Dịch sốt xuất huyết vào cao điểm

Hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc liên tục tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu chính quyền địa phương và người dân không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Phun hóa chất là biện pháp quan trọng nhằm phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: DN

Khó chồng khó

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.000 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018, đã có 6 người tử vong. Các địa phương đang là điểm nóng của dịch là: Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Phú Yên, TPHCM, Thừa Thiên - Huế... Lãnh đạo ngành Y tế nhận định, nếu không tích cực phòng chống dịch thật sớm, mùa dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ gia tăng mạnh, vượt số mắc trung bình hàng năm là khoảng 100.000 ca/năm.

Dù dịch đang diễn biến phức tạp song theo thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, còn nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan trong công tác phòng dịch. Cụ thể, về khách quan, hiện tình hình sốt xuất huyết trên thế giới diễn biến phức tạp, đang gia tăng tại nhiều nước trong khu vực. Tại Việt Nam, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang, ao tù... là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh, khó kiểm soát triệt để. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển.

Nguyên nhân chủ quan, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đó là một số địa phương chưa chú trọng bố trí kinh phí chống dịch, chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống sốt xuất huyết. Các chế tài xử phạt với cá nhân, đơn vị làm phát sinh ổ bọ gậy truyền bệnh còn rất hạn chế, đa số chưa được áp dụng tại các địa phương. Các chiến dịch diệt bọ gậy cũng vẫn mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên, bền vững. Đặc biệt, do bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh cho nên cũng ảnh hưởng tới hiệu quả chống dịch.

Trong khi đó, về công tác điều trị, thực tế đang diễn ra cho thấy người dân mắc bệnh có xu hướng đổ dồn lên tuyến trên khám chữa bệnh, tạo gánh nặng cho y tế tuyến trên, trong khi tuyến dưới hoàn toàn kiểm soát được bệnh. Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, chúng ta đã có bài học dịch sởi năm 2014, lây chéo khi người bệnh đổ dồn đến viện đã làm dịch bùng phát, không khống chế kịp, con số tử vong lớn. Do vậy, những bệnh nhân nhẹ hoàn toàn có thể theo dõi, điều trị ở tuyến cơ sở. “Ngoài ra, để không còn bệnh nhân tử vong và chết oan vì sốt xuất huyết, ngoài phòng dịch ở cộng đồng, phải khắc phục ngay công tác phân loại bệnh, các y, bác sĩ cần phải nhận định chính xác tình trạng của bệnh nhân sốt xuất huyết, tránh việc xử trí khiến bệnh nhân tử vong”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu.

Không để “trên nóng dưới lạnh”

Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cơ quan này đang tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt, yêu cầu các địa phương tích cực vào cuộc phòng chống dịch, tránh để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Theo đó, tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đang tiến hành mọi biện pháp như tuyên truyền, phun hóa chất, dọn dẹp vệ sinh, phân tuyến điều trị. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng chỉ là phần ngọn, mọi công sức, nỗ lực của ngành Y tế sẽ tiêu tan nếu cơ sở và người dân không chung tay triển khai các biện pháp ở phần gốc là vệ sinh môi trường, chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy.

Tại Hà Tĩnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các phòng y tế, trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm những ca bệnh tại bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở y tế và tại cộng đồng, để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết vãng lai phải được xử lý như một ổ dịch sốt xuất huyết; các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết phải được cán bộ lấy mẫu, điều tra bệnh nhân và gửi ngay về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để xét nghiệm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường ở vùng có chỉ số mật độ bọ gậy cao; tổ chức phun diệt muỗi chủ động tại các vùng có mật độ muỗi cao; đồng thời, tăng cường tuyên truyền tới từng người dân về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue trên các kênh truyền thông.

Để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết lây lan, phát tán diện rộng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đồng thời, tập trung giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, từ 2- 3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch; bảo đảm 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun theo chỉ định của ngành Y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh phải luôn chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân lực... sẵn sàng tiếp nhận, điều trị hiệu quả các trường hợp bệnh sốt xuất huyết đến khám và nhập viện.

Người dân còn chủ quan

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, hiện tại các điểm nguy cơ cao như khu vực đông dân cư, khu nhà trọ, sốt xuất huyết hầu như không phải mối bận tâm của người dân. Thói quen sinh hoạt thiếu ngăn nắp, đồ đạc, vật dụng trong nhà, lẫn ngoài đường vứt lung tung, nhất là chai, lọ, lu, hộp, vỏ xe… gặp mưa trở thành vật chứa nước, là nơi lý tưởng cho loăng quăng và muỗi sinh sôi.

Chưa kể, theo phản ánh của một số địa phương có số ca mắc lớn, công tác phun thuốc diệt muỗi đang gặp trở ngại do người dân thường đi làm từ sáng đến tối mới về nhà. Đặc biệt, nhiều người dân còn hiểu lầm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ sống ở nơi ao tù, nước đọng, cống rãnh. Muỗi truyền bệnh có thể cứ trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay chính tại gia đình như bể cá cảnh, bình cắm hoa, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng trên sân thượng, hòn non bộ... Vì vậy mọi người cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước đọng, không cho muỗi sinh sản và phát triển.

Điều đáng nói là người dân còn có những hiểu lầm về bệnh sốt xuất huyết như đã mắc rồi sẽ không mắc lại, chủ quan đi ngủ không mắc màn, không diệt muỗi, bọ gậy. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện lưu hành 4 tuýp vi rút sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi chỉ có khả năng tạo miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó, vẫn có thể mắc lại với chủng vi rút còn lại, thậm chí còn nặng hơn lần trước. Hơn nữa, nhiều người khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau đầu, đau người, đau cơ khớp, đau đầu, sốt… đa phần đều nghĩ đến cúm, hoặc sốt do vi rút và tự ý mua thuốc giảm đau về sử dụng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen.

“Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng cháy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy tuyệt đối không uống 2 loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi xuất hiện triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết phải đến cơ sở y tế thăm khám”, bác sỹ Cấp nói.

D. Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/dich-sot-xuat-huyet-vao-cao-diem-108674.html