Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành ở TT-Huế

Huyện miền núi Nam Đông - địa phương duy nhất còn lại của tỉnh TT-Huế trước đây chưa có Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) - thì đến nay cũng đã xảy ra dịch. Đã có hàng chục con lợn nhiễm bệnh tại huyện này vừa bị tiêu hủy. Như vậy, tính đến ngày 7-7, DTLCP đã lan kín 9/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh TT-Huế.

Huyện miền núi Nam Đông - địa phương duy nhất còn lại của tỉnh TT-Huế trước đây chưa có Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) - thì đến nay cũng đã xảy ra dịch. Đã có hàng chục con lợn nhiễm bệnh tại huyện này vừa bị tiêu hủy. Như vậy, tính đến ngày 7-7, DTLCP đã lan kín 9/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh TT-Huế.

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả Châu Phi tại TT-Huế.

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả Châu Phi tại TT-Huế.

Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi

Ông Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND H.Nam Đông cho biết, địa phương đã xuất hiện hộ ông Nguyễn Hữu Tuấn ở X. Hương Lộc là trường hợp đầu tiên tại huyện ghi nhận có lợn bị DTLCP. Ngoài tiêu hủy, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, rải vôi vùng lân cận; hiện H.Nam Đông đang lập chốt kiểm soát tiến hành kiểm tra và tiêu độc khử trùng người ra vào vùng phát hiện bệnh; rà soát những nơi mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn.

Theo ông Nguyễn Hữu Ánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp H. Nam Đông, con đường lây nhiễm bệnh dịch TLCP chủ yếu là vận chuyển lợn, người ra vào khu vực chăn nuôi và sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý. Vì thế, 2 hoạt động được huyện chú trọng nhất là ngăn chặn tình trạng đưa lợn, thịt lợn từ các địa bàn khác đến và tuyên truyền người dân thực hiện “5 không”. Trước đó, để hạn chế dịch xâm nhiễm, địa phương nghiêm cấm hoàn toàn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn. 2 chốt kiểm dịch động vật trên đường tỉnh lộ và cao tốc được triển khai trực 24/24, tiêu độc khử trùng, kiểm tra tất cả các phương tiện từ các địa bàn khác đến.

Hiện nay, các cấp, các ngành trên toàn tỉnh TT-Huế đang triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch, cụ thể đã phát 50.000 tờ rơi và cam kết thực hiện 5 không; cấp 30.029 lít hóa chất, hơn 395 tấn vôi; lập 47 chốt để chốt chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định, DTLCP khiến gần 10% tổng đàn lợn trên địa bàn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Nguyên nhân gây bệnh khá phức tạp chủ yếu do nguồn thức ăn, nguồn giống và môi trường, người ra vào khu vực bệnh. Vì thế, ngoài thực hiện “5 không”, tăng cường tiêu độc khử trùng, người chăn nuôi cần hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi hạn chế bệnh lây lan.

Số hộ mắc dịch tăng gấp 7 lần trong 1 tháng

Tính đến ngày 7-7, DTLCP đang xảy ra trên đàn lợn của 3.664 hộ chăn nuôi, 452 thôn, 90 xã thuộc 9/9 huyện, thị, xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 20.316 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 1.155.673kg. Ông Nguyễn Đình Bách- Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế cho biết, nếu vào thời điểm đầu tháng 6, DTLCP xảy ra trên đàn lợn của 530 hộ chăn nuôi toàn tỉnh thì chỉ sau khoảng 1 tháng, số hộ có lợn mắc dịch ở tỉnh tăng gần 7 lần, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy tăng hơn 9,4 lần.

Đối với lợn con, lợn thịt các loại bị DTLCP được Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi… Theo đó, các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ là người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP.

Ông Hồ Vang- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh TT-Huế cho biết, tính đến ngày 26-6, tổng số kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các chủ chăn nuôi mắc DTLCP trên địa bàn là gần 29 tỷ đồng với tổng số lợn tiêu hủy là 14.659 con. Hiện, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang dần tiến hành chi trả số tiền hỗ trợ nhằm giúp nông dân sớm khắc phục những khó khăn ban đầu.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_209011_dich-ta-lon-chau-phi-hoanh-hanh-o-tt-hue.aspx