'Điểm nóng' mới trong đợt dịch Covid-19 đang bùng phát

Trong thời gian ngắn, Gia Lai ghi nhận 13 người nhiễm SARS-CoV-2. Vì vậy, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị cùng hỗ trợ tỉnh tăng tốc truy vết trước nguy cơ cao hiện nay.

Chiều 2/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục họp trực tuyến với các điểm cầu của nhiều tỉnh, huyện có dịch Covid-19.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đặc biệt, kết quả giải trình tự gene từ các bệnh nhân này cho thấy biến chủng B117 xuất xứ từ Anh đang lưu hành tại nước ta. Biến chủng này lây lan nhanh khiến tình hình dịch nghiêm trọng hơn.

Gia Lai được đánh giá là “điểm nóng” mới của đợt dịch này. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế tập trung bàn giải pháp chống dịch đối với tỉnh này. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tỉnh cần triển khai các biện pháp nhanh, mạnh và dứt khoát để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy bày tỏ quan ngại khi đây là lần đầu tiên Gia Lai có ca lây ra cộng đồng và chưa có kinh nghiệm truy vết cộng đồng.

“Gia Lai là tỉnh nguy cơ nhất so với các tỉnh còn lại. Ca đầu tiên của Gia Lai xuất phát từ ngày 18/1. Đến nay đã qua 14 ngày, với chu kỳ lây khoảng 3-4 ngày, Gia Lai phải trải qua 4 chu kỳ”, ông Duy nói.

 Các chuyên gia dành nhiều thời gian để chỉ đạo Gia Lai chống dịch. Ảnh: Phạm Thắng.

Các chuyên gia dành nhiều thời gian để chỉ đạo Gia Lai chống dịch. Ảnh: Phạm Thắng.

Tăng tốc truy vết F1

Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh Gia Lai phát hiện hai ca bệnh đầu tiên từ Nam Sách, Hải Dương về ở huyện Gia Lai, sau đó dịch lan ra 3 huyện.

Tỉnh lấy mẫu, truy vết 1.007 trường hợp F1, 634 trường hợp F2 đã được ngành y tế lấy mẫu. Hiện tổng số mẫu được lấy là 6.500, trong đó, 13 trường hợp dương tính.

Về tần suất xét nghiệm, Gia Lai đạt 200 mẫu/ngày và phải nhờ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ, nâng năng lực xét nghiệm lên 700 mẫu/ngày. Theo ông Hải, dự kiến ngày mai lấy hết 1.500 mẫu người nhà, bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (300 nhân viên y tế).

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết đặc thù của Gia Lai là các trường hợp nhiễm Covid-19 đều không có triệu chứng lâm sàng, duy nhất trường hợp có biểu hiện tiêu hóa nên bị chẩn đoán nhầm.

Hiện nay, đội truy vết hơn 200 người của Bộ Y tế và 50 người thuộc lực lượng y tế tại chỗ tiếp tục truy vết. Mỗi ngày, 300-400 đối tượng F1 được lấy mẫu làm xét nghiệm. Công suất xét nghiệm tại khu vực bốn huyện bảo đảm được.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, yêu cầu Gia Lai cần phải tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ, không vận chuyển mẫu bệnh phẩm đi vì liên quan an toàn sinh học trong bối cảnh chủng virus lây lan mạnh, rất nguy hiểm.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ băn khoăn về việc Gia Lai gửi mẫu sẽ quá trễ trong khi yêu cầu phải truy vết nhanh so với tốc độ lây lan của virus biến chủng.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Gia Lai đẩy nhanh tốc độ truy vết F1, cách ly tập trung và lấy mẫu toàn bộ F1. Đối với xét nghiệm, Bộ Y tế sẽ điều ngay Viện Pasteur TP.HCM với kinh nghiệm từng hỗ trợ Đà Nẵng lên chi viện Gia Lai, không chuyển mẫu lên tuyến trên. Trước mắt, tỉnh tập trung xét nghiệm F1, sau đó đến F2.

“Gia Lai đang tiến hành rất chậm chạp mặc dù đã có sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Do đó, Gia Lai phải nâng cao năng lực xét nghiệm để tăng tốc truy vết trước nguy cơ cao hiện nay. Về trang thiết bị, Bộ Y tế sẽ cấp đủ cả máy móc, trang thiết bị, máy thở cần thiết cho bệnh viện dã chiến tại Gia Lai chống dịch”, Bộ trưởng Long nói.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai bị phong tỏa sáng 2/2. Ảnh: L.T.

Dịch xâm nhập bệnh viện lớn nhất Gia Lai

Liên quan trường hợp được phát hiện mắc Covid-19 khi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Do đó, tỉnh Gia Lai đề nghị tiến hành phong tỏa cơ sở y tế này.

Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai lớn nhất tại địa phương này. Việc đóng cửa sẽ đặt ra bài toán với tỉnh Gia Lai. Do đó, bệnh viện cần phải cân nhắc việc cách ly toàn bộ bệnh viện. Theo đó, chỉ cần cách ly khoa Cấp cứu, Khám bệnh, Nội, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh - nơi bệnh nhân đã đến khám.

Về vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nói: “Bệnh viện đa khoa lớn nhất chưa vào trận đánh mà đã đóng cửa thì lấy chỗ nào để điều trị cho bệnh nhân. Ngay cả Bệnh viện Bạch Mai mặc dù từng bị phong tỏa, họ vẫn tiếp nhận điều trị những ca bệnh nặng".

Ông đề nghị những nơi bệnh nhân Covid-19 vào khám, bệnh viện cần tập trung khử trùng, xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế và thực hiện cách ly tập trung. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ giúp ngành y tế Gia Lai phân luồng, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn, báo cáo tình hình điều trị.

Ông Khuê chỉ đạo những nhân viên y tế cách ly phải thực hiện nghiêm. Những cán bộ y tế không thuộc diện cách ly phải tiếp tục đi làm. Đối với bệnh viện huyện, nếu cần thiết sẽ thành lập thêm bệnh viện dã chiến để giải tỏa bệnh nhân.

Kết luận về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai chỉ phong tỏa các khoa bệnh nhân từng đến.

“Hiện chưa có sự lây chéo trong bệnh viện nên không thể phong tỏa cả bệnh viện. Các bác sĩ, nhân viên y tế tiếp xúc bệnh nhân sẽ phải cách ly tập trung và yêu cầu khử trùng, làm sạch bệnh viện để bệnh viện hoạt động”, ông Long nói.

Đồng thời, ông yêu cầu Gia Lai phải xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngày mai, Bộ Y tế sẽ cử đoàn công tác của Bộ và các cán bộ y tế của BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai hỗ trợ cho Gia Lai. Bộ Y tế cũng sẽ cử đội truy vết của Đà Nẵng tới Gia Lai hỗ trợ.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Gia Lai tập trung thành lập một bệnh viện dã chiến tại trung tâm của tỉnh với công suất 200 giường bệnh, không thiết lập tại Bệnh viện huyện Yapa để tránh phân tán năng lực điều trị.

Hà Quyên - Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-nong-moi-trong-dot-dich-covid-19-dang-bung-phat-post1179978.html