Dịch vụ kinh doanh karaoke: Không để giấy phép chồng giấy phép

Để lo đủ các thủ tục dịch vụ kinh doanh karaoke, chủ cơ sở phải chạy hết các 'cửa' mới đủ giấy chứng nhận kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn âm thanh, ánh sáng, xác thực đóng bản quyền… và cuối cùng là giấy phép kinh doanh karaoke của ngành văn hóa.

Một cơ sở kinh doanh karaoke ở phố Trúc Khê. Ảnh: Hải Linh

Một cơ sở kinh doanh karaoke ở phố Trúc Khê. Ảnh: Hải Linh

Để “cởi trói” cho các thủ tục hành chính, Bộ VHTT&DL đã thành lập tổ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường nhằm khắc phục những hạn chế trong các quy định.

Chặn tình trạng biến tướng
Hiện nay, việc quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke chủ yếu vẫn dựa vào các quy định trong Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP năm 2009. Chính vì vậy, quá trình quản lý dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hoạt động karaoke, vũ trường chưa có khái niệm pháp lý rõ ràng đã gây nên biến tướng để lách luật như: Biểu diễn nghệ thuật, hát, nhảy, múa tại phòng thu âm... Các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng quán bar “hát cho nhau nghe” mọc lên nhan nhản. Tại một số quận, huyện ở Hà Nội như Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… cơ quan quản lý “bó tay” với tình trạng này. Không cách âm, dàn loa tậm tịt, thứ âm thanh nhạc nhẽo ầm ĩ phát ra từ một cửa hàng kinh doanh ăn uống gần đó khiến cư dân các tòa nhà chung cư CT6, CT4-5, HH1… khu vực Yên Hòa (Cầu Giấy) phải khổ sở.
Tương tự như vậy, tại một quán bia hơi khu vực phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm) cũng thường xuyên kéo dài tình trạng hát hò ầm ĩ đến gần nửa đêm, người dân xung quanh nhiều lần ý kiến nhưng cũng không có chế tài xử lý. Tại hội nghị về công tác quản lý dịch vụ kinh doanh karaoke vũ trường mới đây, cơ quan quản lý văn hóa của nhiều TP lớn cũng phản ánh tình trạng tương tự như Hà Nội.
Ngoài ra, trong Nghị định 103, quy định về điều kiện những dịch vụ này chưa rõ ràng, không còn phù hợp, gây khó khăn cho việc kinh doanh của DN và quản lý của cơ quan Nhà nước. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) Hoàng Minh Thái cho biết: Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường gồm 4 chương, 23 điều. Trong dự thảo này, các quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cũng sẽ chặt chẽ hơn. Đơn cử như kinh doanh dịch vụ vũ trường được quy định: Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi; ký hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của pháp luật. Người lao động khi thực hiện công việc phải đeo thẻ có tên và ảnh rõ ràng; các vũ trường không được hoạt động từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng...
Tăng cường hậu kiểm
Bộ VHTT&DL vừa lấy ý kiến của đại diện các bộ, ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Công an... cho dự thảo Nghị định. Các ý kiến đều đồng nhất bỏ thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke, thay vào đó tổ chức, cá nhân chỉ cần thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke gồm: Hồ sơ thông báo, trình tự thông báo, thông báo sửa đổi, bổ sung phòng hát, địa điểm hoạt động, chấm dứt hoạt động...
Trao đổi về thông tin có thể bỏ thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke, ông Nguyễn Cao Hiếu – chủ cơ sở kinh doanh karaoke Hiphop (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, đây là hành động “cởi trói” thủ tục quan trọng với dịch vụ vui chơi giải trí này. Là người trải qua nỗi vất vả trong việc đi xin giấy phép kinh doanh karaoke, ông Hiếu rất hiểu những bất cập của thủ tục chỉ là hình thức này.
Khi góp ý vào dự thảo, đại diện các ngành cũng cho rằng nội dung để được kinh doanh karaoke đã được hướng dẫn cụ thể trong dự thảo với trách nhiệm của từng bộ, ngành: An ninh trật tự và phòng chống cháy nổ thuộc Bộ Công an, Phí và lệ phí cấp giấy phép đủ điều kiện cung cấp dịch vụ vũ trường và kinh phí thực hiện quản lý hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường thuộc Bộ Tài chính; Hướng dẫn hợp đồng lao động thuộc Bộ LĐTB&XH; An toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra sức khỏe người lao động tại cơ sở hoạt động thuộc Bộ Y tế. Các ý kiến đóng góp cũng đồng ý với việc thành lập Đội kiểm tra liên ngành cấp Bộ hoặc tỉnh để thực hiện phương thức quản lý bằng hậu kiểm.
Với việc thống nhất cao, tổ dự thảo sẽ bàn thảo đề xuất lên Chính phủ xem xét bỏ thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke. Dự kiến, dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường sẽ được Bộ VHTT&DL trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I/2019.

Khánh Linh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dich-vu-kinh-doanh-karaoke-khong-de-giay-phep-chong-giay-phep-326200.html