Dịch vụ trùng tu bị bỏ quên

Rất nhiều công trình nhà, biệt thự cổ đang rất cần được trùng tu, bảo dưỡng, bảo tồn nhưng ở Việt Nam dịch vụ này rất ít đơn vị đảm nhận

Đầu năm nay, UBND TP HCM đã chấp thuận cho chủ nhân ngôi biệt thự cổ tọa lạc tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM trùng tu, sửa chữa ngôi nhà sau gần 100 năm xây dựng. Thời gian thực hiện dự kiến trên 2 năm.

Thuê nhà thầu nước ngoài thực hiện

Biệt thự cổ gần 100 năm tuổi này được đánh giá là công trình có giá trị kiến trúc và lịch sử rất lớn tại TP, tương đương với tòa nhà trụ sở UBND TP HCM, có tổng diện tích 1.780 m2, phần chính dinh thự gần 1.000 m2, gồm 16 phòng. Ngôi biệt thự này từng được chủ nhân mua lại hồi năm 2016 với giá lên tới 35 triệu USD, tương đương 750 tỉ đồng vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, việc tu sửa ngôi biệt thự không hề đơn giản. Chủ nhân biệt thự phải thuê một đội chuyên gia nước ngoài tham gia khảo sát gần 3 năm nhằm đánh giá toàn diện nguồn gốc các vật liệu, kiến trúc xây dựng. Từ đó, đưa ra kế hoạch sửa chữa cho các cơ quan chức năng thẩm định.

Chủ nhân biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM phải thuê nhà thầu và chuyên gia nước ngoài về để trùng tu ngôi nhà

Chủ nhân biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM phải thuê nhà thầu và chuyên gia nước ngoài về để trùng tu ngôi nhà

Hiện tại, Công ty Stonewest Limited (pháp nhân thuộc Trung Quốc có địa chỉ tại Hồng Kông), nhà thầu chính của dự án trùng tu, đã bắt tay vào công việc một cách tỉ mỉ nhằm mang lại dáng vẻ nguyên bản nhất của ngôi nhà khi mới xây dựng. Tại công trình, mỗi ngày có khoảng 50 người, trong đó có khoảng 15 chuyên gia người nước ngoài cùng làm việc. Đứng đầu là một nữ chuyên gia người Anh; một nhà thầu công trình làm việc cho Công ty Stonewest Limited; 3 chuyên gia của Công ty Hydroscience (nhà thầu phụ); Học viện Palazzo Spinelli (Ý) tham gia tư vấn phục hồi tranh tường với 6 chuyên gia nữ…

Đại diện Công ty CP Minerva, chủ đầu tư công trình trùng tu này, cho biết bảo tồn - trùng tu là công tác đặc thù với từng công trình, không thể dự báo chi phí chung như xây một công trình mới được nhưng phải nói là không nhỏ.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.300 nhà ở cũ (xây dựng trước năm 1975) có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, cảnh quan, lịch sử, văn hóa tập trung chủ yếu ở các quận 1 và quận 3 (Sài Gòn cũ), quận 5 và quận 6 (Chợ Lớn cũ), quận Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp (Gia Định cũ). Mới đây, lãnh đạo TP HCM đã đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển TP phối hợp các bộ, ngành, Hiệp hội Bất động sản TP, chuyên gia và người dân để lấy ý kiến về việc vừa bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị vừa hài hòa lợi ích của chủ sở hữu, đồng thời xem xét áp dụng cơ chế "chuyển quyền phát triển bất động sản" (TDR) nhằm giữ lại các công trình cổ.

Thực tế này cho thấy nhu cầu về hoạt động bảo tồn, trùng tu nhà cổ ở TP HCM cũng như các tỉnh, thành khác thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực trùng tu, bảo tồn cho biết doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để thực hiện trùng tu quy mô, chuẩn mực như ngôi dinh thự 110-112 Võ Văn Tần là không nhiều. Bằng chứng là thời gian qua, nhiều căn biệt thự cổ ở TP HCM đã bị bỏ quên, gia chủ đưa ra nhiều lý do vì giấy phép sửa chữa nhiêu khê, không đủ kinh phí để phục dựng, trùng tu.

Tiềm năng rất lớn

Đánh giá tiềm năng của dịch vụ bảo tồn, trùng tu nhà cổ, PGS-TS- KTS Trần Văn Khải nhấn mạnh vai trò của nhân lực trong việc trùng tu, bảo tồn là rất quan trọng. Một đô thị với nhiều di sản kiến trúc có bản sắc, ý nghĩa lớn đến sức hấp dẫn các hoạt động kinh tế, chính trị và trực tiếp sinh ra nguồn lợi. Ông dẫn một thông tin cho thấy ở bang Tennessee (Mỹ), cứ 1 triệu USD đầu tư vào ngành chế tạo sẽ tạo ra 28,8 việc làm, 1 triệu USD đầu tư vào ngành xây dựng tạo ra 36,1 việc làm, còn việc phục dựng các tòa nhà lịch sử đến 40 việc làm. Tương tự, 1 triệu USD đầu tư vào công nghệ chế tạo mang lại 604.000 USD thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình, trong khi với xây dựng là 764.000 USD và bảo tồn di sản là 826.000 USD.

Bà Nguyễn Vũ Đan Vi Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Green Horizon, một trong những đơn vị liên quan đến dịch vụ trùng tu, bảo tồn nhà cổ, thừa nhận tiềm năng của dịch vụ này hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, bảo tồn di sản phải được đặt đúng vị trí quan trọng của nó và phải có được chủ trương ủng hộ của chính quyền, khuyến khích nhà đầu tư. Đặc biệt, người dân có nhận thức đúng đắn, hợp tác với các bên có liên quan. "Bằng nỗ lực và tâm huyết của mình, chúng tôi rất muốn chia sẻ lại các kiến thức, kinh nghiệm và các đối tác quốc tế có được trong quá trình thực hiện dự án biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần. Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với Học viện Palazzo Spinelli, Viện Di sản Pháp (INP, Paris), các bảo tàng trong và ngoài nước, các trường đại học tại TP HCM để chia sẻ kinh nghiệm về công tác này" - bà Đan Vi nói.

Mới đây, để xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động bảo tồn, phục chế và trùng tu di sản đô thị, Công ty CP Minerva đã ký kết ghi nhớ với Trường ĐH Văn Lang. Hai bên sẽ hợp tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản như phục chế, tôn tạo tranh tường, loại bỏ lớp sơn phủ, loại bỏ lớp vôi, loại bỏ lớp hữu cơ; hoạt động đào tạo, hướng dẫn phương pháp sử dụng các vật liệu xây dựng nhà cổ và các nguyên tắc, kỹ thuật bảo đảm an toàn lao động đối với công tác phục hồi, tôn tạo các công trình di sản. Theo đại diện công ty, bảo tồn, trùng tu di sản đô thị là một tiến trình dài, cần phải chủ động xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, không thể phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.

Bài và ảnh: Sơn Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/bat-dong-san-ha-tang/dich-vu-trung-tu-bi-bo-quen-20190422223454539.htm