'Điểm mặt' thách thức gỡ khó 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương

Theo ông Dương Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), khó khăn nổi cộm thời gian tới của 12 dự án ngành Công Thương chính là xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình).

Nhà máy đạm Ninh Bình là dự án có nhiều vướng mắc, phức tạp nhất trong số 12 dự án. Ảnh: ST.

Khó xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC

Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý đối với các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương mới đây nêu rõ: Đối với các dự án, DN có vướng mắc, tranh chấp đối với Hợp đồng EPC (gồm 3 dự án nhà máy thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; 3 dự án nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và Công ty DQS; 1 Dự án thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên), đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.

Trong đó, đối với 3 dự án nhà máy sản xuất phân bón, do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế. Đối với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, sau thời gian dài tranh chấp căng thẳng với nhà thầu hợp đồng EPC là Công ty xây dựng Huyndai (HEC), đến nay hai bên đã thống nhất nối lại đàm phán và theo hướng sẽ hòa giải. Phía nhà thầu HEC đang xem xét các đề xuất của Tập đoàn PVN và PVTex. Đối với các dự án còn lại vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp nhưng chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và các giải pháp xử lý cuối cùng.

Nhìn nhận cụ thể từ các DN trong ngành hóa chất, theo ông Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), một trong những vấn đề khó khăn nổi cộm hiện nay là lãi vay của các đơn vị đang rất lớn, chiếm khoảng hơn 30% giá thành sản phẩm. “Ví dụ điển hình như ở Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, riêng chi phí tài chính, lãi các loại của năm 2018 đã là hơn 850 tỷ đồng", ông Cường nói.

Thách thức đảm bảo nguồn lực

Ngoài xử lý Hợp đồng EPC, các dự án, DN thua lỗ ngành Công Thương hiện còn phải đối mặt với vấn đề huy động, bảo đảm nguồn lực để giải quyết khó khăn.

Theo Bộ Công Thương, đối với một số dự án, các tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư gặp lúng túng trong việc chỉ đạo các cổ đông nhà nước thực hiện việc biểu quyết tăng vốn, bổ sung nguồn lực để xử lý các vấn đề khó khăn của dự án theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; đồng thời bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. Ngoài ra, một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang tiếp tục gặp phải khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần" sau mỗi chu kỳ sản xuất, dẫn đến khó khăn, thiếu hụt vốn sản xuất của dự án; giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng cao.

Bên cạnh đó, một số dự án, DN đã giãn khấu hao và tái cơ cấu lại các khoản nợ vay, song vẫn còn một số các dự án, DN chưa được xử lý nên tiếp tục gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn tài chính cho các hoạt động để xử lý các tồn tại, vướng mắc cũng như sắp xếp vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi...). Đáng chú ý, một số dự án, DN đã bị âm vốn chủ sở hữu nên gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn kinh phí để thực hiện các công việc nhằm khởi động, vận hành lại nhà máy và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS).

Nhắc tới vấn đề nợ nần, mới đây, Vinachem đã có báo cáo tình hình trả nợ vay đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình. Theo Vinamchem, đơn vị này không thanh toán đủ nợ đến hạn khoản vay đầu tư Dự án cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Cụ thể, trong giai đoạn 2008 – 2010, Vinachem ký hai hợp đồng vay vốn với tổng số tiền cam kết cho vay là 3.340 tỷ đồng và 76 triệu USD (tương ứng 4.7770 tỷ đồng). Dư nợ hai hợp đồng tín dụng này đến ngày 31/8/2018 đạt 2.658 tỷ đồng và 1,69 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, số tiền phải trả theo thông báo của VDB bao gồm tiền gốc phải trả, tiền lãi phát sinh trong tháng 9 và gốc, lãi quá hạn chưa trả từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay tổng cộng là 473,3 tỷ đồng và 324.700 USD. Tuy nhiên, Vinachem mới trả nợ gốc được 50 triệu đồng và 324.700 USD. "Do tình hình tài chính hiện nay rất khó khăn, Tập đoàn không có đủ khả năng thu xếp nguồn tiền để trả nợ toàn bộ các khoản vay đến hạn cho VDB trong năm 2018. Tập đoàn chỉ thu xếp được để trả VDB một phần nợ gốc và lãi vay đến hạn", báo cáo của Vianachem nêu rõ.

Ông Hưng đánh giá: “Các dự án đều là các dự án đầu tư lớn, thực hiện kéo dài trong nhiều năm và phát sinh nhiều vấn đề về chêch lệch tỷ giá, khấu hao, chi phí tài chính..., cùng với đó là phải xem xét, bảo đảm xử lý tổng thể các vấn đề về công ăn việc làm cho người lao động, ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh... nên để tiếp tục xử lý triệt để các dự án trong thời gian tới là không đơn giản. Điều này đòi hỏi phải huy động được nguồn lực và tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu, giải pháp, phương án xử lý đã đề ra”.

Xoay quanh vấn đề giải quyết 12 dự án, DN thua lỗ ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Dự án đạm Ninh Bình là dự án có nhiều vướng mắc, phức tạp, “sức khỏe” đang có vấn đề nhất. Hiện nay, tổng thể nội dung cần xử lý của dự án này có 8 nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Chính phủ giao, đã triển khai 5 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ quan trọng như tái cơ cấu bộ máy tổ chức của nhà máy, tiết giảm chi phí, tiếp tục củng cố năng lực của đội ngũ quản lý... để đảm bảo sản xuất ổn định và tham gia được thị trường. Tuy nhiên, có 3 nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ quan trọng vẫn chưa thực hiện được. Nhấn mạnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, nỗ lực giải quyết dứt điểm các vấn đề của dự án đạm Ninh Bình nói riêng và các dự án khác nói chung, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn cho hay: “Trong Ban chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương, chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm trong bất kỳ hoạt động nào trong xử lý những vướng mắc, tồn tại của những dự án này”.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/diem-mat-thach-thuc-go-kho-12-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong.aspx