Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh, khó kiểm soát

Đến hôm nay (27/5), miền Tây đã có 7 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Công tác phòng ngừa, chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường giao thông gặp rất nhiều khó khăn do không đủ lực lượng và thành phần tham gia…

Tỉnh Sóc Trăng vừa ghi nhận xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên với tổng đàn lợn 55 con. Sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Sóc Trăng đã là địa phương thứ 7 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị dịch tả lợn châu Phi tấn công. Trước đó là các tỉnh Hậu Giang (xuất hiện đầu tiên), Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ.

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát tại miền Tây. Ảnh: CK

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát tại miền Tây. Ảnh: CK

Theo ông Quách Văn Tây – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, dịch bệnh xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là do chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, con giống được mua từ nhiều nguồn khác nhau, chủ hộ có sử dụng thức ăn viên và có sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để cho lợn ăn. Việc vận chuyển heo từ vùng dịch vào tỉnh để giết mổ nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống. Ngành nông nghiệp tỉnh đề xuất lập thêm 4 chốt kiểm soát trên các tuyến đường vào tỉnh tại các huyện Thạnh Trị, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm nhằm tăng cường giám sát nguồn gốc heo nhập vào tỉnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông báo đến các hộ giết mổ, mua bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật trong kinh doanh và phòng chống dịch bệnh động vật.

Còn tại Đồng Tháp, Sở NN&PTNT tỉnh này cho hay trên địa bàn tỉnh đã có 10 hộ chăn nuôi ở 5 xã của 4 huyện (Tân Hồng, Tháp Mười, Lai Vung, Lấp Vò) có lợn mắc bệnh với số lượng tổng đàn là 284 con.

Toàn bộ số lợn trên đã được ngành thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương xử lý tiêu hủy nhằm tránh dịch bệnh lây lan, đồng thời, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.

Mạng lưới nhân viên thú y xã không còn khiến công tác phòng, chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã triển khai được 3 đợt tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh vào tháng 1, tháng 3 và tháng 5; phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp phát và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được 16.230 lít Benkocid nhằm tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh tồn tại trong môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, khó khăn hiện nay là việc tổ chức chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên các tuyến đường giao thông gặp rất nhiều khó khăn, do không đủ lực lượng và thành phần tham gia tại các chốt chặn tạm thời. Ngoài các tuyến đường chính trên quốc lộ, tỉnh lộ thì còn rất nhiều các tuyến đường huyện lộ, đường nông thôn, ngõ ngách, bến đò, phà… nên khó có thể kiểm soát hết được.

Ngoài ra, mạng lưới nhân viên thú y xã không còn, chỉ còn lực lượng cộng tác viên hoạt động trên tinh thần tự nguyện nên sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác không còn như trước, nhất là khâu chủ động tổ chức, triển khai công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, cũng như các chế độ báo cáo về Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường chậm tiến độ và số liệu không đầy đủ.

Ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, thường có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên không chủ động mua vắc xin tiêm phòng (như bệnh tai xanh, lở mồm long móng…) cũng như hóa chất tiêu độc, khử trùng để sát trùng cho chuồng trại của mình…

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dich-ta-lon-chau-phi-lan-nhanh-kho-kiem-soat-1420921.tpo