Dịch tay chân miệng lan rộng

Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang lan rộng ở cả 63 tỉnh, TP. Tại Hà Nội, số ca mắc đến nay đã tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Điều đáng nói, số trẻ mắc chủng virus EV71 nguy hiểm năm nay có xu hướng tăng. Đây cũng là chủng virus gây ra dịch TCM năm 2011 khiến gần 150 trẻ tử vong.

 Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hà Ngân

Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hà Ngân

Nhiều ca bệnh nặng
Tại sảnh khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, chị Nguyễn Thị T. (Hoài Đức, Hà Nội) thấp thỏm vì con trai 3 tuổi bị TCM đang nằm trong phòng cấp cứu. Chị T. kể, cách đây mấy hôm chị phát hiện trong miệng con có vài nốt đỏ nhưng lại nghĩ bé bị nhiệt. Đến sáng 9/10 bé bị sốt, chiều cùng ngày chị đưa con đi khám tại một phòng khám tư gần nhà thì được bác sĩ chẩn đoán TCM và cho thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đêm 9/10 bé sốt cao liên tục 390C không hạ, người mệt lả đi nên chị đưa con đến viện. Dù chưa có kết quả con bị nhiễm chủng virus TCM nào, song chị T. đứng ngồi không yên vì lo ngại chủng virus nguy hiểm EV71.

Chiều 11/10 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm, động viên các y, bác sĩ và bệnh nhi bị TCM, sởi, sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1; thăm và làm việc tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đã căng mình ngày đêm chống dịch, Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh phòng chống dịch TCM thì cũng không được chủ quan với diễn biến dịch sởi đang trong chu kỳ có khả năng bùng phát. Đồng thời đề nghị xem xét bố trí chế độ đầy đủ cho các cán bộ y tế tham gia chống dịch.

Ngày 11/10, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư Trần Minh Điển cho hay, trong buổi sáng 11/10, BV cũng đã tiếp nhận điều trị 7 bệnh nhi mắc TCM, còn trong ngày 10/10 là 13 trường hợp. BV đã thống kê được 10 ca mắc TCM chủng virus EV71 từ đầu năm đến nay. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tính đến nay, toàn TP đã ghi nhận 1.711 trường hợp mắc TCM, rải rác ở 443 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc trong các tuần gần đây tăng cao với khoảng 50 – 60 ca/tuần, trong khi các thời điểm trước đó số ca mỗi tuần ghi nhận chỉ 15 – 20 ca.
Cũng trong sáng 11/10, tại khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1, chỉ trong khoảng 1 giờ, đã có hàng chục bé nhập viện điều trị bệnh TCM. Các giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải, phải nằm ghép 2 - 3 bé, dù phía BV đã kê thêm nhiều giường bên ngoài hành lang. Chị Lê Mỹ Thanh đến từ Bến Tre cho biết, con chị 14 tháng tuổi, cách đây 3 ngày thấy cháu sốt cao cùng những triệu chứng của TCM. Sau khi đến phòng khám tư, cháu được giới thiệu lên BV Nhi Đồng 1 điều trị.
Đang ngồi với dáng vẻ mệt mỏi, chị Nguyễn Ngọc Minh đến từ huyện Tân Châu Tân Châu (Tây Ninh) có con nằm trong phòng cấp cứu chia sẻ, con chị 2 tuổi, cách đây 6 ngày thấy con sốt, đến BV huyện khám, được chẩn đoán viêm họng, điều trị sau 2 ngày, bệnh ngày càng nặng thêm. Cứ 2 tiếng, cháu lên cơn sốt và co giật, miệng lưỡi nổi nhiều bọng nước, gia đình đưa xuống BV Nhi Đồng 1 nhập viện trong tình trạng bệnh TCM nặng độ 3. Tương tự, bé N.T.L., 14 tháng tuổi (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật liên tục... Đến khi đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 thì bệnh đã ở cấp độ 4, phải chống sốc, thở máy, lọc máu…
Chủng EV71 rất nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh TCM gây ra do nhóm virus đường ruột EV, trong đó có nhiều chủng khác nhau như CA16, EV71… CA16 là thể nhẹ có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày mắc bệnh. Chủng virus EV71 có đặc tính lây lan nhanh và gây ra nhiều biến chứng nặng cho thần kinh, viêm não, viêm màng não. Một số trường hợp có thể gây biến chứng nặng hơn như viêm cơ tim, viêm phổi cấp, nguy hiểm đến tính mạng. Khi trẻ có biến chứng thần kinh do chủng virus EV71 gây ra thường có triệu chứng khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay bắt đầu thiu thiu ngủ. Đồng thời trẻ có thể hoảng hốt, nói nhảm, chới với, run tay chân, người co giật.

Virus EV71 có 11 chủng nhóm gen (A1, B1 đến B5, C1 đến C5). Trước năm 2010, nhóm chủng gen của EV71 là C5 lưu hành nhiều, sau này dịch chuyển từ C5 sang C4, trong khi đó cộng đồng lại chưa có miễn dịch nhiều với chủng C4 nên gây ra dịch TCM năm 2011 khiến gần 150 trẻ tử vong. Sau đó, dịch đã giảm dần, thay thế vào đố là nhóm B5 nổi cộm hơn. Tuy nhiên, mùa dịch TCM năm 2018 lại đang gia tăng chủng gen C4.
Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân

Bệnh TCM thường lây từ người sang người qua đường tiêu hóa như tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch từ các bọng nước vỡ ra của người bệnh. Ngoài ra, bệnh có lây gián tiếp qua đồ chơi, dụng cụ ăn uống, quần áo của… trẻ mắc bệnh. Do vậy, bác sĩ Nam khuyến cáo trẻ và người trông trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước, khử khuẩn các vật dụng, đồ chơi hàng tuần.
Hiện tại, dịch bệnh TCM tại TP Hồ Chí Minh đang lây lan mạnh. Riêng BV Nhi Đồng 1, có ngày đã tiếp nhận hơn 100 trẻ mắc mới TCM nhập viện. Mới đây nhất, BV gửi 21 mẫu bệnh TCM sang Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để phân tích thì có tới 18 ca nhiễm chủng virus EV71. Chủng này dễ gây biến chứng và tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Hà Nội, TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, để phòng chống bệnh TCM bùng phát mạnh, toàn TP đã tổ chức 2 đợt cao điểm vệ sinh, khử khuẩn chủ động tại các trường mầm non, cơ sở chăm sóc trẻ trên địa bàn. Đợt gần đây nhất là trong dịp đầu năm học mới 2018 – 2019 được thực hiện từ 1 - 30/9.

Trần Nga - Huy Chương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dich-tay-chan-mieng-lan-rong-327287.html