Điểm nóng sập bẫy tín dụng đen, 30% số gia đình trong làng 'dính' lãi mẹ đẻ lãi khủng

Đi sâu vào tìm hiểu vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), chúng tôi liên tục nghe các gia đình nạn nhân nhắn đến một người đàn ông tên Thanh, một 'ông trùm' cho vay nặng lãi ở vùng quê này.

Cực kỳ tinh vi

Theo lãnh đạo xã Hiệp Thuận, đã có nhiều lá đơn của các gia đình nạn nhân gửi chính quyền để tố cáo hành vi “khủng bố”, ném “bom” bẩn, đánh đập, đe dọa của những “ông trùm” và tay chân các ổ nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi nhưng việc xử lý theo pháp luật là rất khó bởi thủ đoạn quá tinh vi.

Thủ đoạn tàn nhẫn nhất của các ổ nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi là rủ rê, lôi kéo đám thanh niên làng sa ngã, nợ nần sau đó tìm mọi cách đe dọa để nạn nhân bỏ nhà ra đi, cho chúng dễ bề siết nợ. Hàng loạt vụ “khủng bố” bằng chất bẩn nhắm vào gia đình các nạn nhân. Khi Hiệp Thuận trở thành điểm nóng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, Công an huyện Phúc Thọ đã có kế hoạch làm điểm bằng việc thành lập tổ 16 người xuống giải quyết. Tổ chức mật phục cả tháng trời nhưng lại chưa bắt được đối tượng nào.

“Thủ đoạn của các ổ nhóm thường “điều quân” chéo địa bàn. Chúng ít khi trực tiếp đòi mà cho người nơi khác đến, hành động rất chớp nhoáng nên rất khó cho lực lượng công an”, một cán bộ công an ở Hiệp Thuận tiết lộ.

“Bất cứ gia đình nào sập bẫy tín dụng đen, cho vay nặng lãi chỉ có một con đường là tán gia bại sản chứ không thể có cách nào thoát được”, ông Mâu Nhần Thuyết ở cụm 7, xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), một người cha có con trai đang phải bỏ trốn khỏi đám cho vay nặng lãi đúc kết đầy chua chát.

Ông Thuyết thu thập bằng chứng tố cáo các ổ nhóm tín dụng đen nhưng “công an nói tìm không ra các đối tượng”

Ông Thuyết nói rằng, ở làng này có khoảng 30% gia đình sập bẫy cho vay nặng lãi. Nhà ít cũng 100 triệu đồng, còn lại phần nhiều từ vài ba trăm cho đến tiền tỷ. Chủ yếu là vay mượn từ ổ nhóm của người đàn ông tên Thanh, ở ngay trong xã. Chiêu trò của những “ông trùm” là cho đám tay chân thường trực ở những tụ điểm ăn chơi, la cà khắp các quán sá, chi tiền hết sức dễ dàng, không cần bất cứ một thủ tục nào cả nên lôi kéo được rất nhiều người sập bẫy. Như thằng con trai ông Thuyết, mới 21 tuổi, trong thoáng chốc mang nợ xấp xỉ gần 1 tỷ đồng.

“Chả biết bọn nó rủ rê, lôi kéo kiểu gì mà thằng con tôi dám vay đến chừng đấy tiền. Chỉ đến lúc nó sợ quá bỏ trốn, điện về báo số nợ thì vợ chồng tôi mới biết. Thời điểm nó trốn, báo nợ có 700 triệu đồng, gia đình tôi phải bán 700m2 đất vườn được 400 triệu, bán 2 sào ruộng được 100 triệu, cắm sổ đỏ ngân hàng vay thêm 200 triệu để trả cho con. Tưởng thế là xong, ai dè, đến bây giờ, đã 5 lần tôi phải đi trả tiền cho bọn chúng mà vẫn chưa hết được”, ông Thuyết nói bằng giọng cay đắng xen lẫn sự sợ hãi.

Tìm hiểu thêm được biết, cung cách của các ổ nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi được thực hiện theo kiểu bốc họ. Trên giấy tờ người vay xác nhận 10 nhưng thực tế chỉ được nhận 7-8. Như con trai ông Thuyết, mỗi lần mượn tay chân của “ông trùm” Thanh 100 triệu đồng theo hình thức này thì chỉ nhận được 80 triệu đồng, phần còn lại bị khấu trừ luôn. Tiền lãi phải trả hàng ngày, dao động từ 5-8 nghìn đồng/một triệu. Chính vì vậy, khi vợ chồng ông trả xong 700 triệu đồng, tưởng đã có thể gọi con về nhưng các tay chân của “ông trùm” đến thông báo tổng cộng tiền lãi còn 300 triệu đồng nữa.

Đất bán rồi, sổ đỏ cắm rồi, xe máy, đồ đạc trong nhà bán đi cũng chỉ được vài ba chục triệu, bí bách quá ông Thuyết chỉ còn mỗi cách trực tiếp đến gặp những kẻ cho vay nặng lãi để cầu xin: “Tôi nói với bọn chúng là hết sạch, cùng kiệt quá rồi. Thôi chúng bây cho tao xin. Nhưng không được. Không trả nợ chúng lại dọa nạt rồi kéo đến nhà khủng bố. Đẻ con ra ai cũng xót, nhưng đến bây giờ tôi không gánh được nữa. Tôi nói với chúng muốn đâm thì đâm, chém thì chém chứ gia đình tôi không còn gì nữa cả”.

Nhưng như lời ông đã nói, đã dính vào cho vay nặng lãi rồi thì không “xin xỏ” đơn giản như thế được. Tháng trước, khi vợ ông đang bán thịt ngoài chợ thì một nhóm 2-3 đối tượng đi xe máy ấp vào ném thuốc trừ sâu với lưu huỳnh ngập cả phản thịt của bà nhà. Như cảm thấy vẫn còn chưa đủ sức răn đe, vẫn những thứ “bom bẩn” ấy chúng dội lên đầu bà, ướt đến tận chân. Ông Thuyết gọi điện lên huyện cầu cứu, cũng có đoàn về đo đếm thiệt hại, lập biên bản nhưng rồi không giải quyết bởi “công an nói không tìm được các đối tượng gây ra”.

Ông Thuyết đã gom chỗ chất bẩn cho vào bao tải làm chứng cứ

Chỉ một ngày sau cuộc điện thoại lên huyện của ông, bọn chúng lại tiếp tục khủng bố. Lần này “bom” bẩn được ném trực tiếp vào nhà. Cả một căn phòng ngập mùi thuốc sâu, lưu huỳnh khiến hai ông bà già gần như không thể thở. Chỗ nhà bếp bị ném chất bẩn, đã mấy ngày rồi nhưng khi chúng tôi vào vẫn một mùi khó thở, hôi thối còn chưa bay hết. Ông Thuyết đã gom chúng cho vào bao tải làm chứng cứ trình báo nhưng rồi lại “công an nói không tìm được các đối tượng gây ra”.

“Những bậc cha mẹ có con cái sa bẫy tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở làng này bây giờ đều lâm cảnh gia đình tôi cả. Sợ hãi, kiệt quệ nhưng không dám làm gì. Bọn nó toàn đầu xanh, đầu đỏ, sẵn sàng vác dao kiếm vào tận nhà chặt phá để đòi nợ. Ông em em vợ tôi, cả nhà cũng đang trốn biệt tăm vì trót dây phải đám này”, ông Thuyết bức xúc.

Siết cả ruộng vườn

Chưa có rà soát, thống kê chính thức về các ổ nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở Hiệp Thuận, nhưng theo một số cán bộ xã này, các đối tượng cầm đầu vừa là người địa phương, vừa từ nơi khác đến. “Bây giờ bọn nó ít treo biển ở các cột điện, tường rào mà chủ yếu thông báo các địa chỉ ngầm với nhau. Lúc nhận tiền, các con nợ thường được giới thiệu đến các địa điểm bí mật, giấy tờ vay mượn rất tinh vi nên không có bằng chứng xử lý. Còn những vụ khủng bố, đánh đập, thường khi công an xuống được đến nơi thì bọn chúng đã rút hết rồi”, ông Đỗ Mạnh Thắng, phụ trách công an xã Hiệp Thuận phân trần.

Khi những “ông trùm” các đường dây tín dụng đen, cho vay nặng lãi hoạt động ngày một tinh vi thì cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Cơn bão tín dụng đen, cho vay nặng lãi tiếp tục càn quét khắp miền quê như ở Hiệp Thuận. Những đứa trẻ mới lớn, mới chập chững vào đời trở thành con “hàng ngon” dễ nuốt của những ông trùm tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở đây.

Nhác thấy chúng tôi, những người lạ đến tìm, bà Đỗ Thị Hoan, ở thôn Hiệp Thuận đang ngồi võng vội bật dậy, hết sức hoảng hốt. Gia đình bà Hoan có 3 người con trai, đứa con cả và con út đều đi học, còn đứa đứa con thứ 2 bỏ học từ lớp 11, ở nhà đi học sửa chữa xe máy. Đã chứng kiến nhiều gia đình tan nát vì tín dụng đen, cho vay nặng lãi, nhưng bà Hoan không ngờ một ngày nó ập xuống chính gia đình mình: “Thường tôi thấy bọn chúng nhắm vào con cái những gia đình có điều kiện kinh tế để lôi kéo, nhưng thời gian gần đây thì bất kể. Nhiều gia đình nghèo nhưng nếu có đất đai, ruộng vườn thì y như rằng chúng tìm cách lôi kéo con em sa ngã”.

Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Hoan không thoát khỏi cơn bão tín dụng đen

Nhà bà Hoan còn nghèo thật, nhưng lại có mảnh vườn giá trị. Khi đã lôi kéo được cậu con trai lún vào vay nặng lãi với số tiền nợ 200 triệu đồng, biết gia đình không có tiền, chúng liên tục gây sức ép buộc bà phải bán vườn. Để cho con không lao vào bước đường cùng khi đang tuổi mới lớn, nhà cũng chẳng còn gì nên gia đình bà chấp nhận bán 72m2 đất vườn, vừa đủ tiền trả nợ.

Những trường hợp như gia đình bà Hoan bây giờ ở Hiệp Thuận rất nhiều. Các ổ nhóm không chỉ nhắm vào tiền mà còn nhắm vào đất đai. Ông Thuyết, bà Hoan, bà Sâm, ông Thuận… có con cái dính vào vay nặng lãi đều bị các ổ nhóm cho vay ép phải bán ruộng vườn cho chúng.

Như gia đình ông Thuận, bố ông ấy trước khi chết dặn dò là cố gắng giữ mảnh đất vườn mà sống nhưng rồi cũng phải bán để trả nợ cho con. Hay như khi nghe tin gia đình bà Sâm bán đất, bán nhà để trả nợ, ông Thanh cho đàn em xuống bao vây nhà, ép phải bán rẻ cho chúng. 4,5 sào đất bãi bị bọn chúng ép dưới 80 triệu đồng/sào, trong khi đó giá thị trường 100 triệu đồng/sào. Ông bà không chịu, chúng bảo: Đất ấy nếu tao không lấy được thì đố nhà máy bán được cho người khác.

Hoàng Anh – Trần Hồ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/diem-nong-sap-bay-tin-dung-den-30-so-gia-dinh-trong-lang-dinh-lai-me-de-lai-khung-post231849.html