'Điểm danh' một số dòng máy bay 'đoản thọ' nhất thế giới

Những công bố đầu tiên về kết quả phân tích dữ liệu hành trình chuyến bay trên chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Ethiopian Airways bị rơi cho thấy có nhiều điểm trùng với chiếc máy bay cùng loại của hãng hàng không Lion Airways (Indonesia) bị rơi trước đó không đầy nửa năm.

Máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga

Máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga

Những công bố này dẫn dắt đến nhận thức là cả hai chiếc máy bay rơi không phải do lỗi của phi công mà do lỗi của bản thân chiếc máy bay, tức là lỗi về thiết kế và chế tạo. Điều này vô cùng nguy hại đối với loại máy bay được ví như cỗ máy in tiền cho hãng Boeing này. Hiện tại, loại máy bay này đã bị cấm bay trên khắp thế giới.

Không biết rồi nó còn có thể vực dậy được hay sẽ lại giống như không ít đồng loại của nó trên thế giới. Chúng đều được coi là những dòng máy bay “gặp nhiều vấn để nhất” với cách hiểu là rủi ro nhất, đáng lo ngại nhất và cũng đoản thọ nhất.

Loại máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga là một ví dụ. Nó được cấp phép cất cánh lần đầu tiên năm 2011 nhưng thường xuyên mắc phải nhiều trực trặc và lỗi kỹ thuật cũng như hao mòn quá nhanh chóng.

Chỉ sau có không đầy năm năm, cơ quan hàng không Nga đã phải cấm bay hoàn toàn loại máy bay chở khách này và đầu năm 2017 mới cho phép cất cánh trở lại. Tuy nhiên, vì không được tin tưởng vào mức độ an toàn kỹ thuật nên chỉ có rất ít hãng hàng không đặt mua loại máy bay này.

Trước đấy phải kể đến dòng máy bay De Havilland DH-106 của Anh. Năm 1949, loại máy bay này cất cánh lần đầu tiên và trở thành chiếc máy bay phản lực chở khách đầu tiên trên thế giới. So với tất cả các loại máy bay chở khách cùng thời thì loại máy bay này bay với tốc độ nhanh gấp đôi, ít tiếng ồn và rung lắc hơn nhiều. Khách hàng và hãng hàng không phấn khích.

Máy bay De Havilland DH-106 của Anh

Nhưng rồi từ năm 1954 xảy ra hàng loạt vụ máy bay rơi làm cả nhiều trăm người bị thiệt mạng. Kết quả điều tra tai nạn cho thấy nguyên nhân là lỗi thiết kế, là điều chỉnh áp suất không đúng và các mối hàn, ghép kim loại không được đảm bảo. Dòng máy bay vốn được người Anh coi là niềm tự hào về khoa học công nghệ này chết yểu ngay từ cuối thập kỷ 50 thế kỷ trước.

McDonnell Douglas DC-10 là dòng máy bay xấu số khác. Trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, dòng máy bay này được sử dụng khá phổ biến. Nhưng rồi sau nhiều vụ tai nạn xảy ra khiến rất nhiều hành khách và phi hành đoàn bị thiệt mạng, loại máy bay này bị Cơ quan hàng không Mỹ cấm bay hoàn toàn.

Ở bên ngoài nước Mỹ, nó không còn được sử dụng để vận chuyển hành khách nữa mà chỉ để vận chuyển hàng hóa. Chỉ có hãng hàng không Biman Bangladesh Airlines còn sử dụng nó cho tới tận năm 2014.

Máy bay McDonnell Douglas DC-10

Hai dòng máy bay chở khách nổi tiếng nhất thế giới về tốc độ nhưng cũng đồng thời cả về số phận bi thảm là loại máy bay siêu tốc độ Concorde của Anh/Pháp và Tupolev Tu-144 của Liên Xô. Tu-144 xuất xưởng trước Concorde, cụ thể là vào năm 1968, tốc độ bay có thể đạt tới 2300 km/h, nhanh hơn cả tốc độ âm thanh.

Hai tháng sau thì Concorde mới chào đời. Hai loại này trông bề ngoài khá giống nhau. Tu-144 không bị rơi chiếc nào như Concorde nhưng chỉ sau một năm đã không được đưa vào sử dụng để vận chuyển hành khách và đã vận chuyển được cả thảy có 3284 hành khách.

Concorde còn bi thảm hơn. Pháp và Anh hợp tác chế tạo ra hàng chục chiếc, vận chuyển được 2,5 triệu lượt khách. Đối với các hãng hàng không Pháp và Anh sử dụng loại máy bay này thì chỉ được tiếng chứ càng sử dụng nhiều càng thua lỗ nặng ngay từ đầu.

Máy bay Tupolev Tu-144

Sau vụ việc chiếc Concorde bị rơi ở Paris sau khi cất cánh ngày 25/7/2000, dòng máy bay này bị ngừng sử dụng luôn, cho dù kết quả điều tra vụ tai nạn máy bay cho thấy lỗi thuộc về sân bay chứ không phải ở máy bay. Dù nguyên nhân gì thì nó cũng bị đẩy vào dĩ vãng.

Mới đây nhất, đương nhiên còn trước loại Boeing 737 Max 8 kể trên là số phận của dòng Boeing 787 Dreamliner. Nó xuất xưởng năm 2011 nhưng ngay từ đầu năm 2013 đã bắt đầu xuất hiện hết lỗi thiết kế chế tạo này đến lỗi khác.

Tuy không bị cấm bay, nhưng hiện tại gần như chẳng thấy có chiếc nào được sử dụng. Loại máy bay khủng Airbus 380 của EU cũng rất bi thảm khi chỉ sau có không đầy một thập kỷ mà không còn được chế tạo ra nữa.

Thiên Nhai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/diem-danh-mot-so-dong-may-bay-doan-tho-nhat-the-gioi-448143.html