Điểm các tàu hộ vệ tốt nhất TG(1): Sigma Việt Nam lọt top

(Kienthuc.net.vn) - Nhỏ bé, nhanh nhẹn, hỏa lực mạnh, các lớp tàu hộ vệ như Visby, Braunschweig hay Sigma đóng vai trò quan trọng trong các lực lượng hải quân thế giới.

Đầu tiên là tàu hộ vệ tàng hình tiên tiến của Hải quân Thụy Điện – lớp Visby. Nó được hãng Kockum thiết kế và chế tạo cho nhiệm vụ chống tàu mặt nước, chống ngầm, tuần tra trên biển.

Điểm đặc biệt trong thiết kế của Visby là ứng dụng nhiều công nghệ mới về vật liệu, cách bố trí thượng tầng đem lại khả năng tàng hình cao. Tàu có lượng giãn nước 640 tấn, trang bị hỏa lực mạnh mẽ gồm pháo tự động 57mm, 8 tên lửa chống tàu RBS-15, ngư lôi chống ngầm 400mm và rocket.

Tiếp theo là lớp tàu hộ vệ Braunschweig của Hải quân Đức do Tập đoàn ARGE K130 thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến chống tàu nổi, tàu ngầm và tuần tra hàng hải. Lớp tàu được đánh giá là có mức độ bộc lộ radar và hồng ngoại thấp, được trang bị vũ khí tự động cùng hệ thống phòng thủ, cảm biến và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Boong tàu có thể chứa một máy bay trực thăng cỡ trung bình.

Lớp Braunschweig có lượng giãn nước 1.840 tấn, dài 89,12m, thủy thủ đoàn 65 người, trang bị hỏa lực mạnh với pháo hạm 76mm, pháo phòng không 27mm, 4 tên lửa chống tàu RBS-15 Mk3, 2 bệ tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 RAM, hệ thống quét mìn.

Đứng thứ 3 là lớp tàu hộ vệ Sigma được đóng bởi Tập đoàn Damen Hà Lan theo phương pháp module tiên tiến. Nhờ đó, các quốc gia có thể tùy ý lựa chọn nhiều cấu hình với kích thước khác nhau như Morocco đã chọn Sigma 9813 (dài 98m, rộng 13), Indonesia chọn Sigma 9113 (dài 91m, rộng 13m) và 10514 (dài 105m, rộng 13). Đáng lưu ý là Việt Nam có kế hoạch mua 2 tàu Sigma 9814 (dài 98m, rộng 14m).

Lớp tàu Sigma với thiết kế module đem lại sự linh hoạt tối ưu trong thiết kế và giảm chi phí. Các tàu hộ vệ Sigma đều có tính năng chiến đấu và thông tin liên lạc tiên tiến, có thể mang theo một máy bay trực thăng, với thủy thủ đoàn 80 người. Nhiệm vụ chính của tàu hộ vệ Sigma bao gồm tuần tra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), ngăn chặn các hành vi xâm nhập, tìm kiếm và cứu hộ (SAR), và tác chiến chống tàu ngầm.

Hầu hết cho tới nay, các nước đã mua Sigma đều lựa chọn tên lửa diệt hạm Exocet MM40 của Pháp, pháo hạm 76,2mm của Italy trang bị cho Sigma. Cấu hình vũ khí phòng không, chống ngầm thì mỗi quốc gia có lựa chọn riêng. Việt Nam được cho là muốn mua hệ thống phòng không VL MICA của Pháp cho Sigma 9814. Trong ảnh là một trong 2 cấu hình Sigma 9814 mà Damen thiết kế cho Việt Nam.

Tiếp theo là lớp tàu hộ vệ Milgem do nhà máy đóng tàu Istanbul chế tạo cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Con tàu được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại hệ thống C4SI cho nhiệm vụ tuần tra trên biển, tác chiến chống tàu nổi, tàu ngầm và các nhiệm vụ tác chiến đối không ở các vùng nước ven bờ.

Milgem có kiến trúc thượng tầng khá giống với lớp tàu chiến đấu ven biển USS Freedom, được đánh giá có khả năng tàng hình tốt. Tàu có lượng giãn nước 2.400 tấn, dài 99,56m, thủy thủ đoàn 93 người. Tàu được trang bị radar có khả năng bắt máy bay tàng hình SMART-S Mk2, hỏa lực có pháo 76mm, 8 tên lửa chống tàu Harpoon, tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 RAM và ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ 324mm.

Đứng thứ 5 trong danh sách là lớp tàu hộ vệ Project 20380 Steregushchy được đóng bởi nhà máy đóng tàu Severnaya Verf và Nhà máy đóng tàu Amur cho Hải quân Nga. Các tàu hộ vệ này đảm nhiệm nhiều chức năng như tuần tra ven biển, hộ tống và chống ngầm. Tàu có lượng giãn nước toàn tải 2.200 tấn, dài 104,5m, thủy thủ đoàn 90 người.

Trong các lớp tàu hộ vệ đã nêu ở trên thì có lẽ Project 20380 có hỏa lực mạnh nhất với khả năng trang bị tên lửa chống tàu siêu thanh Klub-N, 2 hệ thống pháo – tên lửa phòng không Kashtan hoặc Redut VLS, hải pháo 100mm A-190, pháo phòng không AK-630 và ngư lôi 533mm.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/diem-cac-tau-ho-ve-tot-nhat-tg1-sigma-viet-nam-lot-top-337565.html