Điểm lại những vụ chó bỗng dưng 'nổi điên', tấn công con người

Trước vụ việc cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó tấn công đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra trên nhiều địa phương của cả nước. Một số nạn nhân khi bị chó cắn thậm chí đã bị tử vong.

Trước vụ việc cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó tấn công đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra trên nhiều địa phương của cả nước. (Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước vụ việc cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó tấn công đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra trên nhiều địa phương của cả nước. (Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Tối ngày 3/4 vừa qua, trong lúc đang chơi đùa, một cháu bé khoảng 7 tuổi ở Kim Động, Hưng Yên đã bất ngờ bị nhiều con . Đây không phải là lần đầu tiên sự việc tương tự xảy ra. Trước đó đã rất nhiều lần chó bỗng dưng “nổi điên” cắn xé người dẫn tới thương tích, thậm chí tử vong.

VietnamPlus xin điểm lại một số vụ việc nghiêm trọng liên quan đến loài vật nuôi này.

Bé 7 tuổi bị chó nhà nuôi cắn rời môi

Tháng 8/2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận hai trường hợp bị chó cắn.

Trường hợp đầu tiên là một bé trai 7 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị chó nhà cắn đứt rời một phần môi phải. Đáng lưu ý, phần môi bị đứt rời do không bảo quản đúng cách nên bệnh nhân không có cơ hội ghép môi.

Bé trai 7 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đáng lưu ý, con chó chưa được tiêm vắcxin. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng mặt nhiều vết thương, khuyết ½ môi trên dính sát liền mũi, vết thương sâu vào môi dưới, phần đứt rời kích thước 2x2cm dập nát, có nhiều vết răng chó ở trên.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ (88 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) bị chó nhà hàng xóm cắn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị vết thương lóc da bàn tay. Bệnh nhân được tiêm phòng uốn ván và bác sỹ phẫu thuật cắt lọc vết thương.

Người nhà bệnh nhân cho hay, bà đang trên đường đi mua thuốc cảm cúm về thì bị con chó to của hàng xóm chạy ra ngoài đường xô ngã, cắn vào tay và được đưa ngay đến bệnh viện.

Bị chó cắn rách mặt, thủng khí quản

Tháng 1/2018, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận trường hợp bé Nguyễn Lê Tường L. (17 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Đắk Lắk) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng mũi bị mất gần hết do bị chó cắn.

Theo lời kể của người nhà, trưa 3/1 trong lúc bé L. chơi đùa một mình với con chó nặng 19kg nuôi trong nhà thì bất thình lình con chó này đã lao vào cắn bé.

Nghe tiếng bé khóc thét, người nhà chạy đến thì thấy bé đã bị chó cắn rách mặt. Ngay lập tức, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu kèm mảnh thịt được bảo quản trong xô đá lạnh. Sau khi sơ cứu, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật ghép mảnh thịt bị đứt lìa vào phần mũi cho bệnh nhi nhưng do thời gian kéo dài quá lâu (hơn 12 giờ) nên phần lớn mảnh thịt bị hoại tử. Sau phẫu thuật, các bác sỹ cố gắng bảo tồn mũi cho bệnh nhi bằng cách tiêm kháng sinh loại mạnh để ngừa nhiễm trùng, tuy nhiên, tiên lượng khả năng phục hồi mũi của bệnh nhi khá thấp.

Bé Nguyễn Lê Tường L. bị chó cắn gần hết mũi. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 7/1, một bệnh nhi khác cũng đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 do bị chó cắn. Nạn nhân là bé trai Nguyễn Tiến Đ. (5 tuổi, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) bị hai con chó béc-giê nuôi trong nhà cắn thủng khí quản. Sau khi nhập viện, bệnh nhi đã được đưa vào phẫu thuật cấp cứu bịt lỗ thủng ở khí quản.

Tiếp đó, tới đầu tháng 4/2019, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã tiếp nhận hai trường hợp đều là học sinh bị ngay trên đường đi học về.

Cụ thể, khi được đưa vào bệnh viện, các cháu Lù Khắc Hiệp (7 tuổi) và cháu Lù Đình Chon (11 tuổi) đều trú tại xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì đều rất hoảng hốt. Trên mặt các cháu xuất hiện nhiều vết rách nham nhở, chảy nhiều máu. Cháu Lu Đình Chon có thêm các vết thương ở vùng cẳng tay.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì đã khẩn trương tiến hành các bước xử trí như: băng ép, vệ sinh vết thương, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, thuốc kháng sinh, dịch truyền, giảm đau và tổ chức hội chẩn.

Sau khi xử trí vết thương cho hai cháu và tư vấn cho gia đình, bệnh viện đã liên hệ Trung tâm Y tế huyện Hoàng Su Phì phối hợp cung cấp huyết thanh, tiêm vắcxin phòng dại.

Bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng cắn chết

Tháng 7/2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận và cấp cứu cho một bệnh nhi 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng cắn.

Theo chia sẻ của mẹ cháu bé, ngay khi sự phát hiện con gái bị chó cắn, chị lao vào tách con mình ra khỏi con chó dữ rồi vội vàng đưa con tới thẳng bệnh viện. Tuy nhiên, bé gái sau khi nhập viện rơi vào tình trạng không có mạch đập, không có huyết áp, tái nhợt, sốc mất máu biến chứng nặng.

Một trường hợp cháu bé bị chó cắn thủng phổi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: TTXVN)

Bệnh nhi cũng có nhiều vết thương ở vùng thái dương phải, lóc da vùng chẩm, lộ tổ chức não, chảy máu rất nhiều. Mặc dù, được cấp cứu hồi sức nhưng bệnh nhân mất máu nhiều nên không thể qua khỏi.

Bị cắn chết do can chó đánh nhau

Cuối tháng 8/2018, một vụ việc đau lòng khác lại xảy ra tại Hà Nội khi một người đàn ông đã bị chó tấn công dẫn tới tử vong.

Người nhà kể lại, bệnh nhân ở nhà khi thấy 2 con chó nhà cắn nhau, liền cầm nạng đánh vào con chó để can ngăn, sau đó cả 2 con chó quay lại cắn chủ vào vùng cổ.

Khi bị cắn, máu bệnh nhân chảy rất nhiều từ vết thương. Bệnh nhân được đưa vào sơ cứu cầm máu tại bệnh viện gần nhà rồi chuyển thẳng đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau tai nạn 2 giờ 30 phút.

Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốc rất nặng do mất máu cấp, hôn mê sâu, huyết áp và mạch ngoại vi không đo được, băng vết thương sũng máu. Có 2 vết thương ở vùng cổ bên phải, mép nham nhở.

Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc mất máu rất nặng và rối loạn đông máu do vết thương cổ phải.

Vết thương vùng cổ của bệnh nhân do chó cắn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau đó, bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng mổ cấp cứu, kiểm tra động mạch cảnh phải thấy bị vết thương giập nát, nham nhở trên suốt đoạn dài 5 cm tới sát góc hàm, vết thương động mạch đốt sống phải. Như vậy, bệnh nhân bị tổn thương cả 2 động mạch chính nuôi não ở bên cổ phải.

Tuy nhiên, do bị sốc quá nặng trước mổ, mất tri giác và hôn mê sâu, rối loạn đông máu nặng, không còn khả năng điều trị, nên gia đình bệnh nhân xin đưa bệnh nhân về nhà. Nạn nhân đã tử vong sau đó không lâu.

Bác sĩ thú y bị chó dại cắn chết

Nạn nhân là chị Phan Thị C. (24 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) là bác sĩ thú y đang làm việc tại một phòng khám thú y tư nhân tại Phú Thọ.

Tháng 6/2018, trong lúc đang làm việc, chị C. bị con chó ốm cắn vào tay, vết cắn ở vị trí bàn tay phải. Sau khi bị cắn, chị được sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại.

Sau 4 ngày, con chó chết, nhưng chị chủ quan không tiêm phòng dại vì chị chẩn đoán chó chết do bị viêm đường hô hấp trên.

Sau đó, nữ bác sĩ thú ý bắt đầu xuất hiện đau nhức chỗ cắn và vùng vai phải, tê bì chân tay, tình trạng này tiếp tục lan ra toàn thân, kèm cảm giác khó thở, sợ gió, sợ nước với những dấu hiệu điển hình của bệnh dại.

Sáng 4/6/2018 chị C. ngừng tim, ngừng tuần hoàn và qua đời ngay sau đó./.

Theo nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, chủ nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường.

Mức phạt tương tự cho hành vi không tiêm phòng văcxin phòng bệnh dại và cho động vật.

Ngoài ra, theo quy định này, chủ nuôi chó còn phải bồi thường cho người bị hại cả vật chất lẫn tinh thần như thanh toán chi phí tiêm phòng dại và các chi phí khác phát sinh (nếu có.)

Sơn Bách (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/diem-lai-nhung-vu-cho-bong-dung-noi-dien-tan-cong-con-nguoi/561312.vnp