Dịch vụ xe công nghệ: Hướng đến người tiêu dùng

Trong thời gian gần đây, thị trường dịch vụ gọi xe qua phần mềm ứng dụng tại Việt Nam trở nên sôi động hơn với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới. Sự hiện diện của các nhà dịch vụ mới này cũng khiến sự cạnh tranh thu hút người tiêu dùng thêm phần đa sắc màu.

Sau hơn một tháng cung cấp thử nghiệm dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood, ngày 2-10, Grab đã tổ chức cuộc họp báo công bố việc chính thức triển khai dịch vụ này ở Hà Nội – thành phố thứ 2 ở Việt Nam sau TPHCM có dịch vụ GrabFood.

Grab cho biết dịch vụ mới dành cho những người bận rộn hoặc ngại di chuyển khi phố xá đông đúc và hiện tại họ đã kết nối với hàng ngàn nhà hàng, điểm bán thức ăn ở TPHCM và Hà Nội để khách hàng tiện sử dụng dịch vụ GrabFood.

Đây được xem là một trong những đòn tấn công mới của Grab trên thị trường nhằm thu hút người tiêu dùng và Grab không phải là dịch vụ xe công nghệ duy nhất hiện nay ở Việt Nam tìm mọi cách để thu hút người tiêu dùng về phía mình.

Đua mở thêm dịch vụ mới

Dịch vụ gọi xe công nghệ Grab đã có mặt tại Việt Nam đến nay được gần năm năm và gần như thâu tóm toàn bộ thị trường sau thương vụ mua lại dịch vụ gọi xe đối thủ Uber ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vào tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, thị trường gọi xe công nghệ với mỗi Grab không yên ắng được lâu khi trong vài tháng gần đây xuất hiện thêm nhiều thương hiệu mới đến từ trong và ngoài nước. Cục diện cạnh tranh giữa các nhà cung ứng dịch vụ này lại sôi động khi mạnh ai nấy rót tiền vào dịch vụ của mình và hướng đầu tư rẽ làm hai nhánh, một hướng ngã về gia tăng tiện ích ứng dụng và nhánh còn lại là tung ra những chương trình khuyến mãi để thu hút người sử dụng về đội của mình.

Grab mở GrabFood là muốn nhắm tới lượng người tiêu dùng thành thị, vốn mệt mỏi vì việc đi lại giữa nhà và nơi làm việc, hay nơi học tập hoặc không muốn tự nấu nướng vì nhiều lý do. Nay thì những người này không cần phải đến trực tiếp ở nhà hàng hay quán ăn yêu thích để mua thức ăn mang về như trước nữa. Thông qua việc kết nối giữa Grab và các đối tác bán thức ăn, khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà hay cơ quan đặt đồ ăn thông qua phần mềm Grab, sau đó tài xế xe GrabBike giao đồ ăn đến tận nơi cho người đặt.

Thực ra, những dịch vụ giao nhận thức ăn như GrabFood đã tồn tại khá lâu rồi, chủ yếu là do các nhà hàng bán thức ăn nhanh, hay cửa hàng đồ uống tự tổ chức việc giao thức ăn đến tận nơi đặt hàng, có tính phí hoặc không tính phí tùy theo giá trị của đơn hàng. Quán ăn nhỏ cũng nhận giao thức ăn nhưng giới hạn ở cự ly giao hàng, như chỉ cho các quận trung tâm thành phố. Cũng có dịch vụ giao thức ăn, đồ uống như Now.vn hay Lala Food Deleviry với một số điều kiện sử dụng dịch vụ nhất định. Tuy nhiên, điểm khác biệt của GrabFood là quyền lợi mà người tiêu dùng được hưởng (giá rẻ, hiện nay là được miễn phí) nhờ sự kết hợp với những dịch vụ Grab đã có.

Trước đó vào cuối tháng 9, Grab đã cung cấp thử nghiệm dịch vụ cho thuê xe ô tô tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM. Theo đó, Grab cho phép người tiêu dùng đặt xe có tài xế theo nhu cầu của khách hàng và không bị hạn chế về số ki-lô-mét. Mức giá dịch vụ này được Grab áp dụng tại TPHCM là 400.000 đồng/2 giờ; 1 triệu đồng/4 giờ; 1,6 triệu đồng/8 giờ và 2,1 triệu/12 giờ. Còn mức giá áp dụng tương ứng tại Hà Nội là 300.000 đồng, 800.000 đồng, 1,2 triệu đồng và 1,8 triệu đồng. Vượt quá thời gian nói trên, cứ mỗi năm phút, khách hàng sẽ phải trả thêm 20.000 đồng.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam, cho biết việc cung cấp thêm các dịch vụ mới như GrabFood là để hãng này tăng cường sự tiếp cận với người tiêu dùng Việt Nam. Hiện có khoảng 20% số người Việt Nam biết và sử dụng Grab. Công ty này muốn sẽ có một nửa dân số Việt Nam biết và sử dụng Grab vào năm 2020, nghĩa là Grab muốn có thêm 30% số người sử dụng trong hai năm tới. Để đạt được mục tiêu này, Grab sẽ đưa vào cung cấp nhiều dịch vụ mới nữa, như giao nhận đồ ăn, thanh toán điện tử… bên cạnh các dịch vụ đã có là GrabCar, GrabBike, Grab giao hàng.

Cũng trong khoảng một tháng nay, nhiều người sử dụng Facebook thấy xuất hiện các thông tin quảng cáo giới thiệu về ứng dụng gọi xe công nghệ mới mang tên Xeha. Ứng dụng này mới triển khai cung cấp dịch vụ tại Hà Nội kể từ cuối tháng 8 với các dịch vụ, như Xeha Car 4 - 7 chỗ, Xeha Taxi, Xeha Bike, Xeha sang trọng.

Do mới triển khai cung cấp dịch vụ kết nối gọi xe qua phần mềm nên hiện Xeha không xuất hiện cung cấp thông tin cho báo chí mà mới chỉ quảng bá sản phẩm, dịch vụ qua Facebook.

Được biết, chủ nhân của dịch vụ Xeha là chủ của một cửa hàng hoa tươi ở Hà Nội – người cho biết đã quyết định đầu tư vào ứng dụng gọi xe Xeha do nhận thấy cơ hội từ thị trường này. Hiện ứng dụng này có khoảng 1.000 đối tác lái xe tại Hà Nội và tính đến nay đã được đầu tư khoảng một tỉ đồng. Xeha cho biết có kế hoạch xây dựng lực lượng đối tác (tài xế) 10.000 người ở Hà Nội trước khi mở rộng địa bàn hoạt động đến TPHCM.

Cũng theo vị đại diện của Xeha, dịch vụ này không có tiềm lực mạnh như các “đàn anh” đi trước nên không có các chương trình khuyến mại, mã giảm giá. Xeha thu hút tài xế lái xe bằng cách không thu phí hay ăn chia phần trăm doanh thu như ở các dịch vụ ứng dụng gọi xe khác.

Cuộc chiến với “mưa” khuyến mại

Trước Xeha, giữa tháng 6 vừa qua tập đoàn NextTech đã cho ra mắt ứng dụng gọi xe FastGo. Đến nay, FastGo đã cung cấp dịch vụ gọi xe tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và hiện trở thành ứng dụng gọi xe chiếm thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam về dịch vụ gọi xe ô tô, sau Grab.

Để thu hút lực lượng tài xế, còn gọi là nhà cung cấp dịch vụ, FastGo không áp dụng tỷ lệ chia phần trăm (Grab thu hơn 20% doanh thu của tài xế ô tô) mà chọn cách thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng mỗi ngày cho một tài xế. FastGo hiện không quá gắt gao khi xét tuyển đối tác lái xe nhằm thu hút thêm lực lượng đối tác cho hãng. Chẳng hạn như những chủ xe ô tô đời cũ (có chiếc trước năm 2012) vẫn được FastGo thu nhận làm đối tác, trong khi điều này không được chấp nhận ở Grab do dịch vụ này đã có đông tài xế. Và khác với Grab, FastGo cũng không áp dụng chính sách tăng giá vào giờ cao điểm, mưa gió hay ít xe … Tuy nhiên, FastGo cũng không thoát khỏi việc bị cuốn vào cơn lốc giảm giá mà Grab là người dẫn đầu.

Khi Uber rút lui khỏi Việt Nam vào đầu năm nay, Grab hầu như rút hết các chương trình mã khuyến mại giảm giá như thời phải cạnh tranh với Uber trước đó nhưng tái diễn chiêu bài này khi FastGo tham gia thị trường.

Grab bắt đầu đưa ra nhiều mã giảm giá 10.000 -25.000 đồng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Grab Car và chương trình kéo dài liên tục nhằm giữ chân khách. FastGo buộc phải đưa ra chính sách mã giảm giá 10.000-20.000 đồng cho khách hàng. Mặc dù công bố mới nhận vốn đầu tư tới vài triệu đô la Mỹ nhưng FastGo cũng chỉ thi thoảng mới cung cấp cho khách hàng một vài mã khuyến mại giảm giá và chỉ có hiệu lực trong 1-2 ngày. Cụ thể Grab khuyến mại giảm giá đến 15.000 hoặc 25.000 đồng cho khách đi GrabCar khi thanh toán bằng thẻ, ví điện tử trong nhiều tuần liên tiếp với số lần đặt xe đến 10 lần mỗi tuần.

Do thấy trước mắt FastGo mới đẩy mạnh dịch vụ gọi xe ô tô, chưa triển khai mạnh dịch vụ gọi xe máy nên Grab cũng chỉ đưa ra chương trình khuyến mại dành cho khách gọi xe ô tô. Còn với dịch vụ xe máy thì Grab gần như “một mình một chợ” nên không đưa ra khuyến mãi.

Và thị trường xe công nghệ trở nên nóng hơn khi Go-Việt (công ty mẹ là Go-Jek của Indonesia) tham gia thị trường từ giữa tháng 9 vừa qua. Go-Việt đã cung cấp dịch vụ tại Hà Nội sau một tháng triển khai tại TPHCM.

Trước mắt, Go-Viet mới triển khai hai dịch vụ là Go-Bike (chở khách bằng xe máy) và Go-Send (giao nhận hàng hóa). Được biết trong khoảng bốn tháng tới đây, Go-Viet sẽ phát triển thêm Go-Car (nền tảng gọi xe ô tô), Go-Food (giao đồ ăn) và Go-Pay (ví điện tử). Ngoài ra, trong tương lai Go-Viet còn đang xem xét cung cấp các dịch vụ khác như gọi phục vụ làm đẹp tại nhà, gọi nhân viên massage, đi chợ hộ, dọn nhà… những dịch vụ đang được công ty mẹ Go-Jek cung cấp tại ở Indonesia.

Nói là vậy, nhưng từ khi có mặt ở Hà Nội, Go-Viet cũng dùng chiêu giá rẻ để thu hút khách hàng, như chỉ 1.000 đồng cho mỗi cuốc xe, áp dụng cho các cuốc xe Go-Bike dưới 6 ki-lô-mét. Chính sách này được coi là khá mạnh mẽ, bởi trước đó ứng dụng này áp dụng mức cước khuyến mãi tại TPHCM khi ra mắt dịch vụ là 6.000 đồng/cuốc xe dưới 6 ki-lô-mét

Ngay sau khi Go-Việt đưa ra chính sách nói trên, Grab đáp trả bằng việc áp dụng mức khuyến mãi dành cho dịch vụ GrabBike, giảm 20.000 - 25.000 cho mỗi lượt xe. Mỗi khách hàng được nhận tới 10 mã giảm giá trong một tuần. Thậm chí đến cuối tháng 9, khi Go-Viet áp dụng chương trình 10.000 đồng cho cuốc xe dưới 6 ki-lô-mét tại Hà Nội thì Grab vẫn áp dụng chính sách giảm giá 15.000 -25.000 đồng/chuyến/khách hàng với mức áp dụng 10 chuyến mỗi tuần cho khách hàng sử dụng dịch vụ Grab Bike. Như vậy nếu khách đi một lượt Go-Bike sẽ mất tối thiểu 10.000 đồng, trong khi được miễn phí nếu sử dụng GrabBike. Đó là chưa kể đến tình trạng hiệu ứng của các chương trình khuyến mại của Go-Viet không mạnh do phạm vi hoạt động của dịch vụ này còn mới, chỉ mới ở sáu quận trung tâm Hà Nội trong khi Grab có mặt ở khắp các quận và vùng ven Hà Nội. Không chỉ giảm giá với dịch vụ GrabBike, Grab còn giảm giá 10.000 đồng/lần (10 chuyến mỗi tuần) với mỗi khách hàng Hà Nội khi sử dụng dịch vụ Grab giao hàng.

FastGo có vẻ lặng lẽ hơn trong cuộc đua này khi chỉ triển khai khuyến mãi nhỏ giọt, nhưng từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10, hãng này lại áp dụng chương trình cho nhóm khách hàng đi FastGo nhiều ki-lô-mét nhất sẽ giành giải thưởng (iPhone Xs 64GB, điện thoại Oppo F5 hoặc tài khoản đi FastGo 1-3 triệu đồng).

Thêm tính năng

Để dịch vụ được tốt hơn, cuối tháng 9 vừa qua FastGo ra cung cấp tính năng tặng tiền “tip” cho tài xế lái xe trên phần mềm. Tính năng này được cung cấp giúp khách gọi xe có thể lựa chọn khoản tiền thưởng thêm (10.000 - 100.000 đồng). FastGo cho rằng, việc cho ra mắt tính năng này giúp khách hàng dễ dàng gọi xe hơn khi trời mưa gió hoặc bị tắc đường. Vì chính sách của FastGo không tăng giá giờ cao điểm hay thời tiết do nhu cầu gọi xe cao. Đồng thời, chính sách này cũng khích lệ tài xế nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Còn công ty Grab cho biết sẽ cập nhật tính năng cho phép khách hàng thay đổi điểm đến trên ứng dụng Grab đối với một số khách hàng từ ngày 3-10, trước khi triển khai rộng rãi. Với tính năng này, người dùng có thể thay đổi điểm đến trong khi đang di chuyển.

Tính năng nói trên được Grab cung cấp sau khi khách hàng và lái xe phản ánh về việc thời gian qua khách hàng không thể thay đổi điểm đến trong chuyến đi khi họ đặt sai điểm đến hoặc có việc vấn đề khẩn cấp cần thay đổi điểm đến. Điều này có thể gây bất tiện cho khách hàng trong một số trường hợp phải gọi tổng đài để thống nhất phương án phụ thu chi phí hợp lý. Với tính năng mới này, người đi xe có thể thay đổi điểm đến (có trả phí) bằng cách chạm vào mục “Điểm đến” hiển thị trên lộ trình khi đang di chuyển. Hoặc cũng có thể chạm vào “Thay đổi” hiển thị trên màn hình “Thông tin tài xế” khi đang di chuyển để cập nhật điểm đến mới.

Từ ngày 4-10, Grab cũng sẽ triển khai thử nghiệm chương trình hỗ trợ phí hủy chuyến dành cho đối tác tài xế GrabCar, GrabBike và JustGrab tại TPHCM và Hà Nội.

Theo đó, trong trường hợp khách hàng hủy chuyến xe trễ (sau khi đối tác tài xế đã di chuyển một quãng đường nhất định để đến đón khách hàng) hoặc tài xế đã đến điểm đón mà khách không đến, sau 5 phút, tài xế có thể hủy chuyến và sẽ nhận được một khoản hỗ trợ từ Grab.

Vân Oanh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280033/dich-vu-xe-cong-nghe-huong-den-nguoi-tieu-dung-.html