Điểm sáng thực hiện phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'

Xác định phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (gọi tắt là phong trào) có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động nhằm đưa phong trào tại địa phương phát triển và trở thành điểm sáng trong thực hiện phong trào của huyện.

Một tiết mục văn nghệ của nhân dân xã Vĩnh Quang.

Đến nay, toàn xã có 91,3% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% các thôn được công nhận danh hiệu văn hóa. Tiêu biểu như thôn Cẩm Hoàng 1 với nhiều sáng tạo, đổi mới trong thực hiện các phong trào, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Ban công tác mặt trận thôn đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tham gia giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ (VHVN), thể dục – thể thao (TDTT); vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường. Từ những kết quả đã đạt được trong việc vận động nhân dân thực hiện các phong trào nên thôn Cẩm Hoàng 1 luôn có tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt cao. Năm 2019, thôn giữ vững danh hiệu đơn vị văn hóa, toàn thôn có trên 93% các hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đơn vị văn hóa, TDTT, người dân trong thôn còn tích cực tham gia đóng góp tiền bạc, ngày công xây dựng các thiết chế văn hóa, góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tiêu biểu trong đó là gia đình ông Phạm Xuân Ái, liên tục được công nhận gia đình văn hóa, các con trong gia đình đều đỗ đạt và có việc làm ổn định. Ông đã luôn dạy bảo các con sống đoàn kết, yêu thương nhau. Ông luôn ý thức xây dựng gia đình văn hóa không phải vì danh hiệu, vì giấy khen của xã, của huyện mà là để giữ gìn nền nếp gia phong, duy trì cuộc sống ấm no, hạnh phúc làm nền tảng cho các con.

Có được sự đổi thay tích cực đó là nhờ sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện phong trào. Để phong trào phát triển sâu rộng xã đã bám sát kế hoạch, hướng dẫn của tỉnh, huyện về việc triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch phát triển phong trào trong từng giai đoạn cụ thể. Hằng năm, ban chỉ đạo phong trào thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào; tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách văn hóa – xã hội, thành viên ban chỉ đạo phong trào tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, công tác chỉ đạo, điều hành phong trào cơ sở. Đặc biệt, xã xác định cốt lõi của phong trào là xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Do đó, hàng năm xã đã chỉ đạo các thôn, làng xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước phù hợp với tình hình phát triển chung; phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa tới từng thôn, làng, từng hộ gia đình để nhân dân biết và thực hiện. Từ đó, các hộ gia đình có ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng chuẩn nên số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên.

Cùng với việc quan tâm phát triển làng văn hóa, gia đình văn hóa các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện, tổ chức các giải thể thao, giải văn nghệ để các hoạt động VHVN, TDTT phát triển, tạo sân chơi lành mạnh, tăng sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó giữa người dân trong làng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của quê hương. Cùng với đó, để các hoạt động VHVN, TDTT được duy trì và phát triển, lãnh đạo xã đã chỉ đạo các thôn quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nhân dân, con em xa quê đóng góp để xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, mua sắm các trang thiết bị cho các thôn, làng. Nhờ đó đến nay toàn xã có 7/7 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao; mỗi thôn có từ 1-2 đội văn nghệ và thể thao.

Việc thực hiện tốt phong trào chính là động lực để địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống lành mạnh, tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Qua đó, thể hiện tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Để phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, xã Vĩnh Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên đổi mới nội dung, không ngừng nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, gắn kết việc phát triển phong trào với xây dựng xã kiểu mẫu.

Bài và ảnh: Thế Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/diem-sang-thuc-hien-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa/112519.htm