến tử vong; bệnh hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. SXH là bệnh có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên nếu chủ quan bệnh có thể diễn tiến nặng đến tình trạng sốc nặng, dễ dẫn đến suy tim, suy gan, suy thận; nguy hiểm hơn, có thể khiến trẻ tử vong. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Đã có nhiều trường hợp bị sốc SXH điều trị tại bệnh viện phải thở máy. Phần lớn những trường hợp bị sốc SXH là do đến trễ hoặc có cơ địa đặc biệt và mắc các bệnh nền như: tim, gan, thận, phổi… gây nên tính trạng sốc kéo dài và có những biến chứng nặng.

Để tình trạng bệnh dịch SXH không diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp sau nhằm phòng chống bệnh SXH:

1) Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2) Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy hàng tuần bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3) Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4) Phun phun hóa chất phòng, chống dịch trên diện rộng kết hợp với chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi để chặn đứng dịch phát tán lan rộng.

5) Xử lý ổ dịch bệnh đồng thời cùng một lúc với biện pháp tổ chức điều trị bệnh nhân và xử lý thực trạng quy mô ổ dịch, dập dịch một cách tích cực, kịp thời, hiệu quả nhằm khống chế bệnh phát tán, lan rộng...

NAM ANH

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/xa-hoi/dich-sot-xuat-huyet-dang-vao-thoi-ky-dinh-116501