Điểm nhìn người viết

Điểm nhìn là một thuật ngữ cơ bản của văn học chỉ vị trí đứng của tác giả từ đó nhìn ra vạn vật xung quanh. Nhưng ở đây tôi không đi sâu vào các thuật ngữ chuyên môn mà muốn bàn chuyện bếp núc của nghề viết từ bốn vị trí: Cao, thấp, ngang bằng và đối ngược.

Chuyện cao, thấp, ngang bằng hay đối ngược có lẽ nhiều người không để ý nhưng thực ra chúng rất quan trọng trong cảm quan, thái độ của người viết, thậm chí sẽ quyết định giọng điệu, cách tiếp cận vấn đề và tư tưởng tác phẩm.

Vị trí điểm nhìn cao là thế nào? Đó là cách nhìn nhận sự việc, con người từ cao trông xuống. Người viết không đứng cùng hàng với sự việc, hiện tượng, nhân vật ấy, anh ta đứng cao hơn và dõi xuống. Ấy là cách nhìn của người nghĩ rằng mình cao hơn nhân vật, cao hơn hoàn cảnh viết. Những chuyện này đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử văn học, ví dụ như nhà văn Chinua Achebe đã từng chỉ trích gay gắt tác phẩm "Giữa lòng tăm tối" của Joseph Conrad vì cho rằng nhà văn Anh gốc Ba Lan đã đứng ở điểm cao hơn để nhìn những bộ lạc người châu Phi. Đó là cái nhìn thực dân, cái nhìn của kẻ đi chinh phục, cho rằng mình văn minh, tiến bộ hơn và đi khai hóa những tộc người man dã.

"Giữa lòng tăm tối" là một tác phẩm nổi tiếng của Joseph Conrad và được hoan nghênh nhiệt liệt bởi cộng đồng da trắng nhưng tiếng nói phản đối của Chinua Achebe cũng rất mãnh liệt vì ông là một người châu Phi chính cống. Chinua Achebe cho rằng Joseph Conrad có thái độ phân biệt chủng tộc, dùng cái nhìn của kẻ bề trên với những chủng dân bị coi là thấp kém hơn.

Trường hợp của Joseph Conrad không phải là người đầu tiên hoặc cuối cùng. Ở vị trí được coi là cao hơn này, nhiều các cây bút ở nước lớn khi đi cùng đội quân xâm lăng hoặc chinh phục đã miêu tả người bản địa, phong tục và cảnh quan của họ với cái nhìn ngạo mạn, soi xét hoặc thiếu thiện cảm. Có thể những người ấy không trực tiếp nói ra nhưng cách hành văn, giọng điệu, từ ngữ hoặc một thái độ ngầm ẩn cũng đủ hiểu thế đứng của họ.

Nhà văn Akutagawa Ryunosuke, nhà văn Joseph Conrad và nhà văn Chinua Achebe.

Nhà văn Akutagawa Ryunosuke, nhà văn Joseph Conrad và nhà văn Chinua Achebe.

Không chỉ là ở các quốc gia khác nhau, nước lớn với nước nhỏ mà ngay ở trong một quốc gia tôi cũng nhìn thấy những điểm nhìn cao của một số người cầm bút. Một vài người ở thành thị khi viết về nông thôn hoặc miền núi, các vùng nghèo hơn, sự miêu tả của họ, dù ngầm ẩn một sự kín đáo, vẫn dễ dàng nhận ra sự cao ngạo, coi thường, chế giễu sự kém văn minh hay thô tục của người khác. Dưới mắt anh ta có rất nhiều người ngu dốt, lỗ mãng cùng nhiều sự hạn chế.

Anh ta nghĩ thế, viết thế mà không hiểu rằng với những người địa phương hoặc những vùng miền có những đặc trưng văn hóa riêng, họ cũng sẽ coi sự văn minh hoặc tân tiến của anh ta là quái dị hoặc ngược đời. Nếu như không di chuyển điểm nhìn đến những vị trí thích hợp, người ta rất khó thông cảm cho nhau, dù cơ bản viết lách là một nghề nhạy cảm và chứa đựng nhiều sự tinh tế.

Một kiểu điểm nhìn nữa là từ dưới trông lên. Đây là cái nhìn từ thấp hướng lên cao hoặc giả vờ như vậy. Đây thường là sự tụng ca thái quá hoặc tô hồng một cách không cần thiết. Một nhân vật, sự việc thông thường cũng được đẩy lên quá cao hoặc có khuynh hướng xu nịnh, gian dối hoặc có mục đích khác ngoài sự viết. Ngoại trừ sự ngây thơ và non yếu có thể xảy ra, sự nhìn từ dưới lên này thường cho cảm giác không trung thực hoặc khiên cưỡng. Đó là một kiểu nhìn không đủ khách quan và công bằng, thậm chí sự tin cậy thua cả cách thức từ trên trông xuống.

Điểm nhìn được hoan nghênh nhất là ngang bằng. Đó là cách nhìn khách quan với nhân vật, hiện tượng. Sự vật hiện tượng ở điểm nào thì ta ước tính tọa độ và nhìn đúng điểm ấy. Có thể người viết ở tầm và vị trí cao hơn nhưng để đảm bảo tính khách quan và chân thực cũng như độ thuyết phục, người viết sẽ điều chỉnh để có sự ngang bằng. Nếu cao hơn dễ dẫn đến thái độ ngạo mạn, nếu thấp hơn có thể rơi vào thế xu nịnh, giả dối.

Cách nhìn ngang bằng là sự ưa chuộng của đa số người viết. Khi ấy tác giả sẽ hòa đồng cùng với nhân vật, cuộc sống và bối cảnh xung quanh. Xuân Diệu đã từng viết một ý rất hay về điều này: "Tôi cùng xương thịt với nhân dân...". Nghĩa là tôi hòa đồng, tôi ngang bằng với đối tượng, tôi ở chính điểm cân bằng để tuôn lời.

Cách viết ở điểm ngang bằng thường được công chúng ưa thích, họ thấy tác giả nhập vai rất tốt và chân thực. Anh ta suy nghĩ, làm việc và hành động đúng như nhân vật nó phải thế, không cao hơn, thấp hơn hoặc ở trạng thái khác. Khi ấy tác phẩm sẽ thật và trúng, nhiều độc giả thường phục lăn là sao người viết lại viết đúng với tâm trạng và hoàn cảnh nhân vật đến thế. Ví dụ khi một công nhân hồi hộp nhận được công việc đầu tiên hoặc cô gái trẻ đón chờ những bình phẩm của gia đình bạn trai ở buổi ra mắt...

Tuy đứng ở vị trí ngang bằng để viết là sự lựa chọn của nhiều người nhưng không phải lúc nào cũng cứng nhắc một chỗ. Đôi khi cũng phải ở một điểm cao hơn trông xuống để thấy đủ bề rộng và bao quát hoặc từ thấp ngước lên để tỏ lòng kính trọng khi cần thiết. Lúc nào cũng cao vợi thì xa cách, luôn luôn dưới thấp thì tủi hèn, ngang bằng mọi lúc mọi nơi thì không phân biệt nổi sang hèn. Một sự uyển chuyển, phù hợp là điều cần thiết với mỗi đối tượng, hoàn cảnh hoặc thậm chỉ ở những tiểu cảnh trong cùng một tác phẩm. Người Việt có một câu rất hay nói về sự linh hoạt này:

"Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".

Ấy là có thể áp dụng ở trong những hoàn cảnh lưỡng nan, sự viết cũng phải có những điều chỉnh nhất định. Hoặc cách đây chưa lâu lắm, một đồng nghiệp của tôi là Nguyễn Vĩnh Nguyên đặt tên một tập sách có tiêu đề rất gợi: "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông". Cái "lưng chừng" này là một thái độ và có thể là điểm nhìn của người viết nữa. Lưng chừng cũng có thể hiểu là trung dung, cân bằng, từ một vị trí trung lập mà bao quát ra xung quanh.

Còn một điểm nhìn nữa tôi nghĩ cũng không thể bỏ qua. Đó là điểm nhìn đối ngược. Đó là cùng sự vật, hiện tượng ấy, người ta lại nhìn nó hoàn toàn ngược chiều với bản chất hoặc đối nghịch với một mô tả khác. Ví dụ một hiện tượng bên này coi là đen thì bên kia coi là trắng. Một hành động nhiều người cho là tốt thì những người khác lại cho là xấu.

Ngoài nguyên nhân có thể do nhận thức khác nhau thì cũng có trường hợp cố tình áp đặt hoặc chủ trương đi ngược đường. Lưu ý, cách nói ngược, làm ngược cũng là một trào lưu hoặc khuynh hướng đáng chú ý trong sự viết hiện nay. Vì sự ngược đường dễ được chú ý hoặc đơn giản người ta đã chán những thứ xuôi chiều.

Tôi rất thích truyện ngắn "Trong rừng trúc" của nhà văn Nhật Bản Akutagawa Ryunosuke. Truyện ngắn này kể về một vụ án mạng nhưng có tới bảy người kể khác nhau. Ở những tư thế, địa vị, hoàn cảnh và điểm nhìn khác nhau, mỗi người thuật lại câu chuyện theo cách riêng của mình, không ai giống ai hoặc trùng khít nhau, điều đó mang lại tính hấp dẫn cho tác phẩm và chứng minh cho luận điểm, cùng một sự việc hiện tượng, người ta có thể hoàn toàn có những cách hiểu và cách nhìn khác nhau, không thể có một thứ tuyệt đối duy nhất, ít nhất là trong văn học.

Tôi muốn tiếp tục câu chuyện về lời chỉ trích của Chinua Achebe ở phần đầu đối với Joseph Conrad. Chinua Achebe đã có một tác phẩm rất nổi tiếng là "Quê hương tan rã" miêu tả cuộc sống của những bộ lạc châu Phi quê hương ông. Ở cuốn sách này nhà văn nhìn cuộc sống của đồng bào của mình đúng ở cái tư thế của chính ông: Ngang bằng và cảm thông. Ông không cao ngạo hay khinh miệt với những phong tục tập quán có vẻ khác thường của các bộ tộc người Phi với phần còn lại của thể giới.

Tôi đã may mắn đọc cả hai tác phẩm của Joseph Conrad và Chinua Achebe và thích thú dù tôi không hoàn toàn đồng ý với Chinua Achebe khi ông cho rằng Joseph Conrad đã khinh miệt người châu Phi. Thử xem lại hoàn cảnh và địa vị của Joseph Conrad khi ấy mà xem, ông rất khó có một cái nhìn ngang bằng với các bộ tộc châu Phi.

Joseph Conrad khi ấy là công dân của đế chế Anh khi nó vào thời kì đỉnh cao nhất, nước Anh sở hữu nhiều thuộc địa và là quốc gia hùng mạnh bậc nhất đang đi chinh phục cả thế giới. Joseph Conrad không thể làm được như Chinua Achebe khi viết về châu Phi. Vì thế có thể nói "Giữa lòng tăm tối" phần nào đối lập với "Quê hương tan rã" ở vị trí người viết. Tất nhiên sự so sánh này là khập khiễng và không tương xứng nhưng nó cho thấy một sự đối chiếu thú vị về những điểm nhìn khác nhau.

Điểm nhìn, bây giờ thì đọc xong bài viết thì một số người đã có thể đã quan tâm và suy nghĩ trong một phút về vị trí của mình trước khi đặt bút. Chúng ta đang ở điểm nhìn nào để viết về điều ấy đây: Cao, thấp, ngang bằng hay đối ngược?

Tôi nghĩ đây không hề là một chuyện nhỏ.

Uông Triều

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/diem-nhin-nguoi-viet-597696/