Điểm du lịch mới trên vùng đất di sản

Khai thác lợi thế vùng ven và tiềm năng của làng quê giàu bản văn hóa, P.Cẩm Châu vừa phối hợp với Phòng Thương mại - Du lịch TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức khai trương sản phẩm du lịch mới - tuyến tham quan làng An Mỹ. Đây không chỉ là câu chuyện giải quyết bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ hệ sinh thái... mà còn góp phần làm phong phú hơn các điểm đến tại vùng đất di sản Hội An.

Phục chế và sản xuất thành công pháp lam trong trùng tu di tích Huế

Pháp lam là những sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ. Ở Việt Nam, kỹ nghệ này du nhập vào thời vua Minh Mạng (năm 1827), chỉ tồn tại trong giai đoạn ngắn, sau đó mai một dần. Nghệ thuật này hiện còn lưu giữ trên các di tích ở Cố đô Huế trên các công trình kiến trúc ở các phường môn, cổ diềm mái điện, bầu hồ lô tại Hoàng thành, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ...

Nhằm tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề thủ công độc đáo này, anh Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng (TP Huế) đã dành gần 7 năm nghiên cứu và phục chế thành công sản phẩm này. Hiện nay, Thái Hưng là đơn vị gần như duy nhất ở Việt Nam sản xuất sản phẩm mỹ nghệ pháp lam kiểu cung đình Huế với các dòng sản phẩm được ứng dụng trong mỹ nghệ và mỹ thuật, gồm các mặt hàng lưu niệm, tranh, trang trí nội thất các công trình với 4 loại hình: họa pháp lam, pháp lam chạy chỉ, pháp lam chạm khảm, kính pháp lam... Gần đây, một số nhóm nghiên cứu và sản xuất đồ pháp lam của Tiến sĩ Nguyễn Nhân Đức (doanh nghiệp pháp lam Huế) cũng đã phục chế được các sản phẩm pháp lam để trùng tu các di tích cửa phường môn (cầu Trung Đạo, sau cửa Ngọ Môn), cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh (sau điện Thái Hòa), tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) và điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị).

Q.V

Từ một hành trình...

Cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3km và biển Cửa Đại hơn 1km, làng An Mỹ - P. Cẩm Châu là một trong những làng quê được hình thành khá sớm. Nơi đây còn bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan làng quê thuần Việt với cánh đồng lúa trải dài tít tắp, con đường làng quanh co bóng cau ôm lấy những ngôi nhà nhỏ, hàng rào và vườn tược xanh mơn mởn các loại rau. Tại làng An Mỹ còn có đình thờ Thành Hoàng (di tích lịch sử cấp tỉnh công nhận vào năm 2011), được xây dựng vào thế kỷ XIX, bấy giờ thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong thời Nguyễn. Trải qua nhiều lần tu bổ với kết cấu kiến trúc ba gian hai chái, hai lòng, mái lợp ngói âm dương, hệ vì kèo gỗ, đình làng An Mỹ gợi nét xưa cổ kính về một thời cư dân đến đây lập nghiệp với nghề nông thuần túy, tọa lạc giữa cánh đồng thoáng đãng cũng là một điểm đến hấp dẫn của du khách về tìm hiểu lịch sử làng An Mỹ. Từ năm 2015, UBND P. Cẩm Châu đã đề xuất hình thành tour du lịch tại đây. Ông Lê Văn Bình- Trưởng phòng Thương mại - Du lịch TP Hội An nhớ lại: "Việc vận động người dân ban đầu thực sự khó khăn, vì họ quen với ruộng vườn, làm nông thuần túy. Phòng Thương mại - Du lịch cùng với địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, giúp họ nhận ra việc thay đổi cơ cấu kinh tế khi đưa hoạt động du lịch cộng đồng vào đây...". Vạn sự khởi đầu nan, Phòng Thương mại - Du lịch Hội An cùng các doanh nghiệp và địa phương phối hợp lập đề án mô hình du lịch, rồi chọn các gia đình tham gia, hướng đến mục tiêu bảo tồn văn hóa, nâng cao thu nhập, tạo ra giá trị tăng thêm cho người dân từ chính nghề nông lâu nay của họ. Tháng 9-2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm vì sự phát triển đô thị Việt Nam, các hộ dân ở làng An Mỹ xây dựng hàng rào xanh dọc tuyến đường Lê Thánh Tông, chăm sóc cảnh quan vườn tược, trồng các loại rau, hoa và xây dựng cổng làng vào đình An Mỹ. Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn du lịch cộng đồng cho 45 hộ dân làm dịch vụ du lịch. Các hộ dân sau khi được tập huấn tiếp tục được đi tham quan, học tập quy trình xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại nhiều điểm homestay, du lịch cộng đồng tại các phường khác như Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cẩm Châu cách bài trí phòng khách, cách đón, tiếp khách, dịch vụ ẩm thực... để vận dụng vào tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời vận động người dân tích cực sưu tầm các nông cụ sản xuất để tiến tới xây dựng phòng trưng bày về nghề nông tại làng. Ông Lương Sơn - Chủ tịch UBND P. Cẩm Châu cho biết, việc xây dựng tour tham quan làng quê này dựa trên các nguồn lực sẵn có của địa phương để phát triển thành những sản phẩm dịch vụ phục vụ khách tham quan. Qua đó, từng bước giúp người dân nâng cao kiến thức, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống vật chất tinh thần.

Trải nghiệm của du khách tại làng An Mỹ.

...Đến khai trương tuyến du lịch An Mỹ

Trong buổi khai trương, gần 70 du khách và đại diện của các khách sạn, nhà hàng, chủ cơ sở lưu trú homestay đã tham gia chương trình tour trải nghiệm làng quê An Mỹ. Khởi động từ đình làng An Mỹ bằng xe đạp, băng qua cánh đồng rộng lớn được bao bọc bởi những mảnh vườn nhỏ được người dân chăm chút, trang trí hài hòa làm nên một không gian yên bình rất đặc trưng của vùng ven Hội An. Sau khi tìm hiểu về đình làng An Mỹ, du khách dạo quanh làng và được người dân giới thiệu phương thức trồng rau truyền thống tại vườn nhà, hoặc ra đồng cưỡi trâu, cày đất hay cấy lúa, tát nước, bắt cá, nướng cá bằng rơm... Dù thao tác của họ có đôi chút lóng ngóng, vụng về nhưng tất cả cùng thích thú với những tràng cười sảng khoái. Tại nhà chị Nguyễn Thị Đông, du khách trải nghiệm và tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ rộng hơn 4 sào được trồng nhiều loại rau. Đây là một trong 10 hộ gia đình đã được tập huấn mô hình trồng rau sạch tại Hà nội năm 2015. Chị Đông chia sẻ: "Nhà tôi vừa làm rau sạch, vừa kết hợp phục vụ khách tham quan vườn rau và các dịch vụ ăn uống tại gia đình nên tôi ít nhiều cũng đã có thêm thu nhập". Với những lời hướng dẫn khá chi tiết, dí dỏm của chị Đông, các du khách sẵn sàng xắn tay áo để thử làm nông dân ngoài đồng, ngoài vườn đến vào nhà tự tay tráng mì, đổ bánh bèo hay chế biến món tam hữu... rồi cùng thưởng thức với chủ nhà. Những câu hỏi tìm hiểu của du khách đều được chị Đông tận tình giải thích, chỉ dẫn để du khách hiểu hơn những trải nghiệm về cuộc sống của con người và vùng đất nơi đây. Đến làng An Mỹ, du khách còn được người dân hướng dẫn từng công đoạn gặt lúa, tuốt lúa thủ công và vừa hướng dẫn cách dán diều, thả diều trên những cánh đồng hay ngồi dưới những hàng rau râm mát bên đường làng vẽ mặt ông địa, hoặc ngâm chân vào thau nước lá cây thuốc trong vườn nhà... Ông Nguyễn Hưng - Chủ cơ sở homestay Vườn Mít chia sẻ: "Đây chính là những nét sinh hoạt bình dị, gần gũi trong đời sống thường ngày của người dân chúng tôi. Tôi nghĩ du khách sẽ rất thích tour khám phá này và các hộ dân ở đây sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa để làm hài lòng du khách".

Cùng tham quan trải nghiệm tour khai trương tuyến du lịch làng An Mỹ, ông Lê Hồ Phước Vĩnh - Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn cho biết: Trước đây, du khách đã đi tự do khám phá các làng quê vùng ven của Hội An. Điều đó cho thấy sản phẩm du lịch này rất thu hút du khách. Vì vậy, chương trình tour này rất hấp dẫn, nhất là với thị trường khách châu Âu vốn là những người ưa thích mô hình du lịch sinh thái bền vững rất đặc trưng của Hội An. Trải nghiệm An Mỹ, khách như ngược thời gian quay về với những điều bình dị, hòa mình vào không gian tinh khiết trong lành trên những cánh đồng bát ngát; nghe thoảng mùi thơm của những vườn rau sinh thái trong vườn cùng vô vàn loài hoa khoe sắc. An Mỹ không chỉ hút hồn với khung cảnh bình yên mà còn gọi mời khách bằng nét thuần hậu, chất phác của người dân quê. Hiện nay, tiếp tục với với sự hỗ trợ về chuyên môn của Phòng Thương mại - Du lịch Hội An, sự vào cuộc của các công ty lữ hành, UBND P. Cẩm Châu sẽ vận động các hộ dân tham gia làm dịch vụ du lịch tại làng An Mỹ làm phong phú thêm chương trình tour, đồng thời tập trung quảng bá để thu hút du khách, hình thành cơ chế chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Với 70% cư dân làm nghề nông tại làng An Mỹ nên tour du lịch này sẽ được tổ chức quanh năm, điều đó góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng mở rộng không gian du lịch, giảm áp lực đối với di sản đô thị cổ Hội An. Thêm một điểm đến mới trên bản đồ du lịch Hội An, những giá trị truyền thống còn lưu giữ lại cùng sự hiền hòa, hiếu khách của người dân nơi đây, hy vọng một chặng đường mới mở ra cho làng An Mỹ. Du khách sẽ thêm một góc nhìn nữa thật sự mộc mạc, thanh bình và thú vị khi đến với Hội An...

THẢO NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_173866_diem-du-lich-moi-tren-vung-dat-di-san.aspx