Điểm mặt 10 tiêm kích đắt đỏ: Rẻ nhất cũng hơn 60 triệu USD/chiếc (1)

Máy bay chiến đấu là loại máy bay tiên tiến nhất, mạnh nhất, công nghệ phức tạp nhất và tất nhiên là chúng cũng là những thứ vũ khí đắt đỏ, tốn kém từ khâu mua mới cho tới chi phí vận hành khi sử dụng.

Giá của một chiếc máy bay phản lực chiến đấu không bao giờ được định sẵn, tùy từng yêu cầu của bên mua, giá bán có thể bao gồm cả tiền mua vũ khí, chi phí đào tạo nhân lực vận hành, cơ sở vật chất mặt đất,... Trong khuôn khổ của bài viết này, chỉ đề cập tới giá bán tối thiểu chưa bao gồm các chi phí nêu trên.

Đầu tiên là tiêm kích F-16 Block 70 trị giá khoảng 64 triệu USD. F-16 được tạo ra như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ và là giải pháp thay thế cho F-15 với giá cả phải chăng. Các biến thể cũ hơn của nó có giá khoảng 30 triệu đô la mỗi chiếc, rẻ hơn nhiều so với phần lớn các máy bay chiến đấu hiện đại.

Cấu hình phiên bản Block 70 và 72 bao gồm nhiều nâng cấp dành cho tiêm kích chiến đấu F-16V và trông rất giống với máy bay F-21, một loại máy bay phản lực mà tập đoàn Lockheed Martin đã cung cấp cho Ấn Độ.

Mặc dù chúng ta có thể chưa biết được giá của F-21 hoặc F-16V, nhưng giá của một chiếc F-16 Block 70 cũng mang lại cái nhìn sâu sắc về giá một chiếc máy bay phản lực hàng đầu dựa trên khung chiếc F-16.

Tiếp theo là Boeing F/A-18E/F Super Hornet, có giá lên tới 67,4 triệu USD. F/A-18 Super Hornet xuất hiện vào cuối những năm 90, thay thế các dòng Hornet cũ hơn của các biến thể A, B, C và D.

Mặc dù ban đầu F/A-18 Super Hornet chủ yếu là loại máy bay hoạt động trên tàu sân bay, nhưng chiếc máy bay này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các quốc gia có ý định chỉ sử dụng nó như một máy bay trên mặt đất.

Bản nâng cấp mới nhất của F/A-18 cấu hình Block III, có những cải tiến lớn đối với hệ thống điện tử và vũ khí. Điều này giúp cho Super Hornet phù hợp với những dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 mới nhất nhưng cũng đẩy giá lên cao hơn.

Biến thể đắt nhất của loại máy bay phản lực này là EA-18G Growler, một máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng có giá lên tới 100 triệu USD. Mặc dù nó có thể được trang bị cả vũ khí đối không và đối đất, nhưng nó lại quá chuyên biệt để được coi là giống như các máy bay chiến đấu thông thường.

Thứ ba là Lockheed Martin F-35A với giá 77.9 triệu USD. Mọi thứ về F-35 đều phức tạp, chiếc máy bay này đã đi vào lịch sử với tư cách là vũ khí đắt tiền nhất từ trước đến nay. Tập đoàn Lockheed Martin đã cố gắng giảm giá thành của một chiếc F-35A sắp ra mắt xuống dưới 80 triệu USD nhưng mức giá này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Chi phí hoạt động của máy bay phản lực F-35 là một trong những loại cao nhất trên thế giới, do đó máy bay này đã rất tốn tiền để mua nhưng lại cũng rất tốn kém để bảo trì. F-35 chỉ thuộc về các quân đội nhà giàu.

Tiếp theo là Saab JAS-39E/F Gripen có giá 85 triệu USD. Máy bay JAS-39 Gripen của Thụy Điển với các biến thể C và D, nổi tiếng là một trong những máy bay chiến đấu thế hệ 4+ mới và rẻ nhất hiện nay. Giá thành của biến thể C/D cũng có thể xuống tới 30 triệu USD một chiếc, một món hời cho một chiếc máy tiên tiến như vậy.

Các biến thể mới nhất của nó là E và F đã thay đổi điều đó. Mặc dù chúng vẫn rẻ hơn nhiều để vận hành so với các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, nhưng giá thành của một chiếc máy bay phản lực như vậy đã tăng hơn gấp đôi so với biến thể C/D.

Lời giải thích cho điều đó nằm ở sự khác biệt của phiên bản mới với rất nhiều thay đổi ngoại trừ khung máy bay, tất cả đều được nâng cấp. Radar mới, động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống vũ khí cải tiến, linh kiện phụ tùng công nghệ đều được thay mới.

Năm 2012, JAS-39 thế hệ mới dự kiến có giá hơn 100 triệu USD. Chỉ trong những năm gần đây nhất, tập đoàn Saab đã cố gắng giảm giá và với mức giảm mới Gripen một lần nữa trở thành một trong những máy bay chiến đấu được săn đón trên thị trường quốc tế. Nguồn ảnh: QQ.

Sức mạnh của tiêm kích đa năng JAS-39E/F Gripen có đủ để giúp châu Âu "chen chân" vào thị trường xuất khẩu tiêm kích? Nguồn: QPVN.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/diem-mat-10-tiem-kich-dat-do-re-nhat-cung-hon-60-trieu-usdchiec-1-1600361.html