Điểm mặt 6 mẫu tàu sân bay tồi tệ nhất trong lịch sử

Khi nhắc tới tàu sân bay, ta thường nghĩ tới những vũ khí tối tân, hiện đại, đại diện cho sức mạnh hải quân của một quốc gia. Có một số cái tên đã trở thành huyền thoại, nhưng cũng có không ít tàu sân bay thất bại. thảm hại.

Đứng ở vị trí thứ sáu trong danh sách là tàu sân bay USS Ranger của Mỹ. Ranger là một tàu tương đối nhỏ, có kích thước và trọng lượng rẽ nước gần bằng chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ là chiếc USS Langley.

Ranger là một trong số ba chiếc tàu sân bay trước chiến tranh còn sống sót qua Thế Chiến II. Sự nghiệp chiến đấu của USS Ranger tương đối ngắn ngủi, trải qua phần lớn thời gian chiến tranh trong các vai trò phục vụ chiến đấu và cuối cùng đã bị giáng xuống làm nhiệm vụ huấn luyện.

Đứng thứ năm là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga. Do ra đời vào thời kỳ Liên Xô vừa tan rã, nên việc bảo trì tàu bị bỏ bê suốt một thời gian dài, vì vậy con tàu từ khi ra đời đã liên tục gặp trục trặc.

Tàu sân bay Kuznetsov mỗi lần đi biển luôn có một chiếc tàu kéo đi kèm. Nếu động cơ của tàu sân bay gặp sự cố, tàu kéo này sẽ làm nhiệm vụ kéo tàu sân bay về cảng. Đây là vấn đề muôn thuở của tàu sân bay Kuznetsov cũng như chiếc Varyag đã bán cho Trung Quốc.

Tàu có một thời gian xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy đã được đại tu nâng cấp từ năm 2012, để nâng cấp và tu sửa một số bộ phận, Kuznetsov đã trở lại hoạt động từ năm 2018. Tuy nhiên sau khi đi vào hoạt động chưa lâu, chiếc tàu sân bay "chạy bằng than (ngụ ý tàu tỏa quá nhiều khói đen)", Kuznetsov lại trở về chỗ quen thuộc là ụ đốc của nhà máy, thay vì trên đại dương.

Thứ tư là Lớp tàu sân bay Kiev của Nga, gồm có Kiev, Minsk, Novorossiysk; chiếc đầu tiên thuộc lớp Kiev được đóng vào năm 1970, ban đầu Hải quân Liên Xô muốn có một siêu tàu sân bay tương tự như lớp Kitty Hawk của Mỹ. Tuy nhiên, thiết kế tàu Kiev nhỏ hơn đã được lựa chọn, vì nó được coi là hiệu quả hơn về chi phí.

Không giống như hầu hết các tàu sân bay NATO, lớp Kiev là sự kết hợp của cả tàu tuần dương và tàu sân bay. Sau khi Liên Xô tan rã, con tàu đã được Nga tiếp quản. Do ngân sách quân sự thấp và tình trạng tàu ngày càng tồi tệ, nó được loại biên vào ngày 30/6/1993.

Tổng cộng có 4 tàu sân bay lớp Kiev đã được chế tạo và đưa vào hoạt động, phục vụ trong Hải quân Liên Xô và sau đó là Nga. Hai chiếc được bán cho Trung Quốc để làm bảo tàng, chiếc thứ ba đã bị loại bỏ. Chiếc thứ tư, Đô đốc Gorshkov, được bán cho Ấn Độ, và sau nhiều năm sửa đổi và tân trang, hiện đang hoạt động với tên gọi INS Vikramaditya.

Thứ ba trong danh sách là tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet của Thái Lan, tàu sân bay này chuyên dụng cho lực lượng tuần tra và tác chiến trên biển. Tuy nhiên, con tàu lại tỏ ra khá vô dụng bởi hải quân Thái Lan không có đủ ngân sách để duy trì hoạt động thường xuyên cho con tàu.

Năm 2006, phi đội AV-8 Harrier trên tàu cũng đã loại biên mà không có máy bay thay thế; hiện nay, khả năng chiến đấu của con tàu chẳng khác nào một chiếc tàu vận tải. Trong phần lớn thời gian, con tàu này neo đậu lâu dài ở quân cảng lớn nhất Thái Lan là Sattahip, cho phép người dân Thái Lan tham quan miễn phí.

Đứng thứ hai là Lớp tàu sân bay Ise của Nhật Bản, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, để bù đắp phần nào sự mất mát lực lượng tàu sân bay sau trận Midway, cả hai chiếc thiết giáp hạm trong lớp Ise được cải biến một phần thành tàu sân bay lai thiết giáp hạm vào năm 1943.

Các tháp pháo phía sau được thay thế bởi một sàn chứa máy bay và bên trên là một sàn đáp, đồng thời các khẩu đội phòng không cũng được bổ sung. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt máy bay và phi công đã khiến cho cả hai con tàu chưa bao giờ tham gia tác chiến trong vai trò tàu sân bay. Chúng bị máy bay Mỹ đánh chìm tại nơi neo đậu trong vùng nước nông.

Đứng đầu trong danh sách là tàu sân bay HIJMS Hosho của Nhật Bản, là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Nhật Bản, vào thời điểm Thế Chiến II diễn ra, Hosho đã bị các kiểu tàu khác vượt qua, vì quá nhỏ và quá chậm để có thể mang được các kiểu máy bay mới nhất hoạt động trên tàu sân bay như Mitsubishi Zero.

Chiếc tàu được đưa về làm nhiệm vụ huấn luyện trong vùng biển nội địa Nhật Bản từ năm 1943. Sau chiến tranh, nó được sử dụng để chuyên chở quân nhân Nhật Bản hồi hương từ nước ngoài cho đến tận tháng 6/1946. Hosho là một trong bốn tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản còn sống sót sau chiến tranh, nhưng nó bị tháo dỡ vào năm 1947.

Video Tàu sân bay lớp Nimitz: Quốc thể di động của nước Mỹ - Nguồn: QPVN

Quang Hưng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/diem-mat-6-mau-tau-san-bay-toi-te-nhat-trong-lich-su-1471774.html