Điểm 'mặt' những vấn đề sức khỏe nóng hổi năm 2019

Theo thống kê, sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam bởi sự biến động xấu của môi trường. Năm 2019 chuẩn bị đi qua, hãy cùng điểm lại một số vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm.

Theo số liệu thống kê mới nhất được thực hiện bởi The Conference Board Global Consumer Confidence với sự hợp tác cùng Nielse cho thấy trong quý II/2019, trong ba tháng giữa năm 2019, sức khỏe đã vượt qua sự ổn định của công việc để trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Người Việt chi khá nhiều tiền để bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa

Điều này đúng với những dự đoán trước đây của các nhà nghiên cứu thị trường. Theo bà Louise Hawley, Giám đốc điều hành Nielsen Vietnam: “Người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm đến sức khỏe của họ hơn bao giờ hết. Ô nhiễm không khí và môi trường là những chủ đề nóng hổi đang ngày càng trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi người. Với thực trạng môi trường đáng báo động hiện nay cùng với nhận thức tăng cao của người tiêu dùng, sức khỏe dự kiến sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong quý III/2019”.

Hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh nhiễm ấu trùng sán lợn

Sáng ngày 15/3, gần 400 trẻ thuộc trường mầm non Thanh Khương và Mão Điền (huyện Thuận Thành – Bắc Ninh) được bố mẹ đưa xuống Hà Nội khám vì nghi ăn thịt lợn nhiễm sán.

230 bé 1-10 tuổi được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và 135 bé đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương xét nghiệm, trong đó phần lớn là học sinh Trường mầm non Thanh Khương. Chiều cùng ngày, 57 bé được phát hiện dương tính với sán lợn.

Kết quả này khiến hàng nghìn gia đình có con đang theo học tại 19 trường mầm non ở Bắc Ninh vô cùng lo lắng. Trong hai ngày 16-17/3, hơn 1.500 trẻ ở khắp các xã trên địa bàn Thuận Thành được đưa ra Hà Nội khám. Cuối ngày 17/3, 209 trẻ được phát hiện dương tính với ấu trùng sán lợn.

Sự việc bắt đầu kể từ khi các phụ huynh phát hiện trường mầm non Thanh Khương sử dụng thịt lợn không đảm bảo để chế biến cho các bé ăn vào ngày 14/2. Mặc dù đã phản hồi với nhà trường nhưng các phụ huynh lại không nhận được câu trả lời hợp lý. Sau đó, một phụ huynh đã đưa con đi khám vì bị sốt và phát hiện con dương tính với sán lợn.

Từ đó, dẫn tới sự việc nhiều phụ huynh vội đưa con đi khám. Trước tình hình này, ngày 18/3, Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Phía lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết tỉ lệ trẻ nhiễm sán lợn tại địa phương không có gì đột biến, bất thường vẫn ở trong ngưỡng trung bình của cả nước. Cùng với đó, nhiều chuyên gia trong ngành Y tế đã nói rõ người dân không nên quá hoang mang, chỉ cần đảm bảo ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ là phòng ngừa được sán lợn.

Trẻ tử vong vì vi khuẩn whitmore

Năm 2019 chứng kiến sự quay trở lại của bệnh Whitmore - một căn bệnh đã bị lãng quên từ lâu, có nguy cơ bùng phát trở lại và tỷ lệ tử vong lên tới 40%.

Việc liên tiếp xảy ra nhiều ca bệnh nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” này khiến nhiều người dân hoang mang sợ sẽ lây lan thành dịch.

Tháng 8, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lần đầu tiên tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn whitmore ăn cánh mũi. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ghi nhận riêng trong tháng 8/2019, trung tâm đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Còn tính từ đầu năm 2019 đến tháng 8/2019, trung tâm tiếp nhận 20 ca, số ca mắc bệnh này bằng cả 5-10 năm trước cộng lại.

Ngày 14/9, nguồn tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An phát hiện thêm 3 bệnh nhân nhi có vi khuẩn "ăn thịt người" ban đầu nghi do mắc quai bị. Đó là các trường hợp: Nghiêm Thanh Tuấn, 14 tuổi (Đức Thọ - Hà Tĩnh); Hoàng Văn Cao, 10 tuổi (Thanh ngọc, Thanh Chương); Nguyễn Công Hào, 11 tuổi (Công Thành, Yên Thành).

Ngày 18/11, một gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội có 3 trẻ tử vong do mắc vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore trong một thời gian ngắn lại một lần nữa khiến nhiều người lo lắng. Ngày 7/12, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo phát hiện một mẫu đất trong khuôn viên gia đình phát hiện có khuẩn gây bệnh này.

Điều này đã khiến nhiều người dân lo ngại bệnh Whimore có thể lây lan và phát triển thành dịch. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh Whitmore không lây lan thành dịch mà khu trú trong một môi trường cố định, vi khuẩn sống trong bùn, đất, nước.

Các bác sĩ khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Đặc biệt những ai có các vết thương, mụn nhọt… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô.

Nghi nhiễm độc thủy ngân

Ngày 28/8, sự việc cháy công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông khiến nhiều người bất ngờ. Sau sự vụ, thông tin thủy ngân từ nhà máy bị bốc hơi ra ngoài môi trường đã gây hoang mang dư luận, đặc biệt là những người dân sống xung quanh khu vực.

Sáng ngày 30/8, đã có 12 người đi khám tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) do nghi ngờ bị nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết kết quả thủy ngân trong máu của các bệnh nhân bình thường.

Nói về những hậu quả khi không may bị ngộ độc thủy ngân, bác sĩ Nguyên cảnh báo, thủy ngân có nhiều dạng, khi vào trong cơ thể sẽ gây những tổn thương chính với đường hô hấp, đường tiêu hóa, thận, hệ thần kinh, một số trường hợp cả với máu và da, tổn thương phổi, suy thận, suy não, rối loạn vận động, giảm thể lực,...

Ô nhiễm không khí Hà Nội tăng cao

Trong thời gian từ ngày 12-29/9, chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. Số liệu này dựa trên 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố (1 trạm của tổng cục môi trường, 11 trạm của thành phố Hà Nội và 1 trạm của sứ quán Mỹ).

Đặc biệt trong tuần từ ngày 7-13/12, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là đợt ô nhiễm không khí “khủng khiếp” nhất tại Hà Nội từ trước đến nay.

Đồng loạt nhiều trạm quan trắc phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Cá biệt, nhiều điểm đã chạm mốc nâu như ngày 13/12, chỉ số AQI tại Tây Hồ lên tới 405. Cũng trong ngày 13/12, trang Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316.

Trước tình hình ô nhiễm không khí nặng nề không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành, Bộ Y tế ban hành khuyến cáo cần thiết để hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Kháng kháng sinh

Sự phát triển của kháng sinh, thuốc kháng virus và thuốc chống sốt rét là một số thành tựu lớn nhất của nền y học hiện đại. Tuy nhiên, thời gian còn hiệu lực ở các loại thuốc này đang mất dần.

Kháng kháng sinh - khả năng vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút và nấm kháng lại các loại thuốc này – đang đe dọa đẩy con người trở lại thời kì mà chúng ta không thể dễ dàng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, lao, lậu và salmonella. Việc không thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn có thể phải đánh đối bằng phẫu thuật và thủ thuật như hóa trị.

Kháng thuốc chống lao là một rào cản lớn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh gây ra cho khoảng 10 triệu người, và 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Cứu sống người bệnh bị xuất huyết não nặng bằng robot Modus V Synaptive

Ngày 16/6/2019, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận một người bệnh nữ, 62 tuổi với chẩn đoán xuất huyết não ngày 2, tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nữa người trái.

Bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh quyết định phẫu thuật lấy máu tụ bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu với sự hỗ trợ của robot Modus V Synaptive, sử dụng ống “brain path” để lấy khối máu tụ. Máu tụ tự trào ra theo áp lực trong sọ và theo hướng trọng lực cao thấp, hạn chế hút máu tụ.

Phẫu thuật xuất huyết não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive mang đến sự chính xác, hiệu quả hơn hẳn, kiểm soát tốt ổ máu tụ, giúp giảm thiểu rất nhiều các tổn thương não khi so sánh với phương pháp phẫu thuật cổ điển. Thời gian phẫu thuật rút ngắn đáng kể, giảm thiểu các biến chứng do gây mê. Giảm thời gian hồi sức sau mổ giúp hạn chế các biến chứng nặng như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loét chèn ép, viêm tắc mạch chi, giảm chi phí điều trị.

Diệu Tâm (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/diem-mat-nhung-van-de-suc-khoe-nong-hoi-nam-2019-80766-9.html