Điểm lại các chiến hạm trong lực lượng hải quân các nước tham gia diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN

8 tàu chiến, 4 máy bay trực thăng cùng hơn 1.000 binh lính đã có cuộc diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN (AUMX) lần đầu tiên trên Biển Đông và dự kiến kết thúc vào hôm nay (6/9).

Hải quân Mỹ và 10 quốc gia ASEAN lần đầu tiên tổ chức diễn tập hàng hải chung trên biển từ ngày 2-6/9. Cuộc diễn tập bắt đầu ở Vịnh Thái Lan và kết thúc ở ngoài khơi Mũi Cà Mau, Việt Nam. Tờ Bangkok Post đưa tin hôm 2/9, cuộc tập trận có sự tham gia của 8 tàu chiến và 4 máy bay trực thăng của các nước Mỹ, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam.

Malaysia và Indonesia chỉ cử lực lượng hải quân tham gia quan sát mà không cử bất cứ chiến hạm nào tham dự cuộc tập trận này. Hai nước này cũng không cử tàu tham gia cuộc tập trận hàng hải Trung Quốc - ASEAN hồi tháng 10 năm ngoài.

Cùng điểm lại những vũ khí của lực lượng hải quân các nước trong cuộc tập trận Mỹ - ASEAN

USS Wayne E. Meyer ( DDG 108)

Tàu USS Wayne E. Meyer (DDG 108) (Nguồn: Hải quân Mỹ)

USS Wayne E. Meyer là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke - một trong những tàu chiến mới nhất của Hải quân Mỹ với tuổi đời chưa đến 10 năm. Được đặt theo tên của chuẩn đô đốc Wayne E. Meyer.

USS Wayne E. Meyer có lượng choán nước hơn 9.200 tấn và là một tàu chiến đa chức năng, vừa công vừa thủ trong đội hình tác chiến tàu sân bay Mỹ. Trái tim của USS Wayne E. Meyer nằm ở hệ thống chiến đấu Aegis, với các hệ thống rađa có thể theo dõi ít nhất 100 mục tiêu ở khoảng cách 190km.

Tàu còn có hàng chục ống phóng tên lửa trong hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 trước (32 ống) và sau (64 ống) có thể phóng đồng thời cùng lúc tên lửa hành trình, tên lửa phòng không hay tên lửa chống tàu ngầm.

USS Montgomery (LCS-8)

Hình ảnh USS Montgomery (LCS-8) rời khỏi xưởng đóng tàu Austal USA ở Alabama. (Nguồn: Muckley Photography)

USS Montgomery (LCS 8) là một chiếc tàu tuần duyên thuộc biến thể Independence. Được đặt theo tên của theo tên Thiếu tướng Richard Montgomery. LCS 8 dài 127 m, rộng lớn nhất 31 m, lượng choán nước 3.100 tấn. Thân tàu được thiết kế theo công nghệ trimaran cho phép chạy với tốc độ tới 44 hải lý/h.

Tuy nhiên, LCS bị chỉ trích dữ dội vì hệ thống hỏa lực kém cỏi. Cụ thể, tàu được trang bị pháo chính loại 57mm cùng với một tổ hợp tên lửa phòng thủ tầm gần SeaRAM. Ngoài ra, trên tàu còn có 4 khẩu súng máy 12,7mm cùng với 2 khẩu pháo 30mm và 24 ống phóng tên lửa AGM-114L Hellfire - hỏa lực mạnh nhất trên tàu. Đây là tổ hợp phòng thủ tầm gần, tầm bắn tiêu diệt mục tiêu tối đa 9 km, tốc độ tối đa Mach 2 và có tổng trọng lượng chỉ 5,7 tấn, mỗi tên lửa nặng 73,5 kg.

4 máy bay trực thăng MH - 60 và P - 8A

Trong tập trận hàng hải lần này, ngoài hai tàu USS Wayne E. Meyer ( DDG 108) và USS Montgomery (LCS-8), Hải quân Mỹ còn mang theo 4 máy bay trực thăng MH - 60 và P - 8A.

Một chiếc trực thăng MH - 60 chuẩn bị cất cánh từ chiến hạm USS Chancellorsville ở Biển Đông năm 2016. (Nguồn: New York Times).

Trực thăng MH-60S trên tàu USS Montgomery, một trong những tàu tuần duyên hiện đại nhất của Hải quân Mỹ được hạ thủy năm 2016 trong cuộc diễn tập hôm 3/9. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

P-8A được trang bị 2 động cơ CFM56 - 7B27A, vận tốc đạt 926km/h khi ở tầm bay cao và 333km/h ở tầm bay thấp (60m) tầm hoạt động 1200 hải lý với 4 giờ săn ngầm liên tục. P-8A được trang bị 1 radar AN/APY-10. P-8A có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, bom chìm, ngư lôi Mark 54 và bom chìm được chứa trong thân, các mấu treo ở 2 cánh có thể mang tên lửa chống hạm, bom. Ngoài ra, chiếc trực thăng này còn được trang bị các hệ thống cảnh báo sớm, tác chiến điện tử, chống hồng ngoại.

Trong ảnh: Máy bay P-8A phóng mồi bẫy đánh lừa tên lửa. (Nguồn: Military.com)

Tàu tuần tra xa bờ KDB Darulaman (08)

Tàu tuần tra xa bờ KDB Darulaman (08) (Nguồn: Wikipedia)

Tàu tuần tra xa bờ KDB Darulaman (08) là thành viên mới nhất trong đội quân Hải quân Hoàng gia Brunei thuộc lớp Darussalam mua của Đức. Tàu KDB Darulaman (08) có chiều dài 80m, rộng 13m và tầm hoạt động hiệu quả vào khoảng 13.000km cùng hải trình 21 ngày.

DB Darulaman (08) được trang bị tên lửa hải đối hải Exocet MM-40 và 1 pháo Bofors 57mm. Tàu được trang bị thêm hai động cơ diesel có công suất 1400 mã lực, với vận tốc tối đa 22 hải lý/h. Thủy thủ đoàn tiêu chuẩn trên tàu gồm 55 người.

Tàu hộ vệ tên lửa Myanmar UMS Kyan Sittha (F- 12)

Tàu khu trục Myanmar UMS Kyan Sittha (F- 12). (Nguồn: hiveminer.com)

UMS Kyan Sittha (F- 12) đặt theo tên vị vua của triều đại Pagan - một vương triều rực rỡ trong lịch sử Myanmar, được khởi đóng năm 2012, chính thức vào biên chế Hải quân Myanmar ngày 31/3/2014.

Tàu có lượng choán nước là 3.000 tấn, chiều dài 108m. UMS Kyan Sittha (F – 12) được trang bị động cơ CODAD (kết hợp diesel - diesel) gồm 4 máy SEMT Pielstick 16 PA6 STC công suất 5.700 kW (7.600 mã lực) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h), tầm hoạt động 3.800 hải lý (6.100 km).

Hệ thống điện tử gồm sonar gắn liền thân BEL HMS-X cùng radar trinh sát 2 tham số (2D) BEL RAWL-02 Mk III hoạt động trên băng tần L do Ấn Độ chế tạo. Bên cạnh đó là radar kiểm soát hỏa lực pháo Type 347G và radar điều khiển hỏa lực tên lửa chống hạm Type 344 của Trung Quốc.

Vũ khí trang bị của tàu gồm 2 x 4 ống phóng tên lửa chống hạm cận âm C-802; 1 pháo hạm Oto Melara Super Rapid cỡ 76 mm; 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M cỡ 30 mm cùng ngư lôi và rocket chống ngầm.

Tàu tuần tra ngoài khơi BRP Ramon Alcaraz (PS-16)

Tàu tuần tra xa bờ BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines (Nguồn: Philstar)

Trong cuộc diễn tập hàng hải ASEAN - Mỹ, Hải quân Philippines mang đến Tàu tuần tra ngoài khơi BRP Ramon Alcaraz (PS-16) thuộc lớp Del Pilar được mua từ Mỹ.

BRP Ramon Alcaraz (PS-16) có lượng choán nước 3.250 tấn, chiều dài 115m, đây được xem là lớp tàu chiến lớn nhất của Hải quân Philippines. Tuy nhiên, đây là những con tàu "to xác nhưng rẻ tiền" vì vũ khí mạnh nhất của chúng là pháo hạm OTO Melara cỡ nòng 76mm.

Đây là con tàu được Mỹ chế tạo từ những năm 1960 - 1970 phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra lãnh hải rộng lớn của quốc gia này. Sau khi có phương án thay thế cho BRP Ramon Alcaraz (PS-16), Mỹ cho tàu nghỉ hưu và bán cho quốc gia đồng minh. Khi bán lại Philippines, Mỹ đã gỡ bỏ cả hệ thống CIWS Phalanx cùng một số radar.

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình RSS Tenacious (71)

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường RSS Tenacious (71) của Singapore. (Nguồn: Reuters)

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình RSS Tenacious (71) của Hải quân Singapore là một trong 6 khinh hạm tàng hình lớp Formidable do Pháp đóng mới cho Singapore và là một trong những khinh hạm tàng hình hiện đại nhất thế giới.

Với thông số như các tàu khác thuộc lớp Formidable, RSS Tenacious (71) có lượng choán nước 3.200 tấn; chiều dài 114,8 m; rộng 16,3 m; mớn nước 6,0m.

Tàu được trang bị hệ thống động lực hỗn hợp gồm 4 động cơ diesel MTU 20V 8000 M90 công suất 9.100 kW/động cơ và 4 máy phát điện diesel ISM V1708 công suất 860 kW mỗi chiếc, cho phép tàu chạy với tốc độ tối đa 27 hải lý/h, tầm hoạt động 4.200 hải lý, thủy thủ đoàn 71 người.

Các tàu thuộc lớp Formidable được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại gồm radar mảng pha đa năng Thales Herakles (tầm hoạt động 250 km), radar hàng hải Terma Electronic Scanter 2001, sonar EDO Model 980 và hệ thống đối kháng điện tử RAFAEL C-PEARL-M. Vũ khí trang bị của tàu gồm: 1 pháo Oto Melara 76 mm Super Rapid có tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn tối đa 16 km với đạn thường và lên tới 40 km với đạn Vulcano.

Tàu tuần tra ngoài khơi HTMS Krabi (OPV-551)

Tàu tuần tra ngoài khơi HTMS Krabi (OPV-551) của Hải quân Hoàng gia Thái Lan. (Nguồn: RTN)

Tàu tuần tra ngoài khơi HTMS Krabi (OPV-551) của Hải quân Hoàng gia Thái Lan thuộc lớp Krabi và thiết kế dựa trên mẫu tàu tuần tra xa bờ lớp River của Anh. Tàu có chiều dài 90,5m, rộng 13,5m; lượng choán nước là 1.060 tấn.

Trái tim của tàu là 2 động cơ diesel MAN 16V28/33D do Đức cung cấp với công suất 14.700 kW (10.950 mã lực), cho tốc độ tối đa 25 hải lý/h (46 km/h), tầm hoạt động 5.500 hải lý (10.186 km) khi chạy ở vận tốc kinh tế, thời gian làm việc liên tục trên biển là 35 ngày.

Vũ khí trên tàu gồm 1 pháo hạm Oto Melara Super Rapid cỡ 76,2 mm có khả năng bắn đạn có điều khiển vươn tới tầm xa 40 km; 2 pháo tự động cỡ 30 mm MSI được điều khiển từ xa, sàn đáp trực thăng ở đuôi tàu cho phép tiếp nhận một chiếc máy bay lên thẳng hạng nhẹ.

Tàu có thiết kế góc cạnh mang tính thẩm mỹ cao và cho khả năng tán xạ sóng radar rất tốt. Ngoài ra, tàu còn có tùy chọn tích hợp tên lửa chống hạm để biến con tàu này thành tàu hộ vệ tên lửa.

Tàu hộ tống lớp Pohang HQ – 18

Tàu hộ tống lớp Pohang HQ – 18. (Nguồn: Tube)

Từ trái qua phải, tàu HTMS Krabi (OPV-551) của Thái Lan, tàu USS Montgomery (LCS 8) của Mỹ, tàu hộ vệ RSS Tenacious (71) của Singapore, tàu UMS Kyan Sittha (F-12) của Myanmar, tàu tuần tra BRP Ramone Alcaraz (PS16) của Philippines, tàu tuần tra KDB Darulamen (OPV-08) của Brunei và tàu Hải quân 18 của Việt Nam tham gia diễn tập AUMX. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Tàu HQ - 18 là một trong 2 tàu hộ tống lớp Pohang do Hàn Quốc tặng cho Việt Nam. Tàu được thiết kế với 1 khẩu hải pháo 76,2mm; 1 khẩu pháo Dardo 40mm cùng với 1 bệ pháo Sea Vulcan 20mm; tích hợp tên lửa hành trình chống hạm Kh-35.

Tàu có chiều dài 88,3m; rộng 10m; lượng choán nước 1.200 tấn và sử dụng hệ thống động cơ diesel khí nén. Số lượng thủy thủ đoàn là 95 người bao gồm cả sĩ quan chỉ huy, tốc độ tối đa 32 hải lý giờ tương đương 59 km/h, tốc độ hành trình 15 hải lý giờ tương đương 28 km/h.

Minh Nhật

(theo Bangkok Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-lai-cac-chien-ham-trong-luc-luong-hai-quan-cac-nuoc-tham-gia-dien-tap-hang-hai-my-asean-100650.html