Điểm danh ba đàn tế Nam Giao còn tồn tại ở Việt Nam

Đàn tế Nam Giao là nơi các vua chúa thực hiện nghi lễ tế trời đất, được coi là đàn tế quan trọng nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau các thăng trầm lịch sử, ở Việt Nam còn ba đàn Nam Giao được lưu giữ, thuộc về các triều Nguyễn, triều Tây Sơn và triều Hồ.

Nằm ở phường Trường An, thành phố Huế, đàn tế Nam Giao nhà Nguyễn là một đàn tế được vua Gia Long cho khởi công xây dựng vào ngày 25/3/1806, là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ Tế Giao, lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm.

Công trình trung tâm của đàn Nam Giao là Giao đàn, gồm 3 tầng. Tầng dưới cùng xây hình vuông, tượng trưng cho Người. Tầng giữa là Phương đàn hay còn gọi là Tùng đàn, xây hình vuông, tượng trưng cho Đất. Tầng trên cùng là Viên đàn, xây thành hình tròn, tượng trưng cho Trời.

Lễ tế Nam Giao được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ. Đây là lễ tế Trời Đất, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng, chỉ nhà vua mới có quyền thực hiện.

Theo sử sách, lễ tế đàn Nam Giao nhà Nguyễn diễn ra lần đầu vào năm 1807. Trong suốt 79 năm độc lập của nhà Nguyễn, nghi lễ này được tổ chức đều đặn vào mùa xuân hàng năm. Đến thời thực dân Pháp đô hộ thì lễ tế diễn ra ba năm một lần. Lễ tế cuối tại đây là vào ngày 23/3/1945.

Nằm ở xã Thủy An, thành phố Huế, núi Bân là một ngọn núi nhỏ cao 43m, nằm cạnh núi Ngự Bình, được người anh hùng Nguyễn Huệ chọn làm nơi lập đàn Nam Giao để tế cáo Trời Đất, chính danh lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788).

Chỉ có hơn một ngày chuẩn bị nên quân đội Tây Sơn đã tận dụng địa thế có sẵn của núi Bân để xẻ đường, bạt núi lập đàn. Đàn được kiến thiết thành ba tầng hình nón cụt chồng lên nhau, tầng trên cùng bề mặt bằng phẳng. Có bốn lối đi lên đàn tế theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Đỉnh đàn tế là đỉnh núi. Tại đây, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tế cáo trời đất và đọc chiếu lên ngôi với niên hiệu Quang Trung, khởi đầu triều đại Tây Sơn. Sau kh lên ngôi, Hoàng đế Quang Trung đã đích thân chỉ huy cuộc hành quân thần tốc ra Bắc để tiêu diệt 29 vạn quan Thanh xâm lược.

Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, vua Gia Long đã thực hiện chính sách trả thù khắc nghiệt. Mọi dấu tích của vương triều Tây Sơn gần như bị xóa trắng. Núi Bân gần như là di tích duy nhất của vương triều Tây Sơn ở Huế còn tồn tại.

Được khai quật từ năm 2004 tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam, đàn tế Nam Giao của nhà Hồ (đàn Nam Giao Tây Đô) là một công trình có giá trị lịch vử và kiến trúc đặc biệt của thời nhà Hồ.

Đàn tế Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2 ha, cấu trúc gồm nhiều cấp nền bao thu hẹp dần từ thấp đến cao. Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn. Trong lòng nền cao nhất có dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn), đường kính 4,75m.

Một công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là giếng Vua, có hình vuông, được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng, nằm thấp hơn khoảng 10m so với nền đàn trung tâm. Ngoài ra, trong khu vực đàn tế còn có thấy dấu tích hàng chục nền móng của các kiến trúc phụ.

Giới nghiên cứu nhận định, đàn tế Nam Giao nhà Hồ là một di tích kiến trúc quý hiếm, không chỉ đối với lịch sử triều Hồ mà còn là một mắt xích quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử đàn tế và nghi lễ tế trời đất ở Việt Nam và trên thế giới.

Quốc Lê

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/du-lich/diem-danh-ba-dan-te-nam-giao-con-ton-tai-o-viet-nam-795820.html