Điểm khác biệt trong vụ rò rỉ tài liệu mật mới của Mỹ

Giới chức Mỹ cho biết tính chất mới của tài liệu bị lộ, cùng những gợi ý về các hoạt động sắp tới được thể hiện qua đó khiến vụ rò rỉ trở nên đặc biệt nguy hiểm.

Khi WikiLeaks tiết lộ kho dữ liệu khổng lồ về điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ 13 năm trước, nó cho thế giới biết những gì các nhà ngoại giao Mỹ làm hàng ngày.

Khi Edward Snowden lật tẩy bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) 3 năm sau đó, người Mỹ bất ngờ phát hiện quy mô của thời đại kỹ thuật số đã mở ra kỷ nguyên giám sát mới. Nó cho phép (NSA) thâm nhập vào ngành viễn thông của Trung Quốc và các máy chủ của Google ở nước ngoài để nhận thông tin liên lạc nước ngoài.

Gần đây, khoảng 100 tài liệu tóm tắt về hoạt động liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine cũng mới bị rò rỉ. Tuy nhiên, New York Times đánh giá vụ việc lần này hoàn toàn khác biệt.

Dữ liệu được tiết lộ cho đến nay ít toàn diện hơn so với những lần trước, nhưng mang tính tức thời hơn nhiều. Đây là điều khiến các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc lo lắng nhất.

Khác các vụ trước

Các tài liệu bị rò rỉ có vẻ như mới được đưa ra 40 ngày trước đó. Nó bao gồm dữ liệu nhạy cảm nhất, như bản đồ hệ thống phòng không của Ukraine và cuộc thảo luận bí mật của Hàn Quốc về khả năng cung cấp 330.000 đạn pháo kịp thời.

Nhà chức trách cho biết chính tính chất mới của tài liệu “mật” và “tuyệt mật”, cùng những gợi ý về các hoạt động sắp tới được thể hiện qua đó, khiến vụ tiết lộ này trở nên đặc biệt tai hại.

 Các tài liệu được chính phủ Mỹ coi là mật tại Washington năm 1971. Ảnh: AP.

Các tài liệu được chính phủ Mỹ coi là mật tại Washington năm 1971. Ảnh: AP.

Vào hôm 9/4, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết các quan chức Mỹ đã thông báo cho ủy ban quốc hội về vụ rò rỉ và chuyển vấn đề lên Bộ Tư pháp để điều tra.

Hơn 100 trang slide và tài liệu tóm tắt cho thấy việc Mỹ bị ràng buộc như thế nào trong cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm cung cấp thông tin tình báo và hậu cần.

Một tài liệu ngày 22/2 chỉ ra các quan chức Mỹ đang lên kế hoạch trước cho một năm, khi cuộc giao tranh tại Donbas “có khả năng đi đến bế tắc”, khiến Moscow khó có thể kiểm soát toàn bộ khu vực vào năm 2023.

Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây ví vụ tiết lộ mới là “cơn ác mộng”. Hôm 9/4, Dmitri Alperovitch, chủ tịch tổ chức Silverado Policy Accelerator, người nổi tiếng tiên phong trong lĩnh vực an ninh mạng, bày tỏ e ngại “điều này có thể gây tổn hại theo một số cách”.

Theo ông, tình báo Nga có thể sử dụng tài liệu, được phát tán trên Twitter và Telegram, “để tìm cách hiểu cách thức chúng tôi đang thu thập” kế hoạch của Cơ quan Tình báo Quân sự Nga (GRU) cùng hoạt động của các đơn vị quân đội.

Trên thực tế, tài liệu cho đến nay bị phát tán chủ yếu liên quan tới tình hình tại Ukraine. Nó cho thấy cách Washington đánh giá tình hình và dự đoán về cuộc xung đột. Nhiều trang dường như lấy ngay từ những cuốn sách tóm tắt, được lưu hành giữa các Tham mưu trưởng Liên quân. Một số khác dường như là bản cập nhật từ trung tâm hoạt động của CIA.

Phân tích tình báo giúp định hình các quyết sách của Washington, bao gồm loại vũ khí sẽ cung cấp cho Ukraine và cách phản ứng với các chiến lược quân sự của Moscow, theo Washington Post.

Một tài liệu đặc biệt đáng ngại của CIA đề cập đến nhóm tin tặc đã đột nhập thành công vào mạng lưới phân phối khí đốt của Canada.

Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy nhóm trên bắt đầu một cuộc tấn công phá hoại. Dù vậy, nỗi lo sợ rõ ràng được thể hiện qua tài liệu.

"Thảm họa tình báo lớn"

Những cảnh báo như vậy rất nhạy cảm nên nhiều tài liệu “tuyệt mật” chỉ dành cho các quan chức Mỹ hoặc “Ngũ Nhãn” - liên minh tình báo gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand.

Nhóm này có một thỏa thuận không chính thức là không theo dõi các thành viên khác. Nhưng rõ ràng nó không áp dụng cho đồng minh và đối tác khác của Mỹ.

Trong số tài liệu rò rỉ có báo cáo nghe lén việc Hàn Quốc thảo luận nội bộ khả năng Seoul cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Nội dung thảo luận là việc Mỹ gây áp lực thuyết phục Hàn Quốc gửi vũ khí cho Ukraine, điều trái với chính sách mà Seoul theo đuổi.

“Báo cáo mật này có được nhờ vào tình báo tín hiệu. Điều này cho thấy Mỹ đang do thám một trong những đồng minh chính tại châu Á”, New York Times nhận định.

Nhiều tài liệu mật của Mỹ liên quan đến xung đột Ukraine bị rò rỉ trên mạng. Ảnh: Reuters.

Theo tiết lộ, Seoul đồng ý bán đạn pháo để Mỹ bổ sung vào kho vũ khí của nước này. Tuy nhiên, trong trao đổi nội bộ, giới chức Hàn Quốc lo ngại Mỹ có thể gửi chúng tới Ukraine.

Đây là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm với các quan chức Hàn Quốc. Trong chuyến thăm gần đây tới Seoul, trước khi tài liệu bị rò rỉ, quan chức chính phủ đã né tránh câu hỏi của phóng viên về việc liệu họ có định gửi đạn pháo 155 ly do họ sản xuất với số lượng lớn hay không.

Một quan chức cho biết Hàn Quốc không muốn vi phạm chính sách của mình hay mạo hiểm trong mối quan hệ với Moscow.

Sau mỗi lần tài liệu mật bị tiết lộ, nỗi lo ngại về tác động lâu dài của nó đều xuất hiện, thậm chí đôi khi bị thổi phồng quá mức.

Điều đó xảy ra vào năm 2010, khi New York Times bắt đầu xuất bản loạt bài có tên “Bí mật quốc gia”, trình bày và phân tích các tài liệu chọn lọc từ kho điện tín được Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, công bố.

Ngay sau khi bài báo đầu tiên được xuất bản, Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ lo ngại sẽ không còn ai nói chuyện với các nhà ngoại giao Mỹ nữa.

“Ngoài việc gây nguy hiểm cho các cá nhân cụ thể, những tiết lộ như thế này còn phá vỡ kết cấu hoạt động của một chính phủ có trách nhiệm”, bà nói.

Tất nhiên, các nhà ngoại giao sau đó vẫn tiếp tục nói chuyện. Tuy nhiên, nhiều quan chức nước ngoài nói rằng giờ đây, khi họ phát biểu, họ sẽ tự cân nhắc và chỉnh sửa vì biết rằng lời của họ có thể được trích dẫn trong điện tín có khả năng bị rò rỉ trong tương lai.

Khi Snowden công bố một lượng lớn dữ liệu từ NSA, người ta cũng lo ngại về ảnh hưởng và bước lùi trong việc thu thập thông tin tình báo.

Cơ quan này sau đó đã dành nhiều năm để thay đổi các chương trình, với chi phí hàng trăm triệu USD. Một thế kỷ sau, các quan chức nói rằng họ vẫn đang theo dõi thiệt hại.

Trong vụ việc mới đây, một số chuyên gia an ninh phương Tây và giới chức Washington nghi ngờ một công dân Mỹ làm rò rỉ các tài liệu quân sự và tình báo tuyệt mật, Reuters đưa tin.

“Lần này nó không có vẻ liên quan ý thức hệ”, ông Alperovitch cho biết. Một số tài liệu dường như xuất hiện lần đầu trên các nền tảng trò chơi, có lẽ để giải quyết một cuộc tranh cãi trực tuyến về tình trạng của cuộc xung đột ở Ukraine.

“Hãy nghĩ về điều đó”, ông nói. “Một cuộc chiến Internet kết thúc bằng một thảm họa tình báo lớn”.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-khac-biet-trong-vu-ro-ri-tai-lieu-mat-moi-cua-my-post1420398.html