Điểm mặt doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng tiền thuế

Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp nợ tổng cộng gần 1.000 tỷ đồng thuế XNK do Cục Hải quan TPHCM lập danh sách gửi Tổng cục Hải quan công bố danh tính, phần nhiều số nợ 'khủng' rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thuộc diện khó thu hồi.

Những món nợ khó đòi khiến cơ quan Hải quan vất vả lập hồ sơ theo dõi.. Ảnh: T.H

Những món nợ khó đòi khiến cơ quan Hải quan vất vả lập hồ sơ theo dõi.. Ảnh: T.H

Nợ thuế 150 tỷ đồng, ngưng hoạt động

Theo Cục Hải quan TPHCM, số nợ thuế nêu trên hầu hết thuộc diện nợ cưỡng chế, phát sinh từ nhiều năm. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nợ thuế đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Trong số này có nhiều doanh nghiệp có số nợ thuế rất lớn, có doanh nghiệp nợ trên 150 tỷ đồng, hàng chục doanh nghiệp nợ thuế vài chục tỷ đồng…

Danh sách nợ thuế do Cục Hải quan TPHCM công bố cho thấy, đứng đầu danh sách nợ thuế XNK là Công ty cồ phần NIVL (ấp 6, Xã Lương Hòa, Huyện Bến Lức, Long An). Theo thông báo của Cục Hải quan TPHCM, tính đến hết tháng 4/2019, công ty này nợ thuế trên 150 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cồ phần NIVL là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, được cấp phép đầu tư năm 1998, đến năm 2007 bắt đầu hoạt động, do ông A Nanda Kumar làm giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp này, gồm: Sản xuất, truyền tải và phân phối điện; buôn bán gạo, buôn bán thực phẩm. Số nợ thuế nêu trên thuộc 3 tờ khai nhập khẩu theo loại hình đầu tư sản xuất xuất khẩu phát sinh tại Cục Hải quan TPHCM từ năm 2013, bao gồm thuế nhập khẩu và lệ phí hải quan.

Theo Hải quan TPHCM, số nợ trên 150 tỷ đồng của Công ty cổ phần NIVL được tính tới thời điểm hết tháng 4/2019, nhưng chưa tính tiền phạt chậm nộp thuế trong nhiều năm qua. Hiện doanh nghiệp này đã ngưng hoạt động nhiều năm nay, chủ DN cũng đã về nước, để lại số nợ khổng lồ cho ngân sách nhà nước.

Nợ "khủng" rơi vào doanh nghiệp FDI

Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp nợ tổng cộng gần 1.000 tỷ đồng thuế XNK vừa bị Cục Hải quan TPHCM điểm mặt, phần nhiều số nợ "khủng" rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thuộc diện khó thu hồi. Ngoài trường hợp Công ty cồ phần NIVL nợ hơn 150 tỷ đồng như nêu trên còn hàng chục trường hợp có nợ thuế rất lớn, với con số vài chục tỷ đồng. Điển hình, Công ty TNHH Silver star Việt Nam, nợ hơn 47 tỷ đồng. Số nợ này thuộc số thuế của 376 tờ khai hải quan nhập khẩu theo loại hình đầu tư -gia công, nhập gia công- TC… phát sinh trong năm 2007 và 2008. Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty này được cấp phép năm 2008, chuyên sản xuất giày dép, địa chỉ trụ sở công ty đặt tại E4/48 KP5 P.Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011, nhưng chưa làm thủ tục đóng mã số thuế.

Tương tự, Công ty TNHH Neocacse Inc Việt Nam, nợ gần 30 tỷ đồng. Công ty này được cấp phép thành lập từ năm 2007, có địa chỉ hoạt động tại 532A Đường TA 28, Khu Phố 2, P. Thới An, Quận 12, TPHCM, do JEON JEONG JAE là người đại diện pháp luật, đã đóng mã thuế từ tháng 4/2014. Trong 2 năm (năm 2012 và 2013), công ty này mở hơn 540 tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa theo loại hình đầu tư- gia công, nhập gia công- TC. Số nợ trên gồm thuế XNK và lệ phí hải quan phát sinh từ các tờ khai hải quan nêu trên.

Các doanh nghiệp nợ thuế lớn thuộc diện khó thu hồi tại Cục Hải quan TPHCM phần nhiều là doanh nghiệp có ngành nghề buôn bán giày dép, giày da, may mặc… và đăng ký thực hiện loại hình đầu tư- sản xuất xuất khẩu, nhập gia công…

Công ty TNHH sản xuất giày dép Kwang Nam (426 Hồ Văn Huê, P. 9, Phú Nhuận TPHCM), ngành nghề đăng ký kinh doanh gồm: Chuyên sản xuất và buôn bán giày dép, giày da. Điển hình, Công ty TNHH sản xuất giày dép Kwang Nam đăng ký trên 700 tờ khai hải quan thuộc nhiều loại hình đầu tư- sản xuất xuất khẩu, nhập gia công… trong nhiều năm từ 1994 đến năm 1999, phát sinh nợ thuế gần 36 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc Hong Better, nợ 22,4 tỷ đồng (số nợ thuế này phát sinh từ 93 tờ khai hải quan nhập khẩu theo loại hình đầu tư - gia công trong năm 2008 và 2009); Công ty TNHH May McFAIR Saigon (551/162 Lê Văn Khương, P. Hiệp Thành, Quận 12, TPHCM), với ngành nghề kinh doanh, chuyên may mặc (số nợ này phát sinh từ 128 tờ khai hải quan nhập khẩu theo loại hình nhập đầu tư- gia công phát sinh trong năm 2008). Tương tự, Công ty TNHH Sang Chun có địa chỉ tại 24/5C ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, Huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh được cấp phép thành lập vào ngày 30/04/2005, do ông Song Chun Yeong làm người đại diện pháp luật, với ngành nghề chính chuyên may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) nợ 20 tỷ đồng. Số nợ này của Công ty TNHH Sang Chun thuộc 189 tờ khai nhập khẩu hàng hóa theo loại hình đầu tư gia công…

Ngoài ra, còn hàng loạt công ty có số nợ lớn, như: Công ty may mặc S.M nợ 17,4 tỷ đồng; Công ty Karos (quận 2, TPHCM) nợ gần 21 tỷ đồng; của hơn 300 tờ khai hải quan nhập khẩu theo loại hình đầu tư- gia công trong năm 2003 và 2004; Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry, nợ hơn 21 tỷ đồng; Công ty TNHH thời trang Sepplus Việt Nam nợ trên 19 tỷ đồng…

Theo Cục Hải quan TPHCM, số nợ thuế nêu trên hầu hết thuộc diện nợ cưỡng chế, phát sinh từ nhiều năm. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nợ thuế đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Được biết, tính đến ngày 15/5/2019, tổng số nợ thuế thuộc diện khó thu hồi tại Cục Hải quan TPHCM trên 1.400 tỷ đồng. Số nợ gần 1.000 tỷ đồng của hơn 1.000 doanh nghiệp nêu trên cũng nằm trong số nợ khó đòi này. Số nợ thuế khó thu hồi hầu hết phát sinh nhiều năm về trước, doanh nghiệp nợ thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Mặc dù Cục Hải quan TPHCM đã áp dụng các biện pháp thu hồi thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế, nhưng vẫn không hiệu quả.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/diem-mat-doanh-nghiep-no-hang-chuc-ty-dong-tien-thue-105963-105963.html