Dịch tay chân miệng bùng phát phức tạp, cả nước có 4 ca tử vong

Dịch tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Bệnh tay chân miệng tăng nhanh ở TP.HCM, nhiều ca nặng.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1).

So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ cần mau chóng đưa con tới các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, và điều trị kịp thời.

Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Ngày 01/4/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 2289/BYT-DP về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè.

Trước tình hình dịch tay chân miệng đang gia tăng phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe tới người dân về các biện pháp phòng bệnh; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; ăn sạch, ở sạch và giữ vệ sinh đồ chơi cho trẻ; đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có đủ vật dụng rửa tay, xà phòng. Chúng phải được đặt ở vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

Các cơ sở giáo dục cần vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Ngành y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để tránh dịch lây lan ra diện rộng; phân tuyến điều trị tại bệnh viện, hạn chế chuyển tuyến bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong vì tay chân miệng. Các bệnh viện cần tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị, nhất là phòng nhiễm chéo tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và đường hô hấp khác.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có vắc xin dự phòng.

Bệnh tay chân miệng tăng nhanh ở TP.HCM, nhiều ca nặng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, nếu như năm ngoái ghi nhận, trong 30-40 ca mới có 1 ca nặng. Nhưng cùng thời điểm thì năm nay cùng số lượng ca như vậy có tới 7 ca nặng.

Một điều đáng chú ý là trong đợt tay chân miệng năm nay xuất hiện ở trẻ 5 tuổi.Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm cũng cho hay, hiện khoa đang điều trị 36 mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 6 ca độ 2B và có đến 2/3 bệnh nhi ở các tỉnh thành khác chuyển đến. Dự kiến số ca mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cũng theo dự báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có vắc xin dự phòng. Tháng 3, 4 hàng năm là thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng.

Để phòng bệnh tay chân miệng, các bác sĩ khuyến cáo trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ăn chín uống sôi; các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập... phải thường xuyên lau sạch; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Nếu phát hiện sớm trẻ có các biểu hiện như thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái, sốc... cần cách ly với các trẻ khác và nhanh chóng đưa trẻ nhập viện.

Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng bệnh tay chân miệng

1- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ;

Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dich-tay-chan-mieng-bung-phat-phuc-tap-ca-nuoc-co-4-ca-tu-vong-20210407153104568.htm