Điểm lại những vụ triệu hồi xe hơi trong năm 2017 của các 'ông lớn'

Toyota, Mercedes-Benz, Mitsubishi, Nissan... trong năm 2017 đều lần lượt có những cuộc triệu hồi xe hơi đình đám với những lỗi như túi khí, cầu chì hay trợ lực lái...

Đầu tiên phải kể đến vụ triệu hồi xe "đau lòng" của "ông lớn" Mercedes-Benz trong thời gian gần đây. Tháng 9/2917, Cục đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) phát đi tới 4 thông báo triệu hồi cho các dòng xe Mercedes-Benz tại Việt Nam.

Theo tin trên báo Giao thông, trong số 4 thông báo về triệu hồi của Cục ĐKVN có tới 3 thông báo về việc triệu hồi các dòng xe sang của Mercedes-Benz do lỗi ở hệ thống cầu chì.

Các dòng xe dính lỗi cầu chì tại thị trường Việt Nam gồm có: C200, C300, E200, E250, E300, GLC 250 4MATIC, GLC 300 4MATIC, C300 Coupe, CLA 200, CLA 250, CLA 400 AMG, A200, A250, AMG A45.

Được biết, để khắc phục lỗi trên, MBV sẽ gắn thêm một cầu chì cho bộ giới hạn dòng điện để khắc phục hiện tượng quá nhiệt do đề nổ nhiều lần.

Ngoài việc triệu hồi xe do cầu lỗi cầu chì, Cục ĐKVN cũng ra thông báo triệu hồi 294 xe Mercedes-Benz dính lỗi ở hệ thống điều khiển điện của trợ lực lái.

Các dòng xe dính lỗi ở hệ thống này gồm có: GLE 400 4MATIC, GL 300 CDI 4MATIC, GL 400 4MATIC, GL 500 4MATIC, AMG GLS 63 S 4MATIC, GLE 400 Coupe, GLE 400 AMG.

Trước đó vào hồi tháng 2/2017, Autodaily.vn cho biết, Mercedes-Benz cũng đã tiến hành một đợt triệu hồi với hơn 18.000 mẫu xe GLE, GLS và E-Class đời mới.

Được biết, hãng chia ra 4 đợt thu hồi cho một loạt các dòng xe đời 2017 và một vài dòng đời 2016 tại thị trường Mỹ.

Đợt triệu hồi lần này tập trung vào lỗi kính chắn gió của dòng xe Mercedes-Benz GLS 450 và GLE 350 đời 2016. Theo đại diện hãng xe hãng xe “ngôi sao ba cánh”, liên kết kính chắn gió không đủ để giữ kính ở nguyên vị trí trong trường hợp xảy ra tai nạn. Tại thời điểm lúc bấy giờ, hãng chỉ mới phát hiện 4 xe bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, việc thu hồi lớn nhất vẫn là lỗi túi khí và làm ảnh hưởng đến 12.456 xe của Mercedes-Benz, trong đó là E300, E300 4Matic và E43 AMG đời 2017.

Ngày 20/2, Honda Việt Nam đã thông báo chiến dịch triệu hồi hơn 1.300 chiếc Civic, CR-V và Accord đời 2012 để thay bộ thổi khí túi khí ghế phụ phía trước. Số lượng xe bị ảnh hưởng bao gồm 270 chiếc Civic 2012, 45 chiếc Accord 2012 và 1.020 chiếc CR-V 2012.

Theo khuyến nghị của Honda, bộ thổi khí túi khí ghế phụ phía trước trên những xe thuộc diện triệu hồi có thể bị quá áp dẫn đến túi khí hoạt động không đúng chức năng khi va chạm. Nguyên nhân gốc của sự quá áp vẫn đang trong quá trình điều tra. Hãng chưa ghi nhận trường hợp tai nạn nào liên quan đến lỗi trên.

Đợt triệu hồi các mẫu xe Honda kéo dài từ 20/2/2017 đến hết tháng 2/2018 tại hệ thống đại lý của hãng trên toàn quốc.

Và liên quan đến lỗi túi khí, tháng 8/2017, Toyota Việt Nam cũng đã phải triệu hồi hơn 20.000 xe Vios và Yaris.

Cụ thể, 18.138 xe Vios được sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 5/1/2009 đến 29/12/2012 và 1.877 xe Yaris nhập khẩu chính hãng được sản xuất từ ngày 1/9/2009 đến 31/8/2012 thuộc diện bị ảnh hưởng.

Theo VnExpress, Toyota Việt Nam sẽ kiểm tra và thay thế bộ phận này miễn phí cho khách hàng, thời gian sửa chữa khoảng 0,5 - 3 giờ tuỳ loại xe. Hãng chưa ghi nhận tai nạn nào liên quan đến lỗi túi khí này tại Việt Nam.

Những xe khác của Toyota trang bị túi khí của nhà cung cấp khác, không phải Takata sẽ không nằm trong diện triệu hồi.

Cũng trong tháng 8 này và với lỗi túi khí, chủ nhân của khoảng 4,4 triệu chiếc Nissan dính lỗi túi khí sẽ được hỗ trợ tài chính để sửa chữa và nhận tới 500 USD bồi thường.

Hãng xe Nhật đồng ý bản thỏa thuận trị giá 98 triệu USD với khách hàng nhằm bù đắp những thiệt hại về kinh tế mà họ gánh chịu do scandal liên quan tới lỗi túi khí Takata, theo Reuters. Những nạn nhân của sai sót này sẽ nhận bồi thường từ một quỹ riêng.

Thỏa thuận trên đạt được sau những hòa giải tương tự giữa các chủ xe trang bị túi khí Takata với các hãng Toyota, BMW, Mazda và Subaru.

Các điều khoản trong thỏa thuận bao gồm: chủ xe Nissan bị dính lỗi có thể được trả tới 500 USD mỗi xe; được thuê xe miễn phí để sử dụng trong thời gian chờ sửa lỗi; bồi hoàn những chi phí hợp lý, gồm chi phí vận chuyển, lai dắt, thiệt hại về tiền lương và chi phí chăm sóc trẻ em, đều được tính là hậu quả của việc triệu hồi, nguồn tin này cho hay.

Khi được kích hoạt do xe đâm đụng, túi khí Takata có thể phát nổ và các mảnh vỡ có thể gây sát thương với người trên xe. Ảnh: VnExpress

Được biết, khoản bồi thường gần 100 triệu USD cũng sẽ hỗ trợ một chương trình nhằm thuyết phục các chủ xe Nissan đưa xe đi sửa chữa. Mới chỉ có 30% khách hàng thuộc diện triệu hồi mang xe đi thay túi khí Takata vào cuối tháng 6 vừa qua.

Theo VTV, cùng trong tháng 8/2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã đưa ra thông báo triệu hồi hơn 4.200 xe Outlander Sport và Pajero Sport của Mitsubishi do lỗi giảm chấn chống cửa phía sau.

Đợt triệu hồi lần này sẽ có hơn 900 chiếc Mitsubishi Outlander Sport sản xuất từ năm 2014 - 2016, hơn 3.000 chiếc Mitsubishi Pajero Sport được sản xuất từ năm 2011 đến tháng 6/2016 để kiểm tra, thay thế giảm chấn chống cửa sau trên xe.

Theo hãng xe này, nguyên nhân của đợt triệu hồi lần này là do phần nắp đậy của ống ngoài giảm chấn cửa hậu trên các mẫu xe này bị gỉ sét do lớp phủ chống ăn mòn không đầy đủ, dẫn đến nguy cơ gãy ra và gây tổn thương cho người đứng xung quanh cửa hậu vào thời điểm mở cửa xe.

Đợt triệu hồi sản phẩm diễn ra trong thời gian từ ngày 1/8 - 31/7/2019. Mitsubishi Việt Nam sẽ kiểm tra, khắc phục miễn phí lỗi của những xe bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia ước tính, thiệt hại sau những đợt triệu hồi xế hộp của các "ông lớn" chắc chắn là không hề nhỏ.

Bảo Khánh (T/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/diem-lai-nhung-vu-trieu-hoi-xe-hoi-trong-nam-2017-cua-cac-ong-lon-210109.htm