Điểm nóng đảo Rắn và nỗ lực giành quyền kiểm soát biển Đen

Việc Nga có thể thiết lập hệ thống bảo vệ quân đội đang đóng ở đảo Rắn và củng cố lực lượng sẽ đặt ra thách thức lớn cho Ukraine, các nước xung quanh và cả NATO.

Ngay từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, đảo Rắn đã được coi là một vị trí quan trọng. Hòn đảo khô cằn sỏi đá tưởng chừng không có gì nổi bật ở biển Đen này bị Nga chiếm giữ và trở thành một trận địa có giá trị chiến lược, theo BBC.

Moscow tuyên bố Ukraine đã hứng chịu những tổn thất thảm hại trong nỗ lực tái chiếm hòn đảo bất thành, bao gồm tổn thất về lực lượng đặc nhiệm, máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái. Ukraine khẳng định họ đã hạn chế tấn công các cơ sở trên đảo và tàu thuyền.

Thông tin tình báo từ Bộ Quốc phòng Anh nói trận chiến vẫn chưa kết thúc, Nga đang liên tục cố gắng củng cố các cơ sở bị lộ.

Đảo Rắn, hay đảo Zmiinyi, có diện tích chỉ khoảng 1 km2 nhưng tầm quan trọng của nó đối với việc kiểm soát phía tây biển Đen là điều rõ ràng. Việc Moscow củng cố hiện diện quân sự tại đảo Rắn sẽ đặt ra thách thức lớn cho Ukraine và các nước láng giềng cũng như NATO, cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế.

 Ảnh chụp từ video được ghi lại bằng drone hôm 8/5 cho thấy một đám cháy trên đảo Rắn của Ukraine. Ảnh: Reuters.

Ảnh chụp từ video được ghi lại bằng drone hôm 8/5 cho thấy một đám cháy trên đảo Rắn của Ukraine. Ảnh: Reuters.

Thách thức chiến lược

“Nếu quân đội Nga thành công trong việc chiếm đóng đảo Rắn và thiết lập hệ thống phòng không tầm xa, họ sẽ kiểm soát vùng biển, đất liền và trên không ở phía tây bắc biển Đen lẫn phía nam Ukraine”, chuyên gia quân sự Ukraine Oleh Zhdanov nói với BBC.

Điều này giải thích lý do soái hạm Moskva của Nga đã lên đường đến đó trong vòng vài giờ sau khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" bắt đầu, yêu cầu lính Ukraine trên đảo đầu hàng. Hòn đảo bị chiếm giữ, nhưng tàu Moskva chìm vài tuần sau đó.

Việc mất Moskva đồng nghĩa các tàu tiếp tế của Nga tới hòn đảo này giờ đây chỉ được bảo vệ sơ sài, phía Anh nhận định. Tuy nhiên, nếu Nga có thể củng cố bố trí lực lượng của họ ở đảo, nước này có thể thống trị một phần lớn biển Đen.

Ukraine đã phải đóng cảng tại Odesa, đình chỉ xuất khẩu ngũ cốc quan trọng, nhưng ông Zhdanov lo ngại hòn đảo này cũng có thể được sử dụng như một chiến tuyến thứ hai.

"Nếu Nga thành công trong việc lắp đặt các hệ thống phòng không tầm xa thì họ sẽ có thể bảo vệ hạm đội của mình, giúp họ tiếp cận bờ biển của Ukraine”, ông giải thích.

Điều này cũng sẽ tạo cơ hội cho quân đội Nga tiến vào Transnistria, lãnh thổ ly khai của Moldova do Nga kiểm soát, nằm cạnh Ukraine và không xa Odesa.

Vị trí của đảo Rắn trên biển Đen. Đồ họa: CNN.

Tuy nhiên, đảo Rắn chỉ cách bờ biển của Romania - thành viên NATO - 45 km.

Nhà phân tích hải quân Anh Jonathan Bentham tin rằng hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trên hòn đảo này sẽ là một "yếu tố lớn thay đổi cuộc chơi". Nếu Nga có thể triển khai một hệ thống tên lửa, không chỉ Odesa bị đe dọa mà cả sườn phía nam của NATO cũng sẽ bị đe dọa, nhà sử học Romania Dorin Dobrincu cảnh báo.

“Điều này rất quan trọng không chỉ đối với chính phủ và người dân Romania, mà còn đối với toàn bộ liên minh. Nga sẽ có thể phá hủy các thành phố và khả năng quân sự ở phía đông lãnh thổ của chúng tôi”, ông nói

Rủi ro kinh tế

NATO đã củng cố biên giới của Romania từ khi bắt đầu cuộc chiến, gửi các lực lượng của Bỉ và Pháp đến đó. Thế nhưng, ngoài mối đe dọa tại biên giới, Romania cũng đối mặt với rủi ro kinh tế lớn.

Đảo Rắn nằm gần cửa sông Danube, nơi phân định biên giới của Romania với Ukraine. Cảng Constanta trên biển Đen của Romania nằm không xa về phía nam và đã tiếp nhận các tàu container không còn khả năng đi thuyền đến Odesa.

Nhà phân tích chính trị - quân sự người Nga Alexander Mikhailov tin rằng quân đội trên đảo Rắn có thể kiểm soát giao thông vào phía tây bắc biển Đen và đồng bằng sông Danube - cửa ngõ vào phía đông nam châu Âu. Ông nói với truyền thông Nga: “Nếu có một căn cứ quân sự hoặc cơ sở hạ tầng quân sự, thì có thể chặn các con tàu đi vào sông cũng như rời đi”.

Romania tin rằng Nga có thể quyết định sáp nhập hòn đảo và kiểm soát nhiều nhất có thể các tuyến đường vận chuyển trên biển Đen hướng tới eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hình ảnh chụp từ trên không cho thấy máy bay không người lái Bayraktar của Ukraine dùng tên lửa tấn công tàu đổ bộ của Nga tại đảo Rắn hôm 7/5. Ảnh: BBC.

Về mặt lịch sử, đảo Rắn là lãnh thổ của Romania cho đến khi nó được nhượng lại vào năm 1948 cho Liên Xô, và được sử dụng làm căn cứ radar. Bucharest đã chấp nhận thỏa thuận này khi Romania chịu ảnh hưởng của Liên Xô cho đến năm 1989.

Ukraine nắm quyền kiểm soát hòn đảo khi Liên Xô tan rã, và cuối cùng vào năm 2009, Tòa án Công lý Quốc tế đã vạch ra giới hạn lãnh thổ của hòn đảo, trao cho Romania gần 80% thềm lục địa biển Đen gần hòn đảo và Ukraine phần còn lại.

Đảo Rắn và khu vực xung quanh không chỉ có mục đích sử dụng chiến lược, mà còn rất giàu hydrocacbon. Vì vậy, phán quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế đồng nghĩa cả hai quốc gia đều sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt.

Đảo Rắn thoạt nhìn có vẻ chỉ là một mỏm đất đá ít giá trị rõ ràng, nhưng thực chất số phận của nó là một yếu tố chính trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Nga tung video trực thăng Ka-52 bắn tên lửa tấn công mục tiêu Ukraine Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/5 công bố video trực thăng tấn công Ka-52 tác chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, địa điểm ghi hình của video chưa thể được kiểm chứng.

Hồng Ngọc (Theo BBC)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-nong-dao-ran-va-no-luc-gianh-quyen-kiem-soat-bien-den-post1316723.html