Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại

Sau một thời gian ngắn tạm lắng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã bùng phát trở lại. Bình Dương là địa phương mới nhất có dịch bệnh xuất hiện và buộc phải tiêu hủy 1.004 con lợn tại 1 hộ và 1 trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo.

Đồn Biên phòng Mường Ải, BĐBP Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra sản phẩm lợn ra vào địa bàn biên giới để phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hải Thượng

Đồn Biên phòng Mường Ải, BĐBP Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra sản phẩm lợn ra vào địa bàn biên giới để phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hải Thượng

37 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ổ dịch được phát hiện đầu tiên ngày 1-2, tại Hưng Yên, tính đến ngày 21-5, DTLCP đang xảy ra tại 2.802 xã, 249 huyện của 37 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Nam Định, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang, Hà Giang, Vĩnh Long và Bình Dương). Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 1,6 triệu con.

Tính đến nay, có 74 xã thuộc 46 huyện của 21 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này là 5.482 con. Điều đáng lo ngại là thời gian qua, có 31 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Điều này cho thấy vi-rút gây bệnh vẫn còn khu trú tại các ổ dịch cũ, gặp điều kiện thuận lợi phát sinh trở lại.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống DTLCP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đôn đốc việc triển khai phòng chống DTLCP tại các địa phương có dịch và các địa phương nguy cơ cao. Tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn xảy ra và lây lan diện rộng. Nguyên nhân được cho là DTLCP hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Nhiều năm qua, bệnh DTLCP đã lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc, nước có đường biên giới tiếp giáp với nước ta.

Mặt khác, vi-rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Vi-rút có khả năng chịu được nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút, 70 độ C trong 20 phút, 100 độ C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh; tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để. Công tác tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc chưa được thực hiện tốt, chưa thường xuyên, chưa rộng khắp, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, lợn chết.

BĐBP chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Ngay sau khi DTLCP xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trong toàn lực lượng phòng, chống, khống chế bệnh dịch này. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trong đơn vị. Bộ Tham mưu, Cục Hậu cần, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Cục Cửa khẩu BĐBP chỉ đạo các đơn vị tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập lậu sản phẩm của lợn trên các tuyến biên giới. Tăng cường công các tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của vận chuyển, kinh doanh lợn nhập khẩu trái phép.

Tại các khu vực trọng điểm trên biên giới, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát các chốt kiểm dịch lưu động. Từ đó, kiểm tra chặt chẽ và ngăn chặn không cho các loại phương tiện vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn. Các đơn vị cũng tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho phương tiện qua lại khu vực có dịch.

Tại các khu vực phát hiện lợn mắc dịch, các đơn vị BĐBP đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy, xử lý số lợn mắc dịch theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch. Đối với các hộ chăn nuôi, thường xuyên theo dõi đàn lợn, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, phải nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dich-ta-lon-chau-phi-bung-phat-tro-lai/