Điểm nhấn nghệ thuật tại triển lãm điêu khắc 'Hà Nội - Sài Gòn'

Triển lãm điêu khắc 'Hà Nội - Sài Gòn' mang đến nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, cùng không gian trưng bày ấn tượng và giàu cảm xúc.

Triển lãm mang đến cho khán giả một hành trình nghệ thuật lôi cuốn, mở đầu bằng các tác phẩm đối lập từ hình khối, màu sắc, chất liệu độc đáo.

Hai tác phẩm bằng chất liệu sắt hàn Không gian tâm tưởngVẫy vùng của tác giả Thái Nhật Minh tạo cảm giác vững chãi nhờ bố cục đăng đối, cân bằng cùng sự giản lược về hình thể. Trong khi đó, tác phẩm Cao ốc của tác giả Nguyễn Hoài Huyền Vũ sử dụng chất liệu gỗ với nhiều khối diện tam giác màu sắc tươi tắn, mang đến cảm giác về sự năng động và hiện đại.

Ba tác phẩm được đặt cạnh nhau làm nổi bật cá tính sáng tạo của từng tác giả, đồng thời tạo nên tổng thể đầy sức hút ngay khi khách tham quan bước chân vào triển lãm.

Tác phẩm Đỏ và đen của nghệ sĩ Hoàng Tường Minh nổi bật ở khu vực trung tâm nhờ sự kết hợp của sắc màu đối lập, tạo hình giản đơn, thanh thoát. Bên cạnh đó, tác phẩm Thứ Tỷ - hình ảnh một chú bé dân tộc của tác giả Phạm Thái Bình tạo ấn tượng mạnh với người xem về kích thước. Khối tượng cao lớn được phủ sơn bóng bảy là một trong những điểm nhấn hút khách tham quan.

Bên cạnh hình khối, triển lãm điêu khắc “Hà Nội - Sài Gòn” mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật sự đa dạng của chất liệu. Các tác phẩm bằng chất liệu kim loại như sắt, inox, đồng chiếm số lượng lớn với nhiều đề tài phong phú.

Mưa nhiệt đới 2Mưa 1 của Vũ Bình Minh gây chú ý khi lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên. Tác phẩm thể hiện sự xoay chuyển của thời gian, không gian hay ý niệm về vận động vạn biến của cuộc sống.

Tác giả Khổng Đỗ Tuyền đem đến Chuyển động ở bên trong - một tuyên bố về khối, ánh sáng và chất liệu với cấu trúc vật chất chắc nịch, gai góc. Theo tác giả, Chuyển động ở bên trong thể hiện nguồn năng lượng bị dồn nén tới mức muốn bùng nổ.

Tác phẩm Chuyển động bên trong - tác giả Khổng Đỗ Tuyền.

Trong khi đó, các tác phẩm bằng đá tỏ ra thuyết phục từ hình khối cho tới cách xử lý bề mặt. Nổi bật nhất là ba tác phẩm cùng tên Quà của biển của Hoàng Mai Thiệp, được trưng bày liền kề tạo nên tổng thể hài hòa.

Tác phẩm Quà của biển - tác giả Hoàng Mai Thiệp.

Giữa các tác phẩm bằng composite hay chất liệu tổng hợp, nghệ sĩ trẻ Đỗ Hà Hoài (sinh năm 1994, Gia Lai) không chú trọng tạo hình đẹp hay ý nghĩa văn học. Anh đem đến một trải nghiệm mới mẻ về chất liệu qua cụm tác phẩm Dị ứng màu sắc - những thân người gầy còm nổi mụn như được dựng lên từ bọt xốp nhiều màu.

Tác phẩm Dị ứng màu sắc của Đỗ Hà Hoài.

Đáng chú ý trong loạt tác phẩm điêu khắc bằng gỗ là độ đôi Bố mẹ tôi, cái cuốc và cây cải bắp Bố mẹ tôi, cái xẻng và củ su hào của nghệ sĩ Kù Kao Khải. Tác phẩm nổi bật với biểu cảm mạnh mẽ toát lên từ lối tạo hình gồ ghề, thô ráp - một nét đặc trưng trong phong cách sáng tạo của tác giả.

Trong khi đó, bộ ba tác phẩm Mục ruỗng thể hiện những nỗ lực khám phá, tìm tòi táo bạo của nhà điêu khắc Trần An đối với bề mặt chất liệu.

Tác phẩm Bố mẹ tôi, cái cuốc và cây cải bắp - tác giả Kù Kao Khải và Mục ruỗng 3 - tác giả Trần An.

Điểm kết của hành trình nghệ thuật của triển lãm là tác phẩm Nắng xanh 1 Nắng xanh 2 - tác phẩm gốm và sơn đắp duy nhất tại triển lãm của tác giả Lê Lạng Lương. Sự tự do và bay bổng thể hiện qua tác phẩm như chính tâm tư của tác giả, trở thành cái kết mở cho cuộc triển lãm đánh dấu một thập kỷ hoạt động của nhóm nghệ sĩ Hà Nội - Sài Gòn.

Tác phẩm Nắng xanh 1 và Nắng xanh 2 của tác giả Lê Lạng Lương.

Hành trình thưởng lãm nghệ thuật tại VCCA để lại nhiều ấn tượng với các tác phẩm của các nghệ sĩ ở độ tuổi khác nhau, đến từ nhiều vùng miền. Mỗi tác phẩm được sắp đặt một cách khéo léo, tạo ra những khoảng trống năng động, giúp người xem có thể tự do nhìn ngắm từ nhiều góc độ, dễ dàng nắm bắt thông điệp mà các nghệ sĩ muốn gửi gắm.

Triển lãm điêu khắc “Hà Nội - Sài Gòn” diễn ra từ 18/9 đến 18/10, mở cửa tự do tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Vincom Mega Mall Royal City.

Thái Trà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-nhan-nghe-thuat-tai-trien-lam-dieu-khac-ha-noi-sai-gon-post1138941.html