Điểm nóng không thể bị lãng quên

'Cần tái khởi động đàm phán Palestine - Israel' - cộng đồng quốc tế kêu gọi. Dưới chân ngôi thành cổ Jerusalem và trên Dải Gaza, những ngọn lửa hận thù chưa từng bị dập tắt và hiện vẫn lại đang rực lên nóng bỏng, kể từ cuối tháng 1/2023.

1. Ngày 3/2, trong một tuyên bố chính thức, Liên đoàn Arab (AL) đã lên án vụ tấn công của những người định cư Do Thái vào một nhà thờ ở thành cổ Jerusalem. Cụ thể: 3 người định cư Do Thái cực đoan đã xông vào nhà thờ Kết án, tương truyền là nơi Chúa Jesus bị tra tấn và kết án tử hình trên cây thánh giá, nằm trong khu quần thể thành cổ Jerusalem, đập vỡ tượng Chúa Jesus và định phóng hỏa nơi này.

Nhận định về sự việc ấy, Trợ lý Tổng thư ký AL phụ trách các vấn đề Palestine Saeed Abu Ali nói rằng phía Israel phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhắm vào các thánh địa của người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo trên lãnh thổ Palestine nói chung, cũng như tại Jerusalem nói riêng. Theo ông, những động thái này nhằm Do Thái hóa và thay đổi các đặc điểm nhân khẩu học của các khu vực bị chiếm đóng.

Điểm nóng chưa bao giờ thực sự bị dập tắt.

Ông kêu gọi đưa những thủ phạm vụ phá hoại nhà thờ này ra pháp luật, kêu gọi các tổ chức quốc tế có liên quan phá bỏ sự im lặng và áp dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ các địa điểm tôn giáo. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo: Việc giữ im lặng trước những vi phạm trắng trợn của các lực lượng vũ trang Israel và những người định cư Do Thái sẽ khuyến khích họ tiếp tục tấn công vào các thánh địa.

Hiển nhiên, đây là những hành động mang tính khiêu khích cao độ, đặc biệt là tại một khu vực cực kỳ nhạy cảm bởi các xung đột tôn giáo - tín ngưỡng tồn tại suốt hàng nghìn năm qua, như Đất Thánh.

Đó cũng là lý do để trước 1 ngày, ngày 2/2, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố trong cuộc hội kiến với Quốc vương Jordan Abdullah II (đang đến thăm Washington): Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ủng hộ việc giữ nguyên hiện trạng khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqssa (mà Israel gọi là Núi Đền) tại Jerusalem.

Khu đền Al-Aqsa/Núi Đền nằm ở Đông Jerusalem - vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập sau đó. Khu vực này là tâm điểm của nhiều làn sóng bạo lực giữa người Do Thái ở Israel và người Hồi giáo.

Theo quy ước lâu nay, người Do Thái được phép thăm khu đền nhưng không được cầu nguyện tại đó. Song, tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir đến khu vực này, làm dấy lên làn sóng phản đối từ các nước Arab. Ngày 8/1, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) lên tiếng, cho rằng những động thái của Israel là nhằm thay đổi tình trạng pháp lý và lịch sử của địa điểm tôn giáo linh thiêng ấy, thậm chí có thể châm ngòi các xuộc xung đột mới.

2. Đó hoàn toàn không phải là viễn cảnh quá xa xôi hay phi thực tế.

Cho dù vào thời điểm OIC lên tiếng, giới chức Israel cũng đáp lại rằng Thủ tướng Israel mới tái cử Benjamin Netanyahu cam kết “nghiêm túc giữ nguyên hiện trạng" tại khu đền thờ Al-Aqssa/Núi Đền, thì thực tế, kể từ khi chính phủ mới của ông Netanyahu nắm quyền, giới quan sát quốc tế đã hết sức quan ngại, bởi quan điểm cứng rắn của tân Thủ tướng Israel là điều không còn xa lạ, kể từ những nhiệm kỳ trước. Không ngoài dự đoán, tình hình Trung Đông cũng như mối quan hệ Palestine - Israel nhanh chóng vọt lên những tầng mức căng thẳng mới.

Ngày 10/1, Quốc hội Israel tiến hành bỏ phiếu, khôi phục một đạo luật cho phép những người định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng quyền hưởng luật dân sự, trong khi người Palestine tại đây phải đưa ra xét xử ở tòa án quân sự. Đạo luật này từng được gia hạn nhiều lần kể từ khi Israel chiếm vùng lãnh thổ này của Palestine trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và đã vấp phải trở ngại vào tháng 6/2022, góp phần dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ tiền nhiệm.

Sau diễn biến này, ngày 17/1, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Quốc vương Jordan Abdullah II kêu gọi Israel chấm dứt mọi hành động đơn phương bất hợp pháp, vốn đang làm suy yếu giải pháp hai nhà nước cũng như các cơ hội đạt được hòa bình công bằng và toàn diện.

3 nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các quyền hợp pháp của người Palestine và thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới ngày 4/6/1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Sáng kiến Hòa bình Arab. Trong khi đó, khoảng 40 quốc gia thành viên Liên hợp quốc ngày 16/1 đã kêu gọi Israel dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Palestine.

Song, đến khi khép lại, tháng 1/2023 đã trở thành tháng đẫm máu nhất tại Bờ Tây và Jerusalem trong nhiều năm qua với các vụ xung đột bạo lực và tấn công giữa người Israel và người Palestine, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Sau khi chính phủ mới tại Israel lên nắm quyền, quân đội nước này tuyên bố tăng cường mở các đợt truy quét ở các thành phố Jenin và Nablus nhằm "bắt giữ các phần tử thánh chiến Hồi giáo”. Ngày 25/1, các binh sĩ Israel đột kích vào một trại tị nạn ở Jenin. Va chạm khiến 9 người Palestine thiệt mạng và 20 người bị thương. Hệ quả của nó là việc chính quyền Palestine (PA) tuyên bố chấm dứt hợp tác an ninh với Israel, nghĩa là các diễn biến tại Đất Thánh lại càng trở nên mất kiểm soát. 2 ngày sau, tối 27/1, một người Palestine đã xả súng vào đám đông các tín đồ Do Thái bên ngoài giáo đường tại khu định cư Neve Yaakov ở Jerusalem, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và 10 người bị thương.

Trong vòng 24 giờ sau đó, liên tiếp xảy ra 3 vụ tấn công khác nhằm vào người Israel. Cảnh sát Israel lập tức mở một cuộc càn quét lớn tại Bờ Tây và bắt giữ hàng chục đối tượng người Palestine, đồng thời áp dụng một loạt biện pháp mạnh.

Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của người Palestine nhằm giành “căn cước quốc gia” chính thức cho dân tộc mình.

Nhưng, căng thẳng vẫn tiếp diễn. Rạng sáng 2/2, các máy bay chiến đấu Israel tấn công Dải Gaza, nhằm đáp trả một vụ phóng tên lửa trước đó và nhắm mục tiêu vào các trại huấn luyện quân sự của phong trào Hamas. Từ Gaza, nhiều rocket cũng được phóng lên “ứng chiến”, hướng về phía lãnh thổ Israel.

3. Trong thông cáo báo chí ra ngày 28/1, chính quyền Palestine (PA) cho rằng tình trạng leo thang nghiêm trọng hiện nay xuất phát từ việc Israel tiếp tục xây khu định cư, sáp nhập đất đai và phá hủy nhà cửa của người Palestine, “hậu quả của sự vi phạm cam kết về thực hiện các thỏa thuận hòa bình đã ký và vi phạm các nghị quyết quốc tế”.

Trong cuộc hội đàm ngày 31/1 tại Moscow với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tái khẳng định: Cần sớm nối lại công việc của nhóm Bộ tứ trung gian hòa giải quốc tế (gồm Mỹ, Nga, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu) cũng như phối hợp chặt chẽ với bất kỳ quốc gia Arab nào liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc khi đến nay vẫn chưa có tiến triển nào trong lĩnh vực này. Hai vị đứng đầu ngành ngoại giao Nga và Ai Cập cũng nhất trí: Phải khởi động lại cuộc đàm phán Palestine - Israel càng sớm càng tốt, nhằm giải quyết vấn đề mấu chốt về tư cách quốc gia của Palestine, cũng như đạt được giải pháp toàn diện dựa trên khuôn khổ pháp lý được quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, đây lại vẫn chính là những khúc mắc không thể được xử lý triệt để suốt những thập kỷ qua. Bởi, rất dễ hiểu, “giải pháp hai nhà nước” đã từng bị chính nước Mỹ “quay lưng” và tìm cách thay thế bằng “kế hoạch hòa bình mới” cho Trung Đông dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - một dự án mà nói ngắn gọn là thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Hồi giáo Arab láng giềng, đồng thời dùng các lợi ích phát triển kinh tế che khuất những đòi hỏi về quyền lợi của phía Palestine.

Đơn cử, đến ngày 2/2, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen thông báo Israel và Sudan đã nhất trí ký kết một thỏa thuận để bình thường hóa quan hệ song phương trong năm 2023. Như vậy, sau Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Morocco, Sudan là quốc gia Hồi giáo Arab thứ tư chính thức chấp nhận “mở đường” cho Israel thoát khỏi thế bị cô lập.

Ngay cả khi chưa đạt được điều đó trong suốt nửa cuối thế kỷ trước (và chỉ có một hậu thuẫn vững vàng - chính là nước Mỹ), Israel đã luôn tỏ ra không khoan nhượng. Vậy thì, ở thời điểm hiện tại, nhà nước Do Thái lại càng thêm tự tin để thực hiện những biện pháp cứng rắn.

Tại cuộc họp nội các khẩn cấp sau vụ tấn công tại thánh đường Do Thái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: Câu trả lời đối với các vụ tấn công nhằm vào Israel "là một bàn tay sắt, cùng những phản ứng mạnh, nhanh và chính xác”. Các bộ trưởng Israel cũng đề xuất tăng cường cấp phép xây dựng các khu định cư mới ở Bờ Tây, nơi người Palestine dự kiến sẽ là trung tâm của một nhà nước trong tương lai. Bất kể sự phản đối của cộng đồng quốc tế ngay từ khi những khu định cư đầu tiên như thế được xây dựng, quá trình này vẫn liên tục được phía Israel thúc đẩy. Do đó, “tư cách quốc gia” của Palestine, với những vùng lãnh thổ hợp pháp ngày càng bị xói mòn, vẫn luôn chỉ là các giả định.

Và, “cái vòng bạo lực luẩn quẩn” vẫn lại tiếp nối, với lời kêu gọi người Palestine “vùng lên phản kháng”, đến từ phong trào vũ trang Hamas tại Dải Gaza và Phong trào thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) tại Bờ Tây.

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/diem-nong-khong-the-bi-lang-quen-i683101/