Dịch tả lợn Châu Phi: 2 ngày leo đồi rừng mới bắt được 108 con lợn

Ngày 14.3, chúng tôi có mặt tại bản Huổi Ái (xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) địa phương vừa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Theo chân đoàn cán bộ của xã, huyện vây bắt đàn lợn thả rông của bà con dân bản trên các sườn đồi, rừng cây, chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi vất vả của những người cán bộ làm công tác dập dịch.

Ngay từ sáng sớm có mặt tại bản Huổi Ái, chúng tôi đã thấy rất đông cán bộ các ban, ngành và lực lượng dân quân tự vệ xã đang tập trung chuẩn bị công tác dập dập dịch. Sau tiếng hô xuất phát, tất cả mọi người đều tản vào các lùm cây bên các sườn đồi để tìm kiếm bắt lợn.

Do đặc thù là bản vùng cao, dân cư hầu hết là dân tộc Mông, sinh sống rải rác trên các sườn đồi, trình độ dân trí của người dân ở đây còn thấp, phần lớn bà con không biết tiếng phổ thông. Hầu hết bà con trong bản đều nuôi lợn theo phương thức thả rông xung quanh nhà đến chiều tối lợn tự về nhà. Nên việc khoanh vùng, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Do đặc thù là bản vùng cao, dân cư hầu hết là dân tộc Mông, sinh sống rải rác trên các sườn đồi, trình độ dân trí của người dân ở đây còn thấp, phần lớn bà con không biết tiếng phổ thông. Hầu hết bà con trong bản đều nuôi lợn theo phương thức thả rông xung quanh nhà đến chiều tối lợn tự về nhà. Nên việc khoanh vùng, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê, bản Huổi Ái có 44 hộ, thì đã xác định cả bản có 108 con, so với các địa phương khác thì con số này không phải là quá nhiều, nhưng đến hôm nay sau 2 ngày huy động hơn 60 cán bộ, lực lượng dân quân tự vệ và công an xã, bằng nhiều biện pháp tìm kiếm mới bắt hết được số lợn trong bản đi tiêu hủy.

Theo quan sát, hầu hết những người tham gia dập dịch đều mỗi người trên tay một chiếc gậy đập lợn. Bởi lợn của bà con dân bản Huổi Ái đều nuôi phương thức thả rông nên rất khó bắt, phải lên rừng tìm kiếm, tổ chức xua đuổi quây vòng mới bắt được chúng.

Cái khó nữa là nhiều hộ dân không đồng ý cho bắt lợn, bởi theo họ lợn là con vật quen thuộc, là tài sản giá trị của gia đình nên nhiều hộ có tâm lý tiếc của. Vì vậy để thuyết phục bà con, chính quyền xã phải phối hợp với đoàn thể bản và những người trưởng họ có uy tín trong bản, đứng ra làm công tác tư tưởng thuyết phục, giải thích tác hại của dịch bệnh bà con mới nghe và làm theo. Đồng thời, vận động bà con không giết mổ, buôn bán, vận chuyển, vứt xác lợn chết… để tổ chức tiêu hủy dập dịch, tránh dịch bênh lây lan.

Bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu nằm ven Quốc lộ 6. Đây là địa phương giáp ranh với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, nơi đã xuất hiện các ổ dịch trước đó.

Với cây gậy gỗ đập xung quanh bụi cây tìm bắt lợn, anh Lò Văn Doan cán bộ khuyến nông xã chia sẻ: Công việc dập dịch ở đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi bà con nuôi lợn đều thả rông trên rừng nên muốn bắt được chúng không còn cách nào là xua đuổi, vây bắt hoặc dùng gậy đập, vì chúng chạy rất nhanh không khác gì giống lợn rừng. Chúng trốn, nấp trong các bụi rậm, lùm cây, rất khó phát hiện, nhất là lợn nhỏ, phải soi thật kỹ mới phát thấy. Nhiều con phải dùng biện pháp đập chết tại chỗ nếu không lợn chạy mất.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt ông Bạc Cầm Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Mường É, cho biết: Ngày 11.3, dịch xuất hiện trên đàn lợn của gia đình ông Vừ Giống Thào, ông Thào nuôi 8 con lợn thả rông. Sau khi thả lợn lên rừng không thấy lợn về nhà, gia đình ông Thào mới đi tìm thì phát hiện lợn chết bên sườn đồi, cách nhà khoảng 1km.

Sau đó, gia đình ông Thào báo lên chính quyền xã xuống xem, qua xác nhận sự việc xã đã báo cáo lên huyện và lấy mẫu đi xét nghiệm có kết luận dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Tiếp theo đó, một số hộ gia đình xung quanh nhà ông Thào cũng xuất hiện lợn bị ốm và bị chết, tổng số là 12 con. Xã nhanh chóng thực hiện việc khoanh vùng ổ dịch để tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, đồng thời tiến hành dọn dẹp, phun khử trùng tiêu độc không cho dịch không lây lan, bùng phát.

Số lợn bắt được đều được các cán bộ, nhân viên vận chuyển đến khu vực xác định để chuẩn bị tiêu hủy. Tại đây, chính quyền xã đã huy động máy xúc đào hố sâu để tiêu hủy đàn lợn. Dù lợn to hay nhỏ đều được thống kê, kiểm đếm, cân trọng lượng để bà con được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Hiện tại vùng xảy ra dịch bệnh đang được các cơ quan chuyên môn tiến hành lập chốt, cách ly, phun tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại trong bản, kiểm soát không cho dịch bệnh phát tán, lan rộng.

Ngọc Mai

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/dich-ta-lon-chau-phi-2-ngay-leo-doi-rung-moi-bat-duoc-108-con-lon-963319.html