Dịch tả heo Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp

Ngày 13/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá tình hình triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả heo Châu Phi. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Tại điểm cầu Đồng Tháp có đại diện các sở, ban, ngành cùng dự.

Quang cảnh buổi hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Tháp

Quang cảnh buổi hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Tháp

Bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay, bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước Châu Phi, Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ. Trong giai đoạn từ năm 1921 - 1995 có hàng chục quốc gia có bệnh DTHCP. Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh DTHCP xảy ra tại hơn 60 quốc gia thuộc khu vực Châu Phi (33 nước), Châu Âu (17 nước), Châu Mỹ (4 nước) và Châu Á (6 nước). Đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh DTHCP. Các nước đã phải tiêu hủy hàng chục triệu con heo và phải chi hàng chục tỷ đô la Mỹ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh DTHCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước). Đáng lưu ý, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh heo bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.

Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra nguy hiểm và phức tạp, song thời gian qua với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, địa phương, công tác phòng chống và dập dịch được thực hiện hiệu quả. Thiệt hại do dịch bệnh gây ra giảm thiểu đã góp phần quan trọng cho việc bảo vệ sản xuất, nhất là tại các địa phương chưa có dịch bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo giống, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện.

Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi heo được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Các địa phương và các DN đã và đang triển khai quyết liệt những giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm và các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi heo.

Song song đó, thời gian qua, các cơ quan và DN đang tích cực chuẩn bị những điều kiện để tổ chức nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả hơn; tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh, sản xuất KIT chẩn đoán, phát hiện nhanh bệnh DTHCP.

Dự báo về những diễn biến phức tạp của DTHCP trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin, do bệnh DTHCP là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa vắc xin phòng bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, từ những đặc điểm chăn nuôi theo qui mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và đan xen trong các khu dân cư như ở nước ta thì việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền bệnh mầm bệnh như chuột, gián và các loại côn trùng khác... để cắt đứt các nguồn lây nhiễm là rất khó. Do vậy, trong thời gian tới, nguy cơ bệnh DTHCP lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.

Trước tình hình trên, tại buổi họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt vào công tác phòng chống DTHCP. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để đạt được kết quả cao nhất, sớm giúp người chăn nuôi, DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề vận chuyển, giết mổ, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ NN&PTNT cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các địa phương xảy ra dịch. Đối với các địa phương có bệnh DTHCP, xem xét việc thành lập các trạm, chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển động vật nội tỉnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch. Đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương tái cấu trúc ngành chăn nuôi tạo ra các sản phẩm chăn nuôi sạch, giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế…

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/dich-ta-heo-chau-phi-van-con-dien-bien-phuc-tap-84314.aspx