Điểm sáng đáng mừng sau nhiều năm Mỹ - Trung lạnh nhạt

Chuyên gia cho biết thế giới sẽ thấy 'nhẹ nhõm' khi lãnh đạo Mỹ - Trung cam kết ngăn xung đột. Dẫu vậy, đây chỉ được coi là bước tiến nhỏ trong chuỗi căng thẳng sâu sắc giữa 2 bên.

Vị trí nổi bật bức ảnh trên trang nhất Nhân dân Nhật báo ngày 15/11 nói lên nhiều điều: Chủ tịch Tập Cận Bình mỉm cười và bắt tay với Tổng thống Joe Biden, trên nền cờ Trung Quốc và Mỹ.

Suốt nhiều tháng trước đó, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng tải những lời cảnh báo từ ông Tập về việc Trung Quốc cần rèn luyện quân sự - chính trị chuẩn bị cho một kỷ nguyên xung đột, cảnh báo về “các thế lực thù địch” nhằm ám chỉ Mỹ muốn kiềm chế sự phát triển của quốc gia này, theo New York Times.

“Cuộc gặp này vừa tiếp nối các cuộc trao đổi từ trước đến nay, vừa là dấu hiệu cho điểm khởi đầu mới”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói. “Mỹ và Trung Quốc nên cho thế giới thấy chúng ta có thể quản lý và kiểm soát những khác biệt”.

Bức ảnh giữa 2 nhà lãnh đạo trên Nhân dân Nhật báo một ngày sau cuộc gặp gần 3 giờ giữa ông Tập và ông Biden, cũng như bình luận tích cực từ ông Vương Nghị, là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh kỳ vọng 2 bên có thể ngăn chặn mối quan hệ xấu hơn nữa, ngay cả khi vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc.

 Ông Scot Marciel - cựu Đại sứ Mỹ tại Indonesia 2010-2013. Ảnh: FSI.

Ông Scot Marciel - cựu Đại sứ Mỹ tại Indonesia 2010-2013. Ảnh: FSI.

Đây cũng chính là nhận định của ông Scot Marciel - cựu Đại sứ Mỹ tại Indonesia 2010-2013 và Đại sứ Mỹ tại Myanmar 2016-2020 - khi trao đổi với Zing. Ông Marciel cho rằng hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng, đồng thời nêu bật lợi ích chung trong việc ổn định mối quan hệ, bất chấp nhiều khác biệt.

“Thỏa thuận nối lại các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, cũng như thông báo về việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sớm tới Bắc Kinh để tiếp nối cuộc họp của hai nhà lãnh đạo, là rất quan trọng”, ông Marciel cho hay. “Rõ ràng là còn rất nhiều công việc khó khăn phía trước, nhưng cuộc hội đàm là bước tiến tích cực”.

“Thật nhẹ nhõm”

Theo giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Australia), cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung rất quan trọng với ba lý do. “Thứ nhất, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo và tiếp nối hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 11/2021”, vị giáo sư cho biết.

 Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Carl Thayer/Twitter.

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Carl Thayer/Twitter.

Bên cạnh đó, ông Thayer cho rằng cuộc gặp này diễn ra sau khi quan hệ song phương xấu đi rõ rệt sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Bắc Kinh đã tuyên bố “đình chỉ các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu giữa Trung Quốc và Mỹ”. Ngoài ra, Trung Quốc không có kế hoạch thực hiện điện đàm giữa lãnh đạo quân sự 2 nước, cũng như hủy bỏ 2 cuộc họp an ninh khác.

Tuyên bố cũng nêu Trung Quốc ngừng hợp tác với Mỹ trong việc hồi hương những người di cư bất hợp pháp, hỗ trợ tư pháp và tội phạm xuyên quốc gia, cũng như hành động chống ma túy, AFP đưa tin.

“Cuối cùng, cuộc họp này diễn ra sau hội nghị COP27 ở Ai Cập, nơi ông Biden tham dự trong khi ông Tập vắng mặt. Nhiều quốc gia tham dự COP27 muốn thấy các nước phát thải lớn nhất thế giới hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, ông nói thêm.

 Bức ảnh ông Tập và ông Biden bắt tay nhau được tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải. Ảnh: Tân Hoa xã.

Bức ảnh ông Tập và ông Biden bắt tay nhau được tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải. Ảnh: Tân Hoa xã.

Sau cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ, ông Biden và ông Tập đã nhất trí tái khởi động đàm phán về chống biến đổi khí hậu. Động thái này đã nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế.

Trao đổi với Zing, ông Thayer còn cho rằng bước đột phá quan trọng nhất sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo là việc Washington và Bắc Kinh nhất trí nối lại các cuộc tiếp xúc cấp cao trong nhóm làm việc chung về một số vấn đề.

Giáo sư từ Đại học New South Wales cũng dẫn ví dụ về việc ông Antony Blinken sớm sắp xếp chuyến thăm tới Bắc Kinh, dự kiến vào đầu năm 2023.

Sau cuộc gặp này, giáo sư Australia nhận định quan hệ Mỹ - Trung sẽ không còn “tuột dốc không phanh”, nhưng sẽ cần thời gian để giảm căng thẳng và đạt tiến bộ trong các lĩnh vực mà 2 bên cho là cần thiết cho sự ổn định toàn cầu.

Đồng nhận định, bà Yuen Yuen Ang - phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Michigan - khẳng định các điều kiện mang tính cấu trúc trong cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ không biến mất, nhưng việc ông Biden và ông Tập cam kết giữ liên lạc và ngăn chặn xung đột là tín hiệu đáng mừng.

“Thật nhẹ nhõm cho cả thế giới khi cả ông Biden và ông Tập đều cam kết giữ liên lạc và ngăn chặn xung đột. Việc hai nước hòa thuận trở nên hứa hẹn hơn khi hai nhà lãnh đạo thừa nhận thực tế cạnh tranh, thay vì hành động như thể điều đó không tồn tại”, bà nhận định.

Căng thẳng chưa dứt

Bất chấp dấu hiệu tích cực sau cuộc gặp, ông Vương Nghị cũng nhắc nhở bế tắc lâu dài về tương lai Đài Loan vẫn là khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng tiềm ẩn. Trung Quốc từng nhiều lần nhấn mạnh Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực.

Trong hội đàm với ông Tập, ông Biden nói Washington sẽ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”, đồng thời phản đối mọi bước đi đơn phương thay đổi nguyên trạng của Đài Loan.

Liên quan đến vấn đề này, cũng như nhiều bất đồng khác giữa hai nước, ông Vương chỉ ra chính quyền Tổng thống Biden cần phải làm nhiều hơn nữa để trấn an giới lãnh đạo Trung Quốc.

“Hãy ngừng cố gắng kiềm chế và hạ bệ Trung Quốc, ngừng can thiệp vào nội bộ Trung Quốc, ngừng làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.

Đánh giá về quan hệ Mỹ - Trung với Zing, giáo sư Rosemary Foot - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Oxford - cho rằng quan hệ này dường như xấu đi vào khoảng năm 2015 với nhiều lý do, trong đó có việc Bắc Kinh cứng rắn hơn và sẵn sàng thúc đẩy quan điểm mạnh mẽ về trật tự thế giới và khu vực.

 Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng xích gần Nga. Trong năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp mặt trực tiếp 2 lần, một lần ở Bắc Kinh - chỉ vài tuần trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, và một lần ở Uzbekistan hồi tháng 9.

Về vấn đề này, giáo sư Foot cho rằng quan điểm của Trung Quốc trong “chiến dịch quân sự” tại Ukraine cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ Bắc Kinh - Washington. “Và điều đó tác động đến mối quan hệ của nước này với Mỹ”, bà cho hay.

NPR nhận định trong cuộc gặp hôm 14/11, vấn đề Ukraine vẫn là chủ đề 2 bên né tránh thảo luận trực tiếp. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đồng tình "không bao giờ nên tiến hành chiến tranh hạt nhân”, đồng thời nhấn mạnh quan điểm phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Trong khi đó, thông cáo phía Trung Quốc không đề cập tới vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, giáo sư Rosemary Foot cho hay trước đây, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của hai nước đã giúp làm dịu nhiều mặt cạnh tranh chiến lược và các khía cạnh khó khăn khác của mối quan hệ này. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định với những tiến bộ kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, việc thúc đẩy mối quan hệ trở nên khó khăn hơn.

“Các vấn đề kinh tế và an ninh có mối liên hệ với nhau. Chẳng hạn, Trung Quốc phát triển các công nghệ mới có giá trị thương mại và quân sự đáng kể, do đó thách thức sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, bà nói.

Theo Jeremy Mark - chuyên gia tại Trung tâm Kinh tế Địa lý chia sẻ trên Atlantic Council, trong cuộc gặp hôm 14/11, giới chức hai bên không thể tìm thấy điểm tương đồng trong một số lĩnh vực.

Ông chỉ ra thông cáo của Trung Quốc cảnh báo về “cuộc chiến thương mại hoặc cạnh tranh công nghệ”, trong khi Mỹ nhắm vào “các hoạt động kinh tế phi thị trường” của Trung Quốc.

“Khác biệt cốt lõi trong quan hệ kinh tế có thể sẽ tiếp tục trầm trọng thêm”, ông Mark nhận định.

Trong khi đó, Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Chatham House, đánh giá cuộc gặp trực tiếp này chỉ là “bước nhỏ để tiến tới bước ngoặt tích cực trong quan hệ Trung - Mỹ”.

“Lần này không giải quyết bất cứ khác biệt lớn nào giữa 2 bên, mà chỉ làm chậm quá trình mối quan hệ này lạnh nhạt hơn”, Bloomberg dẫn lời bà Jie cho hay.

 Phó giáo sư Yuen Yuen Ang (Đại học Michigan). Ảnh: Đại học Michigan.

Phó giáo sư Yuen Yuen Ang (Đại học Michigan). Ảnh: Đại học Michigan.

Từ những đánh giá đó, chuyên gia Foot cho rằng khi các kênh thông tin liên lạc còn yếu, khả năng hiểu lầm hành động của mỗi bên lại càng cao. “Mặc dù tôi không nghĩ xung đột lớn sẽ nổ ra, mối quan hệ này đang trong giai đoạn khó khăn và nguy hiểm”, vị giáo sư nói.

Về vấn đề này, bà Yuen Yuen Ang chia sẻ để thấy được dấu hiệu tiến bộ thực sự trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, hai quốc gia cần các cuộc đối thoại và giao lưu trao đổi, vốn đã giảm sút trong những năm qua.

“Các học giả, công ty và chủ thể xã hội ở cả hai quốc gia phải tương tác cởi mở để đảo ngược vòng luẩn quẩn hiện tại, khi tương tác hạn chế dẫn đến việc phóng đại các mối đe dọa”, bà Ang nhấn mạnh.

Zing từ Indonesia: Mỹ - Trung cố vượt qua khác biệt Tại cuộc gặp với tổng thống Mỹ ở Bali, ông Tập thừa nhận quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hiện tại chưa phù hợp với lợi ích 2 nước và chưa đáp ứng được kỳ vọng toàn cầu.

Phương Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-sang-dang-mung-sau-nhieu-nam-my-trung-lanh-nhat-post1375594.html