Điểm báo: Không thể quay lại 'độc quyền' sách giáo khoa như trước kia

Không thể quay lại 'độc quyền' sách giáo khoa như trước kia; Lời giải cho xu hướng 'bỏ nhà phố lên chung cư'; 5 đô thị vệ tinh Hà Nội 'treo' hơn thập kỷ; Ngăn chặn trục lợi nhà ở xã hội ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 6/8/2023.

KHÔNG THỂ QUAY LẠI "ĐỘC QUYỀN" SÁCH GIÁO KHOA NHƯ TRƯỚC KIA

Theo ý kiến của các giáo viên, sau 3 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, thực tiễn cho thấy việc xã hội hóa trong khâu biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn. Nếu quay trở lại “độc quyền” sách giáo khoa như trước kia sẽ gây nhiều xáo trộn cho cả nhà trường, giáo viên và học sinh. Theo bài viết trên báo Lao động, hiện nay xuất hiện ý kiến đề xuất nên có thêm một bộ SGK của Bộ GDĐT ngoài các bộ sách của các đơn vị xã hội hóa là vì lo ngại việc sử dụng nhiều bộ sách dẫn đến sự thiếu thống nhất trong dạy và học trên phạm vi cả nước. Hay việc thực hiện nhiều bộ sách dẫn đến lãng phí, SGK không sử dụng lại được. Dưới góc nhìn của nhà giáo, có ý kiến cho rằng: SGK hiện nay không còn là pháp lệnh, giáo viên và nhà trường có thể tự chủ điều chỉnh bài giảng dựa vào chương trình thực tế. Do đó, điều đáng quan tâm ở giai đoạn này là đánh giá lại khung Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hiệu quả sau 3 năm triển khai, chú trọng đầu tư hơn đến năng lực giáo viên thay vì đề xuất có thêm một bộ SGK sử dụng ngân sách. Vì nếu thực hiện như đề xuất này có thể gia tăng nguy cơ quay lại độc quyền SGK như trước kia.

LỜI GIẢI CHO XU HƯỚNG “BỎ NHÀ PHỐ LÊN CHUNG CƯ”

Làn sóng dịch chuyển nơi an cư từ nhà phố, hẻm sang các dự án cao tầng, chung cư đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trên Thời báo tài chính Việt Nam có bài viết: Lời giải cho xu hướng bỏ nhà phố lên chung cư. Một nghiên cứu về tâm lý người mua nhà cho thấy, căn hộ đang dần trở thành sản phẩm được người trẻ ưa chuộng. Sự dịch chuyển nhu cầu sinh sống từ nhà phố lên các dự án cao tầng, chung cư mới mẻ, hiện đại phần nào sẽ đáp ứng được nhu cầu nhà ở tăng cao, Cũng theo khảo sát, hiện có khoảng 50.000 người trẻ trong độ tuổi 25 - 35 đang có nhu cầu về nhà ở, hầu hết thành viên của Gen Z và thế hệ Millennials (người trưởng thành trong đô thị lần lượt ở độ 18 - 25 tuổi và 26 - 41 tuổi) đều muốn sở hữu một ngôi nhà.

5 ĐÔ THỊ VỆ TINH HÀ NỘI “TREO” HƠN THẬP KỶ

Từng được kỳ vọng giúp Hà Nội giãn dân, sau hơn thập kỷ 5 đô thị vệ tinh vẫn quy hoạch "treo", trong khi hạ tầng nội đô quá tải trước áp lực tăng dân số. Theo bài viết trên báo điện tử Vnxpress, Hà Nội từng kỳ vọng 5 đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Phú Xuyên) hình thành với quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 700.000 và năm 2030 từ 1,3 đến 1,4 triệu. Tuy nhiên, đến nay các đô thị này chưa thể hiện được vai trò giãn dân, giảm tải hạ tầng cho khu vực trung tâm, trong khi dân số Thủ đô đã tăng lên gần 8,5 triệu, vượt ngưỡng dự báo hơn một triệu. Cũng theo bài viết, việc chậm lập quy hoạch chung và quy hoạch phân khu là nguyên nhân chính khiến tiến độ hình thành 5 đô thị vệ tinh chậm trễ, dẫn đến các dự án đầu tư không có đủ cơ sở pháp lý thực hiện.

NGĂN CHẶN TRỤC LỢI NHÀ Ở XÃ HỘI

Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp là chính sách nhân văn, song chính sách này đang bị trục lợi khi xuất hiện hiện tượng người giàu tranh suất mua, hiện tượng mua nhà qua cò mồi dẫn tới chênh lệch giá lớn. Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, Việc chủ động xét đối tượng mua nhà của doanh nghiệp đang bị mất đi, mà việc can thiệp quá nhiều của luật, của thẩm định, thẩm tra tạo ra việc người nghèo - người giàu - người có điều kiện tranh nhau mua. Tạo sức hút cho nhà ở xã hội thì phải quy hoạch rõ để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào phát triển loại hình nhà ở này tạo ra nguồn cung nhiều hơn. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ quy định các điều kiện để được mua, thuê mua NOXH …nên mở rộng hơn, linh hoạt theo từng địa phương các đối tượng được mua.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-khong-the-quay-lai-doc-quyen-sach-giao-khoa-nhu-truoc-kia-185283.htm