Điểm 'nghẽn' ngoại giao văn hóa

Ngoại giao văn hóa với đặc thù sử dụng văn hóa là công cụ, phương tiện để đạt được mục tiêu đối ngoại luôn được xem là một trong các trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam.

Ý thức được tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh phải tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức.

Một tiết mục biểu diễn trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga. Ảnh: baoquocte.vn

Một tiết mục biểu diễn trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga. Ảnh: baoquocte.vn

Thế nhưng trên thực tế, nhiều ý tưởng, kế hoạch nâng tầm ngoại giao văn hóa không được như mong muốn. Nguyên nhân được chỉ ra là kinh phí còn hạn hẹp; chưa hình thành cơ chế điều phối hiệu quả; hình thức, tổ chức hoạt động ngoại giao văn hóa chưa có nhiều đổi mới sáng tạo.

Kinh phí hạn hẹp khiến chúng ta khó mở rộng các hoạt động ngoại giao văn hóa như cách làm của các nước phát triển. Khắc phục bằng cách nào? Huy động nguồn lực từ xã hội là hướng đi đúng đắn, nhưng trong xã hội vận hành, chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường, kêu gọi nguồn lực xã hội bỏ kinh phí thì phải có cơ chế, chính sách để bên đầu tư thu về lợi ích. Những tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ có các đơn vị kinh doanh trong ngành du lịch, hàng không, thủ công mỹ nghệ... tài trợ ít nhiều bởi họ hưởng lợi trực tiếp. Nhưng nếu kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động ngoại giao văn hóa như một chương trình hay dự án dịch và xuất bản sách văn hóa, văn học, lịch sử Việt Nam chắc chắn sẽ rất khó khăn. Đây là “điểm nghẽn” không chỉ trong ngoại giao văn hóa mà còn là khó khăn chung của lĩnh vực văn hóa khi kêu gọi nguồn lực phát triển. Giải pháp có thể thực hiện được ngay mà các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng là miễn thuế, giảm thuế nếu khối tư nhân đầu tư, tài trợ.

Tuy nhiên, kinh phí không phải là trở ngại duy nhất. Làm sao để hoạt động ngoại giao văn hóa đạt hiệu quả cao là một vấn đề hóc búa. Chúng ta đã nhiều lần tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) nhưng hiệu quả rất khiêm tốn. HANIFF vẫn đi theo lối mòn, thiếu chuyên nghiệp, không thực chất. Điều cần nhất của một liên hoan phim là sự xuất hiện của các minh tinh trong các bộ phim “bom tấn”, những nhà sản xuất hàng đầu để công chúng toàn cầu dõi theo, những hợp đồng rót vốn được ký kết... thì sau nhiều lần tổ chức HANIFF vẫn chưa làm được; nên không chỉ khiến danh tiếng, thương hiệu HANIFF nhạt nhòa mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển điện ảnh nước nhà.

Hiệu quả thực chất là điều chúng ta mong muốn ở các hoạt động ngoại giao văn hóa. Đầu tư kinh phí gắn với “thước đo” hiệu quả cần phải được tính đến. Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức một số hội nghị quảng bá văn học, nhưng từ hội nghị đến hiện thực hóa bằng số lượng đầu sách dịch là bao nhiêu? Có nên tiếp tục duy trì hình thức hội nghị không, hay thay vào đó kinh phí sẽ chuyển sang đầu tư cho các dịch giả chuyển ngữ và gửi ấn phẩm dịch đến các hội chợ sách, trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện hàng đầu thế giới?

Vẫn biết đổi mới sáng tạo các hoạt động ngoại giao văn hóa, không giẫm lên lối mòn là việc không hề dễ dàng. Thế nên không ít cá nhân, tổ chức có trách nhiệm ngại khó, ngại khổ. Bản thân hiệu quả ngoại giao văn hóa khó có thể thấy ngay kết quả nếu so sánh với các hoạt động mang tính kinh tế như hội chợ hàng hóa, hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại... Ngoài quyết tâm, cách làm bài bản, khoa học, rất cần sự kiên trì, chung tay của cả cộng đồng để mở điểm nghẽn, dành nguồn lực xứng đáng cho ngoại giao văn hóa, quảng bá văn hóa, con người Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế quốc gia.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/diem-nghen-ngoai-giao-van-hoa-671584