Dịch tả lợn châu Phi tại 10 tỉnh: Nguy hiểm nhưng không lây sang người

Ngày 7.3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Như vậy, 10 tỉnh của Việt Nam đã bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi sau hơn 1 tháng virus gây bệnh được phát hiện tại Hưng Yên.

 Dấu hiệu lâm sàng dịch tả lợn châu Phi trên lợn nhìn rất đáng sợ, nhưng bệnh này không lây sang người. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu lâm sàng dịch tả lợn châu Phi trên lợn nhìn rất đáng sợ, nhưng bệnh này không lây sang người. (Ảnh minh họa)

Thái Nguyên – tỉnh thứ 10 có dịch tả lợn châu Phi

Chiều 7.3, thông tin từ cơ quan thú y cho biết sau khi được thông báo về hiện tượng lợn bỏ ăn, ốm chết, cán bộ thú y đã trực tiếp về kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm từ đàn lợn chết của gia đình ông Nguyễn Văn Thạo (xóm Giữa, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho thấy đã dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (ASFV). Đây là ổ địch đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng kể từ ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên, đến nay đã có 10 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Tốc độ lây lan dịch giữa các tỉnh ngày càng nhanh.

Virus gây dịch tả lợn châu Phi bị tiêu diệt ở 100 độ C

Theo Tổ chức Y Thú y thế giới, bệnh dịch tả lợn châu Phi (AFS) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%.

Virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASFV) được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus…

ASFV sống được rất lâu ở môi trường bình thường, virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...

Tuy nhiên, ASFV chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người

Điều đáng nói là, trong khi cả hệ thống chính trị, cơ quan thú y, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang gồng mình nỗ lực chống dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại Việt Nam, gây tổn thất cho kinh tế đất nước và trực tiếp ảnh hưởng đến người nông dân, thì một số cá nhân, vì kém hiểu biết đã truyền đi những thông điệp sai lệch.

Bộ NNPTNT cảnh báo những thông tin sai lệch về dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi và nguy hiểm hơn, có thể dồn người nông dân vào bế tắc, phá sản.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.

Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Khánh Vũ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dich-ta-lon-chau-phi-tai-10-tinh-nguy-hiem-nhung-khong-lay-sang-nguoi-661104.ldo