Điểm sáng sản xuất công nghiệp

(baodautu.vn) Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt đang tiếp sức cho phục hồi phát triển kinh tế.

Đúng như dự báo, sản xuất công nghiệp đã tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong quý I/2010. Báo cáo mới nhất của Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 3 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 173.492 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức kế hoạch cả năm (12%). Như vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng của đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài trong tháng 2, khiến giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng này chỉ bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng nhờ sản xuất công nghiệp tăng tốc trở lại trong tháng 3, với mức tăng 17,8% so với tháng 2/2010 và tăng 14% so cùng kỳ 2009, nên sản xuất công nghiệp trong quý I/2010 đã phục hồi rõ nét. Điều đáng mừng là, tính theo ngành kinh tế cấp 1, trong quý đầu năm, nếu giá trị ngành công nghiệp khai thác chỉ tăng 1%, thì công nghiệp chế biến tăng 14,1%, công nghiệp điện, gas, nước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2009. Điều đó có nghĩa rằng, công nghiệp chế biến đã có vai trò rất lớn trong dẫn dắt sự hồi phục của sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước cũng là dấu hiệu rõ nét cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế. "Sản xuất điện, nước tăng cao như vậy là do vừa phải đáp ứng nhu cầu sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong đợt nghỉ Tết", ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia phân tích. Không chỉ nhìn vào giá trị sản xuất, nhiều dấu hiệu khác cũng cho thấy, xu hướng phục hồi trong sản xuất công nghiệp là khá rõ nét. Chẳng hạn, trong quý I/2010, nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, như bông, vải, sợi, phôi thép, máy tính và linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy... có mức tăng trưởng khá cao. Các con số thống kê cụ thể cho thấy, nhập khẩu vải các loại đã đạt 955 triệu USD, tăng 13,3%; nguyên phụ liệu dệt may, da đạt 483 triệu USD, tăng 21,7%; sắt thép các loại đạt 1,65 triệu tấn, tăng 16,2%, trong đó phôi thép đạt 444.000 tấn, tăng 21%; máy tính và linh kiện điện tử đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 53%; máy móc thiết bị phụ tùng lên tới hơn 2,8 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ... "Việc nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất có mức tăng cao đã thể hiện sự phục hồi và tăng trưởng của sản xuất trong nước", một cán bộ của Vụ Kinh tế công nghiệp nhận xét. Sản xuất phục hồi và tăng trưởng tốt, lại được tiếp sức bởi những thông tin tích cực từ khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý I dự kiến tăng tới 24%, nên đà tăng trưởng dự báo sẽ tiếp tục trong quý II/2010. Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, trong quý II/2010, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục đà phục hồi, dự kiến có thể đạt mức tăng khoảng 6,56% - mức tăng trưởng khá cao, đóng góp cho sự phục hồi của toàn nền kinh tế. Tuy vậy, khó khăn trước mắt vẫn là điều cần được nhắc tới, mà một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay chính là xu hướng tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, khiến giá thành sản xuất tăng cao, có thể gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. "Giá điện tăng trung bình 6,8% từ ngày 1/3/2010 đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là những ngành mà chi phí về điện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm như xi măng, sắt, thép, may mặc, giày da, sản xuất dây cáp điện... Đối với các ngành này, chi phí điện sẽ trở thành khoản chi rất lớn, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đó là chưa kể, trong thời gian sắp tới, theo lộ trình cam kết với WTO, một số sản phẩm như thép sẽ không được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Các doanh nghiệp sẽ chịu nhiều áp lực hơn từ các doanh nghiệp nước ngoài", ông Lê Đình Ân nhận xét và cho rằng, tới đây, các doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp ổn định sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh giá bán linh hoạt, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngay trên thị trường trong nước. Trong khi đó, cũng liên quan tới chi phí đầu vào, giá vốn đang là tâm điểm của sự quan tâm của các doanh nghiệp. Các thông tin gần đây cho thấy, do áp dụng lãi suất thỏa thuận, nên lãi suất cho vay đang ở mức rất cao, có thời điểm đã gần tương đương với năm 2008 - là năm mà lạm phát và lãi suất cho vay ở mức đỉnh điểm. Tại một cuộc thảo luận gần đây của các chuyên gia kinh tế xung quanh các vấn đề liên quan đến kinh tế quý I và cả năm 2010, các ý kiến đều tỏ ra quan ngại về tình trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề hiện nay đang rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Nguyên nhân, phần vì lãi suất cho vay đang ở mức cao, phần vì vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng không hẳn dư thừa, do đang khó huy động vốn. Nếu doanh nghiệp khó tiếp cận vốn thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, dẫn tới ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Rõ ràng, đây là những vấn đề cần được tính tới để sản xuất công nghiệp có thể tiếp tục phục hồi tốt hơn trong thời gian tới, tiếp sức cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/doisongxahoi/9ac9b4c17f000001014883cf455c6567