Điểm chuẩn dự kiến và 7 chương trình mới bằng tiếng Anh tại đại học Kinh tế Quốc dân

Đại học Kinh tế Quốc dân là trường đầu tiên ở khu vực phía Bắc đưa ra dự kiến xu thế điểm chuẩn sau khi bộ GD&ĐT công bố kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Năm nay, trường tuyển sinh thêm 7 ngành mới bằng tiếng Anh, mỗi ngành 50 chỉ tiêu.

Cụ thể, trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, căn cứ vào số lượng nguyện vọng đăng ký lần 1, phổ điểm thi THPT Quốc gia của bộ GD&ĐT vừa công bố và xu thế điểm chuẩn các năm trước, nhà trường đã đưa ra dự đoán ban đầu về điểm chuẩn trúng tuyển vào đại học hệ chính quy của trường đại học Kinh tế Quốc dân năm 2019.

Theo đó, sẽ tăng ở một số ngành hot và giảm ở một số ngành mới mở.

Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm nay, điểm chuẩn dự kiến của một số ngành tăng, một số không tăng mà có thể giảm.

Cụ thể, ở một số ngành mới mở điểm có thể =<20,5 là điểm thấp nhất của năm ngoái. Có thể lý giải là thí sinh dồn vào các ngành hot là chính.

Bên cạnh đó, một số ngành có thể tăng điểm so với năm 2018 là: Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Thương mại điện tử, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Quan hệ công chúng…

Thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Theo đó, thí sinh đạt 20 điểm (cộng trừ 01 điểm) có cơ hội trúng tuyển vào trường đại học Kinh tế Quốc dân nếu đăng ký nguyện vọng vào một số ngành dự đoán thấp điểm sau đây: Thống kê kinh tế; Kinh tế nông nghiệp; Kinh tế tài nguyên thiên nhiên; Quản lý tài nguyên và môi trường; Khoa học quản lý; Quản lý đất đai, Quản lý công.

Theo khuyến cáo của Trưởng phòng Quản lý đào tạo, đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh nếu có mong muốn được học trường thì nên điều chỉnh hoặc thêm nguyện vọng (từ ngày 22/7 đến 31/7) vào các ngành nói trên để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường.

Thí sinh trúng tuyển, ngay sau nhập học có cơ hội chuyển ngành sang các lớp tiên tiến, chất lượng cao hoặc sau đó học song song 2 ngành.

Mới đây, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường đã nghiên cứu và thiết kế 7 chương trình đào tạo mới bằng tiếng Anh, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2019.

Theo đó, các chương trình này nhằm đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai, tiếp nối các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh rất thành công như Quản trị Kinh doanh (EBBA), Quản lý công và chính sách (EPMP), Định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro (Actuary)…

7 chương trình đào tạo mới gồm: Kinh doanh số (EBDB), Khoa học dữ liệu trong Kinh tế & Kinh doanh (DSEB), Phân tích kinh doanh (BA), Công nghệ tài chính (BFT), Đầu tư tài chính (BFI), Quản trị chất lượng và Đổi mới (E-MQI), Quản trị khách sạn quốc tế (IHME).

Đây được đánh giá là những ngành đào tạo mới đặc thù, tích hợp liên ngành và phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số. Chính vì vậy, triển vọng việc làm của các ngành này rất rộng mở, đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta hiện nay và trong thời gian tới.

Kết quả đăng ký xét tuyển đợt 1 của trường đại học Kinh tế Quốc dân có tổng hồ sơ thí sinh hơn 41.000, tăng 9.000 so với năm 2018. Tổng số NV: 87.000 tăng 9.000 so năm 2018; Số NV1: gần 21.000 tăng 4.000 so năm 2018.

Dưới đây là một số ngành có số nguyện vọng thấp nhất và cao nhất theo thống kê của trường đại học Kinh tế Quốc dân năm 2019:

10 ngành có số NV1 cao nhất:

10 ngành có số NV1 thấp nhất gồm:

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/diem-chuan-du-kien-va-7-chuong-trinh-moi-bang-tieng-anh-tai-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-a442002.html