"Điểm danh" những nơi “dễ cháy” tại Hà Nội

Kiểm tra 274 tòa nhà hơn 10 tầng tại Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện một số thiếu sót như chủ đầu tư chưa đầu tư đúng mức cho hệ thống PCCC của công trình, các chung cư cao tầng thiết kế hệ thống cung cấp gas cho từng căn hộ nhưng lại chưa chú trọng hướng dẫn an toàn PCCC cho người sử dụng.

Trong 5 năm qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 1.183 vụ cháy làm 45 người chết, 136 người bị thương, thiệt hại về vật chất ước tính 152 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2009 đã xảy ra 219 vụ cháy và 1 vụ nổ mìn làm 7 người chết, 29 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 154 tỷ đồng và 1,2ha rừng. Những bất cập về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đang là vấn đề được bàn thảo tại hội nghị do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 15/10... Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ Theo kết quả điều tra mới nhất, Hà Nội hiện có 24 khu công nghiệp (KCN), 1 khu công nghệ cao, tổng diện tích 2.363ha với 525 đơn vị sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên nhiều nhà xưởng trong KCN xây dựng để cho thuê nên các đơn vị thuê đã tự cải tạo để tận dụng tối đa diện tích sử dụng khiến hệ thống PCCC không còn phù hợp, chưa có giải pháp chống cháy lan nên khi xảy ra cháy đã khiến đám cháy phát triển lan nhanh chỉ sau 5 -10 phút. Cháy tại các khu công nghiệp thường gây thiệt hại lớn. Đến nay, duy nhất KCN Thăng Long là có đội Cảnh sát PCCC. Hiện toàn thành phố có 319 chợ, 113 trung tâm thương mại, siêu thị đang hoạt động nhưng nhiều nơi còn chưa thiết kế hệ thống chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn, để hàng hóa che khuất tầm nhìn và đường thoát nạn. Còn phổ biến hiện tượng các hộ kinh doanh vi phạm đun nấu, thắp hương thờ cúng trong các quầy, sạp… Bên cạnh đó, 5 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng xảy ra trong 5 năm qua cũng là điều đáng lo ngại gây tâm lý bất an cho những người đang sinh sống tại đây. Qua kiểm tra 274 tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên, cơ quan chức năng phát hiện một số thiếu sót như chủ đầu tư chưa đầu tư đúng mức cho hệ thống PCCC của công trình, các chung cư cao tầng thiết kế hệ thống cung cấp gas cho từng căn hộ nhưng lại chưa chú trọng hướng dẫn an toàn PCCC cho người sử dụng. Tại một số tòa nhà, người dân tận dụng lối đi, hành lang… để hàng hóa ảnh hưởng đến lối thoát nạn. Ngoài những bất cập trên, theo Đại tá Nguyễn Đức Nghi, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, hiện Thủ đô có 29 quận, huyện, thị xã song mới có 9 đội Cảnh sát PCCC, theo quy định còn thiếu tới 20 đội nên một số trường hợp xảy ra cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC đến nơi có đám cháy đã tắt hoặc đám cháy phát triển rất lớn khiến việc chữa cháy khó khăn và phức tạp. "Hiến kế" phòng ngừa, ngăn chặn "giặc lửa" Tại Hội nghị Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ và cứu nạn trên địa bàn Thủ đô diễn ra ngày 15/10, bên cạnh những giải pháp cụ thể về PCCC tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, Công an TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn quy phạm về PCCC tại các công trình hiện đại như các công trình ngầm, bãi đậu xe, kinh doanh thương mại dưới lòng đất; đối với nhà có chiều cao trên 100m trở lên phải xây dựng các tầng lánh nạn, ngăn cháy, bãi đỗ trực thăng, các yêu cầu về thoát nạn, cứu hộ, bãi đỗ tiếp cận công trình dành cho xe thang chữa cháy có tải trọng lớn… Đồng tình với những giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và cứu hộ, cứu nạn do Công an TP Hà Nội đề xuất, phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về PCCC; xây dựng "Cụm dân cư an toàn PCCC" tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch, chiến lược về PCCC giai đoạn từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, chú trọng các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn PCCC trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng, miền, phát triển khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp… Thứ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh tới việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, đề nghị UBND TP Hà Nội hàng năm phê duyệt và chỉ đạo thực hiện diễn tập phương án xử lý tình huống cháy nổ lớn có nhiều lực lượng tham gia. Đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu Công an TP Hà Nội duy trì tốt hơn nữa chế độ trực chiến đấu 24/24h, sao cho trong vòng 1 phút sau khi nhận được tin báo cháy, các xe chữa cháy phải xuất phát. Công an TP phải không ngừng rút kinh nghiệm, nắm vững phương pháp, chiến thuật chữa cháy phù hợp với tình hình mới, đặc thù trên địa bàn Thủ đô, nhất là kỹ thuật chữa cháy nhà cao tầng, trung tâm thương mại; chữa cháy ban đêm, khu đông dân cư... Xem xét đề xuất thành lập Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Đại Quang đồng ý với đề xuất của lãnh đạo Công an TP về việc thành lập Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội. Đồng chí Thứ trưởng cho biết, qua thời gian thí điểm triển khai thành lập Sở Cảnh sát PCCC tại TP Hồ Chí Minh đã cho thấy hiệu quả thực tế của đơn vị này. Sắp tới Bộ Công an sẽ tổ chức tổng kết và tiến tới triển khai nhân rộng mô hình này tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh đặc thù có nguy cơ cháy, nổ cao như Bình Dương, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/121050.cand