Dịch tay chân miệng ở Hải Phòng: Diễn biến nhanh và nặng

Theo đánh giá của Sở Y tế Hải Phòng, bệnh tay chân miệng (TCM) đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp.

Bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại BV Trẻ em Hải Phòng ngày 24/11. Ảnh: M.Lý

Điều đáng lo ngại là tình trạng bệnh diễn tiến nhanh và nặng; 2/3 số trẻ bị TCM đang ở tại cộng đồng, gây khó khăn cho việc theo dõi, giám sát dịch bệnh.

2/3 số ca vẫn đang ở ngoài cộng đồng

Tại BV Trẻ em Hải Phòng, các y bác sĩ khám và điều trị bệnh TCM được tăng cường và làm việc liên tục. Có những bác sĩ suốt ba ngày túc trực ở bệnh viện vẫn chưa được về nhà do thiếu nhân lực. Theo BS Vũ Văn Ngọ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Trẻ em Hải Phòng, khi bệnh nhân tăng nhanh và đông nhưng số phòng có hạn thì bệnh viện phải bố trí tất cả các khu vực để bệnh nhân TCM nằm điều trị cách ly. Trước đây, một nhân viên y tế chăm sóc 1-2 bệnh nhân nhưng nay phải chăm sóc 7-8 bệnh nhân.

BS Ngọ cũng cho biết, do người nhà vào thăm đông nên phải tăng cường phòng chống vi khuẩn bệnh viện. "Người dân không được hoang mang, phải chú ý đến các cháu khi có biểu hiện bất thường, đặc biệt nếu có những nốt đỏ li ti ở tay, chân phải đến khám bệnh ngay để được tư vấn về ý thức vệ sinh và xử lý rác thải. Không nên đến thăm bệnh nhiều vì sẽ mang nguồn lây nhiễm đi nơi khác", BS Ngọ nói.

Đáng chú ý, diễn biến của các ca bệnh thường rất nhanh. Nhiều cháu khi nhập bệnh viện đang ở mức độ 2A, nhưng chỉ sau vài giờ đồng hồ đã chuyển sang độ 2B, 2B+, thậm chí độ 3. Trường hợp cháu Nguyễn Thành Vinh, 2 tuổi ở thị trấn An Dương (huyện An Dương), nhập viện lúc 9 giờ sáng 21/11 với các triệu chứng của bệnh TCM ở mức độ 2B, đến 15 giờ chiều cùng ngày, tức chỉ sau 6 giờ đồng hồ, cháu đã chuyển độ 3- mức độ rất nguy hiểm, đang phải cấp cứu tích cực....

Theo BS Ngọ, các ca bệnh TCM ở Hải Phòng khá đặc thù so với các tỉnh, thành khác ở mức độ diễn biến nhanh và nặng. Phần lớn các ca bệnh không điển hình nên việc lấy mẫu xét nghiệm rất khó khăn. Thời gian nhận kết quả xét nghiệm cũng mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng nhiều tới việc tìm hướng điều trị bệnh. Ngoài ra, do dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm quá ít nên một số bệnh nhân nghi mắc bệnh TCM chưa được lấy mẫu. Đã có một số bệnh nhi tử vong nhưng không khẳng định được có phải do virus TCM gây ra hay không.

Bệnh xuất hiện từ tháng 4

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, hiện số bệnh nhân TCM điều trị tại BV Trẻ em Hải Phòng chỉ chiếm 1/3 số các ca mắc bệnh, 2/3 các ca còn lại đang ở cộng đồng. Theo đó, việc giám sát, theo dõi diễn biến của bệnh và công tác khoanh vùng ổ dịch cũng như triển khai các biện pháp cần thiết khác trong phòng chống bệnh TCM rất khó khăn do không nắm được địa chỉ cụ thể.

Theo TS. Lê Thị Song Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng, bệnh TCM tái xuất hiện tại Hải Phòng từ tháng 4/2011, nhưng nhỏ lẻ và đều ở thể nhẹ. Từ tháng 9 trở đi thì bệnh diễn biến bất thường và tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, tháng 9 có 119 ca, tháng 10 có 240 ca, 21 ngày của tháng 11 đã có 562 ca. 14/15 quận huyện của Hải Phòng (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ) đều đã xuất hiện bệnh TCM, nhiều nhất vẫn là khu vực nội thành. Trung tâm đã gửi 5 mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để xét nghiệm, hiện mới có kết quả một mẫu cho thấy phản ứng dương tính với virus EV 71.

Ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Hiện bệnh TCM xuất hiện tại 177/225 xã, phường. Các địa phương có đông trẻ em mắc bệnh là: Lê Chân, Ngô Quyền, Thủy Nguyên, An Dương, Hồng Bàng... Riêng hai trường mầm non thuộc quận Lê Chân, nơi xuất hiện một số trẻ mắc bệnh TCM nhiều nhất đã được Phòng GD&ĐT quận Lê Chân chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, bếp ăn... Hai lớp có trẻ mắc bệnh được nghỉ học theo quy định.

Để phòng, chống bệnh TCM, khống chế không để bệnh lan rộng, UBND thành phố yêu cầu các cấp, ngành, đoàn thể tập trung công tác tuyên truyền tại các trường mầm non, tiểu học, các cơ sở trông giữ trẻ trong cộng đồng. Nội dung tuyên truyền gồm 8 biện pháp phòng, ngừa bệnh TCM do Bộ Y tế ban hành. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhất là tại các trường học và cơ sở trông giữ trẻ; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời trẻ em mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tai biến và tử vong trẻ em. Đồng thời, xử lý triệt để, bao vây dập tắt các ổ dịch bệnh, không để bệnh bùng phát ra cộng đồng.

Các đơn vị y tế từ thành phố đến cơ sở chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, hóa chất, thiết bị chẩn đoán, điều trị và đội ngũ nhân lực, sẵn sàng bao vây, dập tắt dịch bệnh và thu dung điều trị người bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống bệnh TCM. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra về công tác này tại các trường học và cơ sở giáo dục mầm non. Các trường theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe trẻ ở các nhóm lớp, phát hiện kịp thời trẻ có biểu hiện mắc bệnh để đưa đến khám tại các cơ sở y tế. Trẻ mắc bệnh phải nghỉ học và điều trị tại các bệnh viện, tránh lây lan ra cộng đồng.

Minh Lý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20111125091913130p0c1044/dich-tay-chan-mieng-o-hai-phong-dien-bien-nhanh-va-nang.htm