Dịch vụ thanh toán trung gian lên ngôi

Thói quen dùng tiền mặt thanh toán của người dân đang thay đổi. Hiện tỷ trọng sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán sau 6 năm đã giảm từ 14,02% xuống còn 12%. Số lượng thẻ phát hành đến tháng 10/2016 đạt hơn 110 triệu thẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước đây, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là hơn 14%. Sau 6 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai nhiều giải pháp quyết liệt với nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo trong hoạt động thanh toán nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và quyền lợi của khách hàng tham gia dịch vụ thanh toán nên đến nay, tỷ trọng này đã giảm 2%.

Ít dùng tiền mặt

Báo cáo của NHNN về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, cho biết giai đoạn năm 2010-2016, tỷ trọng sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm đáng kể.

Theo đó, năm 2010 tỷ trọng thanh toán tiền mặt là 14,02%, đến năm 2016 giảm còn 12%. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức khá cao, từ 16,8 triệu tài khoản vào năm 2010 đã tăng lên hơn 67,4 triệu tài khoản cá nhân trong năm 2016.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thẻ thanh toán điện tử, các ngân hàng đã nâng cao cơ sở hạ tầng và công nghệ thanh toán khá tiên tiến, hiện đại. Đến nay, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tính tới cuối tháng 10/2016, trên toàn quốc có hơn 254.000 POS và 17.379 ATM được lắp đặt (tăng lần lượt là 13,77% và 5,39% so với thời điểm cuối năm 2015).

Đồng thời, số lượng thẻ phát hành trên cả nước đã đạt hơn 110,8 triệu thẻ, tăng 11,36% so với cuối năm 2015.

NHNN cho biết trong năm 2016, cơ quan này cũng triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động thanh toán và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, ngân hàng. Trong đó, việc thành lập các đoàn kiểm tra và chỉ đạo NHNN tại các chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra các tổ chức tín dụng trên địa bàn được nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với công tác này, NHNN cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên Vụ và chỉ đạo NHNN tại các chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động thanh toán; công tác an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, khi thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến, nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực, ngân hàng cũng tiết giảm được chi phí trong việc bảo quản, kiểm đếm hay vận chuyển tiền mặt. Còn khách hàng đương nhiên sẽ được hưởng lợi ích tích cực khi không phải lo lắng vì giữ quá nhiều tiền mặt.

Trước đó, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dưới 10%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng ít nhất đạt 70%.

Bùng nổ ví điện tử

Báo cáo từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, việc sử dụng các hình thức chi trả trực tuyến như thẻ tín dụng, ví điện tử đang ngày càng tăng, dẫn đến sự bùng nổ các dịch vụ thanh toán trung gian.

Năm 2016 được xem là thời điểm bùng nổ sự ra đời của các dịch vụ ví điện tử. Có thể kể đến một số doanh nghiệp như: công ty TNHH Ví FPT thuộc Tập đoàn FPT, TopPay của công ty Vietnam Esports, cổng thanh toán 123Pay của công ty TNHH ZION, nhà mạng Mobifone tham gia thị trường với ví điện tử Vimo, Dịch vụ VTC Pay của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện Việt Nam VTC… đang dần đáp ứng nhu cầu thay đổi phương thức thanh toán khi giao dịch, mua hàng của người dân.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận lợi ích từ các công cụ thanh toán trực tuyến đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhưng so với tiềm năng và tỷ lệ dân số Việt Nam, số lượng người dân sử dụng những công cụ này vẫn còn ở mức thấp.

Một số doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết, số lượng khách hàng thanh toán bằng ví điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nội địa vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10-20% giao dịch, chủ yếu vẫn chọn cách thức thanh toán bằng COD (nhận hàng thanh toán bằng tiền mặt).

Theo ông Võ Nguyễn Phương Thanh – Trưởng phòng Marketing trang bán hàng trực tuyến Yes24.vn, tỷ lệ khách hàng thanh toán qua thẻ hiện nay của trang này chỉ chiếm 8%, chuyển khoản 8% và ví điện tử có 0,2%. Nếu hình thức thanh toán COD tiếp tục duy trì ở mức cao, doanh nghiệp phải chịu rủi ro lớn như tỷ lệ hủy đơn hàng cao, tốn kém chi phí vận chuyển hàng, dòng tiền quay vòng chậm…

Chị Mai Phương (Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ: “Khi mua hàng trên các trang web, tôi thường chọn COD vì nếu hàng chuyển đến không như quảng cáo hoặc chất lượng kém, tôi sẽ từ chối không mua. Còn nếu đã thay toán trực tuyến, buộc tôi phải nhận sản phẩm”.

Theo các doanh nghiệp, khách hàng chọn COD một phần vì thói quen, một phần vì chưa tin tưởng vào độ an toàn của giao dịch và chất lượng của hàng hóa mà không phải do thanh toán trực tuyến thật sự chưa tiện lợi.

Để thanh toán trực tuyến có thể “cất cánh”, đi vào đời sống, trở thành thói quen của người dùng, ngoài những chính sách hỗ trợ, đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, đa dạng hóa dịch vụ để tạo sự thuận tiện cho khách hàng của các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến…, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cũng rất quan trọng. Có như vậy mới gây được niềm tin nhằm thay đổi nhận thức, tạo thói quen cho người dùng.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/vang-tien-te/dich-vu-thanh-toan-trung-gian-len-ngoi-101372.html