'Điểm nghẽn' nhận thức về phát triển bền vững khu công nghiệp

Có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững (PTBV), chỉ có 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đang có 'điểm nghẽn' về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc PTBV.

Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy PTBV KCN Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 28/3, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cả nước đã có 418 KCN đã thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu. Trong số 298 KCN đã đi vào hoạt động, có 272 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.

Lãnh đạo VCCI đặc biệt nhấn mạnh việc PTBV các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam…

Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, năm 2022, Hội đồng doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD-VCCI) cùng tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện 1 nghiên cứu, khảo sát thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 KCN trên cả nước.

Kết quả chỉ ra rằng tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp, có chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để bảo đảm tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro bảo đảm tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, nhận thức về KCN PTBV còn yếu khi kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN PTBV, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN PTBV cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

“Kết quả của nghiên cứu cũng phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc PTBV các KCN. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Trước thực tế này, VCCI đã đồng hành cùng các cơ quan Bộ, ngành liên quan xây dựng những bộ chỉ số có ý nghĩa hết sức quan trọng, như Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) ra mắt năm 2016. Đây là công cụ hỗ trợ quản trị DN bền vững cho chính các DN Việt Nam.

Bên cạnh CSI, VCCI còn cho ra mắt Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 mà nay đã trở thành một công cụ quan trọng để khuyến khích và thúc đẩy cải cách ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương về công tác điều hành kinh tế. Mới đây nhất, VCCI cũng cho ra mắt Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) ra mắt năm 2023, là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh. “Những khuyến nghị từ Diễn đàn sẽ là đầu vào hữu ích để VCCI cùng các chuyên gia, các cơ quan liên quan khởi tạo thêm những ý tưởng mới, sáng kiến mới, đề án mới giúp thúc đẩy PTBV các KCN tại Việt Nam…” - Lãnh đạo VCCI kỳ vọng.

My My

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/diem-nghen-nhan-thuc-ve-phat-trien-ben-vung-khu-cong-nghiep-post507958.html