'Điểm sáng' FDI: Cơ hội lớn, nhưng thách thức không nhỏ

Lợi thế về chi phí, lực lượng lao động dồi dào cùng số lượng các FTA phong phú sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. FDI được xem là động lực, giúp củng cố triển vọng Việt Nam tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn.

Việt Nam vẫn là điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài

Trong vài năm gần đây, kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều áp lực. Đại dịch COVID-19 vừa đi qua, thế giới tiếp tục đối mặt nhiều cú “sốc” khác, như xung đột chính trị ở nhiều khu vực, lạm phát gia tăng, nhiều đồng ngoại tệ mất giá, chuỗi cung ứng bị đứt gãy,.... Tất cả những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), năm 2022, dòng vốn FDI toàn cầu đạt 1.200 tỷ USD, giảm rất mạnh lên tới 12% so với năm trước. Bước sang 2023, dòng vốn FDI có xu hướng tăng, nhưng không đáng kể chỉ khoảng 3%, tương ứng 1.370 tỷ USD.

Bất chấp dòng vốn FDI có xu hướng suy giảm, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư của các “ông lớn” nước ngoài. Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, đây cũng là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong giai đoạn 5 năm (2017 - 2022).

Liên quan tới vấn đề thiếu điện, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định: Việt Nam cam kết, việc thiếu điện sẽ không xảy ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Năm 2023, FDI “chảy” vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn FDI thực hiện chỉ tăng 3,5%, đạt mức 23,18 tỷ USD.

Đặc biệt, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này năm 2023 đạt 23,5 tỷ USD, chiếm tới 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới so với các con số tương ứng của năm 2022 là 16,8 tỷ USD và 60,6%.

Bước sang năm 2024, mặc dù chuẩn bị kết thúc quý I, song triển vọng thu hút FDI vẫn là điểm sáng. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn FDI đăng ký 2 tháng đầu năm 2024 đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 3,6 tỷ USD, gấp 2 lần.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của 2 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Tính lũy kế đến tháng 2/2024, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 473,065 tỷ USD đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE cho biết, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, nhờ vào nhiều yếu tố, như ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn xã hội, thị trường mở rộng nhờ thu nhập người dân tăng nhanh, khoảng 25 - 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu,...

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam có bước chuyển đổi nhanh sang tăng trưởng xanh, kinh tế số, trong khi tiền công chỉ bằng 1/2 so với một số nước trong khu vực ASEAN” - GS.TSKH Nguyễn Mại nói.

Bên cạnh đó, tính tới cuối năm 2023, Việt Nam đang “nắm trong tay” 19 Hiệp định thương mại (FTA), 16/19 FTA đã có hiệu lực. Việt Nam cũng là số ít quốc gia có FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

“Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Úc đều đặt niềm tin lạc quan vào Việt Nam, một phần là nhờ FTA có tác dụng tích cực đối với đa số doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đầu tư, kinh doanh” - lãnh đạo VAFIE nói.

Cơ hội lớn, nhưng thách thức không nhỏ

Mặc dù Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thách thức không hề nhỏ.

VAFIE cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang lo ngại một số vấn đề như thuế tối thiểu toàn cầu chuẩn bị áp dụng tại Việt Nam, việc thiếu điện vào mùa hè ở miền Bắc, hoặc một số thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp.

Liên quan tới vấn đề này, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) các thủ tục hành chính phức tạp như cấp giấy phép được coi là rủi ro lớn nhất tại môi trường đầu tư Việt Nam đối với các công ty Nhật Bản.

Trong nhiều trường hợp, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện chặt chẽ hơn và nộp thêm hồ sơ ngoài quy định của pháp luật khi đăng ký hoạt động với cơ quan liên quan, hoặc xin giấy phép kinh doanh khác nhau, dẫn đến thủ tục hành chính bị chậm trễ.

Bên cạnh đó, tình trạng chậm trễ trong thủ tục hoàn thuế GTGT do các điều kiện khắt khe hơn cũng gây khó khăn tài chính cho các công ty có dòng tiền eo hẹp.

“Do đó, chúng tôi mong muốn các thủ tục hành chính được thực hiện suôn sẻ, kịp thời, không đặt ra các điều kiện hoặc yêu cầu nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật” - đại diện JCCI cho biết.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nêu ra 14 nút thắt khi doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Một trong số đó là thiếu điện.

Ông Hong Sun, Chủ tịch KOCHAM cho rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn đang chỉ ra rằng hiện tượng thiếu điện ở Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư.

Do đó, KOCHAM mong rằng, Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất.

Tương tự, ông Joseph Uddo, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng: Một trong những nhu cầu chính của tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức. Duy trì các hệ thống năng lượng hoạt động là mục tiêu thiết yếu của quản trị năng lượng tốt và cung cấp cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo, giúp cho đất nước có lợi thế cạnh tranh hơn.

Cũng theo đại diện AmCham: Động lực cung và cầu điện rất phức tạp và cách tiếp cận hợp tác giữa khu vực công và tư nhân là điều cần thiết để phát triển nguồn điện bền vững, đáng tin cậy và giá cả phải chăng. Việt Nam có thể thu hút nguồn tài chính toàn cầu nhờ hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả.

“Chúng tôi khuyến khích tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để có thể đưa ra các giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa” - AmCham cho biết thêm.

Báo cáo của Fitch Ratings vào cuối năm 2023 cho rằng lợi thế về chi phí, lực lượng lao động dồi dào cùng số lượng các FTA phong phú sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. FDI được xem là động lực, giúp củng cố triển vọng Việt Nam tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/diem-sang-fdi-co-hoi-lon-nhung-thach-thuc-khong-nho-post289447.html