Dịch vụ chăm sóc cây cảnh sau Tết 'hút khách'

Sau những ngày vui Tết cổ truyền, nhu cầu chăm sóc đào, quất của người dân tăng cao. Vì vậy, nhiều nhà vườn đang tất bật với việc thu gom cũng như nhận chăm sóc cây cảnh cho người dân cũng như bắt đầu cho vụ mới.

Chăm sóc đào sau dịp Tết tại xã Gia Lâm (Nho Quan).

Với niềm đam mê chơi đào vào dịp Tết, anh Phạm Văn Hảo ở xã Khánh Hội (Yên Khánh) đã mua gốc đào thế với giá hơn 10 triệu về chơi Tết, sau rằm tháng Giêng, anh đã tìm đến nhà vườn uy tín ở Khánh Thành (Yên Khánh) nhờ chăm sóc với giá 2 triệu đồng. Đến năm sau lại đưa gốc đào này về chơi Tết. Anh Hảo cho biết thêm: Mặc dù ở quê đất rộng nhưng bản thân mình không biết cách chăm sóc, không biết làm sao để đào nở đúng dịp Tết, cách tỉa tán, tạo thế nên phải gửi cho nhà vườn chăm. Vì vậy, việc lựa chọn gửi nhà vườn chăm đến Tết sang năm đưa về chơi là giải pháp hữu hiệu nhất.

Còn đối với anh Bùi Hoàng Tùng ở thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) cũng đã phải liên hệ với nhà vườn để gửi đào nhờ chăm sóc sau Tết. Anh Tùng cho biết: Vì dáng cây đào này rất đẹp nên tôi không muốn đổi, cũng không có nhiều kinh nghiệm trồng cây để chăm sóc. Tôi gửi cho nhà vườn thì khá yên tâm bởi đào được nuôi dưỡng đúng cách và năm nào cũng nở hoa đẹp vào đúng dịp Tết. Vì vậy, với tôi dịch vụ này rất tiện lợi và giúp gia đình bớt được 1 khoản chi phí khi hàng năm phải đầu tư, tìm kiếm, lựa chọn cho mình một cây đào ưng ý để chơi trong những ngày Tết cổ truyền.

Tại vùng trồng đào Kim Định (Kim Sơn) những ngày đầu xuân mới, người dân nơi đây đang tất bật với công việc chăm sóc, tỉa cành bị sâu, yếu để trồng lại những cây đào thế sau khi người dân chơi Tết xong đem gửi lại trồng ở các vườn đào. Đồng thời tiến hành nhân giống và trồng cây vụ mới.

Là người đã gắn bó với nghề trồng, chăm sóc đào gần 20 năm nay, anh Nguyễn Văn Chung, xóm 9, xã Kim Định cho biết: Năm 1996, anh bắt đầu chuyển đổi diện tích vườn tạp cùa gia đình để chuyển sang trồng đào nhưng đến năm 2012 sau khi nghiên cứu thị trường cùng với niềm đam mê, anh đã chuyển sang trồng đào thế. Anh lên tận vùng đất Tây Bắc tìm, lựa chọn những gốc đào cổ đạt tiêu chuẩn về để ghép mắt đào thuần chủng, chăm sóc, thường xuyên cắt tỉa để cây phân cành, đẻ nhánh, tạo bộ khung tán. Tất cả những công đoạn đó đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, sự cần cù, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Hiện nay, gia đình anh là hộ duy nhất trồng đào thế ở địa phương. Vụ Tết này, gia đình anh cung cấp ra thị trường 200 cây đào thế, trong đó có 60 cây cho thuê, còn lại là bán trực tiếp. Hiện nay, sau khi chơi Tết xong, khách hàng bắt đầu gửi nhà vườn chăm sóc.

Anh Chung cho biết thêm: Bắt đầu từ mùng Bảy Tết đến hết tháng Giêng thì những người làm dịch vụ chăm sóc cây cảnh sau Tết như chúng tôi rất bận rộn. Từ mùng ba Tết, chúng tôi đã làm đất, đào hố, bỏ phân… chuẩn bị các điều kiện để nhận các cây đào về trồng lại, chăm sóc. Hiện trong vườn đã có hơn 30 gốc đào của khách các nơi gửi chăm. Đợt này tôi phải thuê thêm 6 lao động thời vụ trồng đào, tỉa hoa. Đối với những hộ thuê đào chơi Tết, chúng tôi thống nhất là gửi trước ngày 20 tháng Giêng vì nếu để lâu sẽ dẫn đến cây bị yếu, đây là thời điểm cây đào chưa bị héo, các gốc đào mới trồng gặp mưa xuân sẽ cung cấp đủ độ ẩm, giúp cây nhanh phát triển. Đây là thời điểm quan trọng để tạo ra những cây đào thế đẹp cho năm sau. Do đó, các khâu trong quá trình trồng, chăm sóc cây đào đầu năm được gia đình anh tiến hành tỉ mỉ từ việc xử lý rễ, cắt tỉa cành, xử lý đất, cung cấp độ ẩm và phòng, trừ một số bệnh thường gặp trên cây. Diện tích trồng đào phải đủ ánh sáng để cây phát triển tốt, các gốc đào phải được vun cao từ 20 đến 25cm để tránh ngập úng.

Những cây đào thế đang được nhà vườn ở huyện Nho Quan trồng và chăm sóc.

Còn tại vùng trồng đào xã Gia Lâm (Nho Quan) những ngày đầu xuân không khí cũng diễn ra sôi động tại các nhà vườn. Những gốc đào trước Tết mang mùa xuân đến cho mọi nhà đang được thu về để trồng và chăm sóc. Theo các chủ vườn, những gốc đào đã trưng trong dịp Tết khá yếu, dễ hỏng nên việc sớm đưa đi trồng lại sẽ giúp phục hồi nhanh hơn.

Ông Bùi Văn Ngũ ở thôn 4, xã Gia Lâm cho biết: Sau Tết đến hết tháng Giêng, gia đình ông đã bắt đầu đi thu những cây đào mình cho thuê về trồng lại, đảm bảo cây đào còn khỏe mạnh, việc chăm sóc được thuận lợi. Công tác chuẩn bị trồng cây mới phải tiến hành từ sớm, nhất là khâu xử lý đất phải được đánh hố từ trước, khi đưa đào về tiến hành trồng cây, cắt tỉa cành để khi gặp mưa xuân cây nhanh phát triển trở lại.

Sau Tết là thời điểm thích hợp nhất để người dân xã Gia Lâm bắt đầu cải tạo vườn cho vụ mới. Hầu hết các nhà đều ra đồng tiến hành xuống giống cây mới cũng như chăm sóc những gốc đào thế khách gửi. Hiện toàn xã có hơn 10 ha trồng đào với gần 200 hộ tham gia. Vụ Tết vừa qua, thu nhập từ cây đào mang lại hơn 10 tỷ đồng. Đây là đng lực để bà con tiếp tục vượt khó đưa thương hiệu đào Gia Lâm vươn xa trên thị trường.

Vụ đào mới lại bắt đầu với sự ủng hộ của tiết trời xuân. Những gốc đào đang bước vào thời kỳ hồi sinh mang theo mong ước của người dân về một năm thời tiết thuận lợi, một vụ bội thu, với mong muốn góp phần mang mùa xuân đến với mọi nhà. Để mỗi độ Tết đến, Xuân về những cành đào lại khoe sắc đến mọi nhà.

Bài, ảnh: Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dich-vu-cham-soc-cay-canh-sau-tet-hut-khach-/d20240227104318388.htm