Dịch tả lợn châu Phi: Chưa bao giờ có dịch bệnh nào nguy hiểm, nan giải đến như vậy!

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi vô cùng nguy hiểm, ngay sáng nay (13/5) tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống dịch.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, từ khi dịch xuất hiện, Chính phủ và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó dịch bệnh.

“Bên cạnh đó, cũng phải nhắc tới sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta đã bước đầu hạn chế được tình trạng lây lan mạnh, giảm thiểu thiệt hại. Ngoài những kết quả đạt được, cũng cần lưu ý tình trạng dịch bệnh còn xảy ra. Khả năng lây lan bệnh còn cao, chúng ta chưa thể tuyên bố khống chế hoàn toàn dịch bệnh.

Chúng ta chưa kiểm soát được việc dịch quay trở lại. Một số địa phương, theo Bộ trưởng bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) báo cáo với tôi, thì vẫn còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiều địa phương còn coi nhẹ dịch tả lợn châu Phi, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiều địa phương còn coi nhẹ dịch tả lợn châu Phi, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Lịch sử ngành chăn nuôi trên thế giới và Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với một loại dịch cực kỳ nguy hiểm, nan giải, phức tạp và tốn kém trong phòng, chống, đặc biệt là thiệt hại về kinh tế lớn đến như vậy".

Trước một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, trong khi hiện tại chưa có thuốc phòng, chữa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ nỗi lo khi đến giờ này dịch đã lan ra trên diện rộng. Theo báo cáo của cục Thú y, tính đến ngày 12/5/2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định: “Chỉ 3 - 4 năm gần đây, tốc độ lan truyền bệnh này ở đàn lợn nuôi mới lớn xảy ra ở 56 nước. Đặc biệt ở châu Á, tốc độ lây lan chóng mặt, độc dược của virus cao, đã vào đàn là 100% lợn bị bệnh”.

Theo Bộ trưởng, từ tháng 8 năm ngoái, khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta đã có ý thức phòng chống dịch bệnh ngay.

“Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Bởi đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể để nguồn lây lan dịch bệnh ra môi trường trên diện rộng. Để công tác tiêu hủy đảm bảo đúng kỹ thuật, thì lực lượng quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật rất cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

“Ngoài những việc đã làm được, phải nhìn nhận thực tế là có những địa phương, có những khâu làm chưa tốt. Công tác chỉ đạo cũng cần siết lại, cùng với các nhóm giải pháp khác. Trước mắt là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Bước sau này, chúng ta sẽ có thêm các biện pháp tái đàn khi dịch bệnh đi vào ổn định”.

Đánh giá về những hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, Thứ trưởng bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban Chỉ đạo quốc gia, bộ NN&PTNT đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể hơn, một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh. Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để.

Theo ông Phùng Đức Tiến, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác ra môi trường.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dich-ta-lon-chau-phi-chua-bao-gio-co-dich-benh-nao-nguy-hiem-nan-giai-den-nhu-vay-a433658.html